Thương lái Trung Quốc tung chiêu, sầu riêng lên cơn sốt giá

Quỳnh Như - 09:37, 16/11/2018

TheLEADERTheo nhiều chuyên gia, với tình trạng trồng tràn lan như hiện tại trong khi vẫn chưa có thị trường đầu ra, nhiều khả năng chúng ta phải giải cứu sầu riêng sau 7 năm nữa, nhưng cũng có ý kiến cho rằng giá sẽ thấp xuống chứ không đến mức giải cứu.

Nhà nhà, người người trồng sầu riêng

Trong vài tháng gần đây, bà Lê Thị Gái ở thôn Đa Kim, xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận khá vui khi vài chục gốc sầu riêng bà trồng xen kẽ với cà phê vừa mang lại lợi nhuận đáng kể so với trước đây khi giá sầu riêng tăng cao đột biến – xấp xỉ 50.000 đồng/kg.

Các thương lái Trung Quốc không ngại xa và khó, sẵn sàng lặn lội tới tận vùng nông thôn hẻo lánh này để thu sầu riêng và mua non mà không cần chờ tới đủ tuổi. Trong lúc cà phê đang rớt giá, việc sầu riêng tăng giá, với người nông dân ở vùng này chính là nắng hạn gặp mưa rào.

Dù đang khá thất vọng với giá cà phê nhưng với bản tính thận trọng của người miền Trung, bà Gái không chặt bỏ hết cà phê để trồng sầu riêng mà chỉ tăng thêm vài chục gốc. Ngược lại, có không ít người dân ở xã Đa Mi đã thu hẹp diện tích trồng cà phê hoặc chặt bỏ hết với quyết tâm làm giàu bằng sầu riêng.

Tại tỉnh Đắc Nông, tình hình cũng không khác, năm ngoái, người dân ở đây đã trồng sầu riêng ồ ạt, năm nay, với việc cà phê rớt giá, bơ boot và bơ 034 không còn giữ độ hot (bơ boot chỉ còn 25.000 đồng/kg), nông dân càng sốt sắng trồng thêm sầu riêng.

Cũng như mọi năm, người nông dân thấy cái gì có lời nhiều là tự mày mò trồng và cũng không thấy nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách có hướng dẫn gì cụ thể. Mặc dù, khi trồng xen canh sầu riêng vào cà phê, năng suất cà phê sẽ giảm nhưng người nông dân chấp nhận điều đó”, anh Nguyễn Hữu Khoa, nông dân ở Gia Nghĩa (Đắc Nông) cho TheLEADER biết.

Tại Lai Vung – Đồng Tháp, sau khi thấy giá sầu riêng ngày càng tăng, anh Nguyễn Văn Năm vội bán 2 mảnh vườn nhỏ mà mình đang canh tác bấy lâu, gom tiền tới vùng khác mua vườn rộng hơn để chuyên canh sầu riêng.

Trường hợp của người dân ở xã Đa Mi hay anh Năm chỉ là một trong số những nông dân trên khắp miền Nam Việt Nam đang muốn đổi đời bằng sầu riêng – loại cây ăn trái đang cho lợi nhuận cao nhất trong thời gian gần đây.

Sẽ có hay không việc giải cứu sầu riêng trong tương lai?
Cây giống sầu riêng có lúc lên đến 130.000 đồng/cây. Ảnh: Khoa học và Phát triẻn.

Để biết cây sầu riêng đang được bà con nông dân Việt Nam ưu ái như thế nào, hãy ngược về cách đây chưa lâu với phong trào ‘ăn sầu riêng miễn phí nhưng phải để lại hạt”. Nếu bạn biết rằng, giống sầu riêng có khi lên đến 130.000 đồng/cây, thì bạn sẽ không ngạc nhiên vì sao có phong trào lạ đời như thế.

