Thực trạng ngành ngân hàng qua báo cáo mới nhất của Thống đốc

Minh An - 00:00, 19/07/2017

TheLEADERNhiều cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý ngân hàng yếu kém.

Thực trạng ngành ngân hàng qua báo cáo mới nhất của Thống đốc
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Lê Minh Hưng. Ảnh: Đình Nam

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Lê Minh Hưng nêu ra hàng loạt vấn của ngành ngân hàng tại tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng chiều 22/5, tại Quốc Hội.

Thống đốc cho biết, khoảng 22 tổ chức tín dụng đã được giảm, không xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Tình trạng sở hữu chéo, cổ đông lớn thao túng ngân hàng đã đực xử lý cơ bản.

Tuy nhiên, tình hình tài chính nhiều ngân hàng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng kinh doanh thua lỗ.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2016 là 2,46% nhưng nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu con số này lên đến 10,08%.

Đặc biệt khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập. Cụ thể:

Luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có quy định trao quyền cho NHNN thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng phục hồi. Hiện nay, NHNN chỉ có quyền mua lại cổ phần bắt buộc.

Tiến trình phục hồi và cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém cũng thiếu các quy định về: (i) điều chỉnh hoạt động kinh doanh, quan hệ cho vay, gửi tiền với tổ chức tín dụng khác; (ii) quy định về quyền và trách nhiệm của ngân hàng tham gia hỗ trợ; (iii) quy định về cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt của NHNN với tổ chức tín dụng.

Đáng chú ý, pháp luật hiện hành không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ ngân hàng trước các rủi ro pháp lý khi tham gia xử lý ngân hàng yếu kém.

“Trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý ngân hàng yếu kém”, Thống đốc nói.

Đây là một trong những điểm được đề nghị sửa đổi trong dự luật lần này nhằm đảm bảo nguồn nhân sự có chất lượng tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Thống đốc cho biết, quy định này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và được chuyên gia quốc tế do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ xây dựng dự thảo Luật đánh giá cao.

Tờ trình của Thống đốc cũng cho biết, mức độ an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng còn thấp. Dù hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng đảm bao quy định 9% nhưng nếu áp dụng việc tính vốn theo thông lệ quốc tế (Basel II, Basel III) thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn nhiều.

Điều khiến hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương trước tác động bất lợi, đột ngột từ môi trường kinh doanh trong khi phải chịu gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2015 (năm 2012: 95,2%; năm 2013: 97,0%; năm 2014: 100,0%; năm 2015: 111,1%) và ở mức cao so với các nước

Tín dụng khu vực ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, không chỉ hệ thống các tổ chức tín dụng dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế. Ngược lại, nền kinh tế sẽ dễ bị tổn thương khi hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với các nguy cơ, rủi ro đổ vỡ.

Tờ trình nhấn mạnh, nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém không được tháo gỡ, sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.