Dù chưa có một thống kê chính thức nhưng theo nhiều người trong nghề, hiện diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam có thể tăng gấp rưỡi, khi bà con nông dân không chỉ ở miền Tây và Tây Nguyên – 2 vựa sầu riêng truyền thống của Việt Nam, mà ngay các tỉnh miền đông như Tây Ninh, Đồng Nai đang thi nhau trồng sầu riêng.

Vậy tại sao lại có cơn sốt này? Mọi chuyện có lẽ bắt đầu từ người Trung Quốc. Những năm trước, sầu riêng hạt lép đến tay người tiêu dùng Việt Nam chỉ khoảng 50.000 đồng hoặc 60.000 đồng/kg, nhưng kể từ khi người Trung Quốc biết ăn sầu riêng cách đây khoảng hơn 1 năm, giá sầu đội lên trung bình vào khoảng 80.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.

Cách đây 4 tuần, sầu riêng Ri6 tại Lai Vung – Đồng Tháp được thương lái mua với giá 80.000 đồng đến 85.000 đồng/kg, sau có thông tin ‘giải cứu’ sầu riêng, giá rớt xuống còn 55.000 đồng đến 68.000 đồng; cách đây vài ngày, vừa có thông tin đính chính từ chính quyền huyện và giá sầu riêng tại đây đang có xu hướng nhích lên lại.

Hiện tại, hơn 80% sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Áp lực cạnh tranh về chất lượng sầu riêng

Trong khi người nông dân Việt Nam hồ hởi đi trồng sầu riêng, thì nhiều doanh nghiệp làm về trái cây nhất là sầu riêng cảm thấy sợ hãi thay họ, bởi rõ ràng là sầu riêng Việt Nam chưa có thị trường chính thức!

Thị trường ‘ăn hàng’ chủ yếu của thương lái Trung Quốc chính là Thái Lan, bởi chất lượng sầu riêng của họ tốt hơn ta, nhưng do sản lượng sầu riêng của Thái Lan chưa đủ cung cấp cho thị trường Trung Quốc cũng như diện tích sầu riêng trái vụ của họ chưa nhiều, nên thương lái của Trung Quốc mới tìm tới Việt Nam.

Hiện tại, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch và đi bằng quota Thái Lan mà các thương lái Trung Quốc mua được, thường có giá từ vài triệu tới vài chục triệu/1 công, tùy vào độ nóng của thị trường. Cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa chính thức được phép nhập trực tiếp sầu riêng vào Trung Quốc.

Với diện tích sầu riêng mở rộng ào ạt ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, cộng với tình trạng chất lượng sầu riêng bị thả nổi, tôi đoán khoảng 7 năm nữa, khi lứa sầu riêng sau này cho sản lượng cao nhất, người Việt Nam sẽ lại hô hào giải cứu sầu riêng cho nông dân”, ông chủ thương hiệu sầu riêng Chín Phẻ nhận định.

Theo doanh nhân này, bây giờ, khi thị trường Trung Quốc còn đang làm quen với trái sầu riêng, họ vẫn chưa phân biệt đâu là loại chất lượng trung bình – cao, đâu là loại chín cây – chín do thêm thuốc, thì sầu riêng Việt Nam còn có cơ hội “múa may”; nếu sau này nhu cầu của họ cao lên, sẽ không có cửa cho sầu riêng chuyên cắt non – nhúng thuốc như ở Việt Nam thời điểm hiện tại.

Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã yêu cầu trái cây nhập khẩu phải truy suất được nguồn gốc xuất xứ, còn vào tháng 10/2019 tới, thực phẩm nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng – xuất xứ.

Sẽ có hay không việc giải cứu sầu riêng trong tương lai? 1
Một góc vườn của thương hiệu sầu riêng Chín Phẻ.

Hiện tại, nếu nhìn vào lý do vì sao nông dân bán sầu riêng cắt non, ông chủ Chín Phẻ vẫn chưa tìm ra được giải pháp để thuyết phục họ không làm thế.

Đầu tiên, thương lái Trung Quốc chỉ muốn mua non tầm 7,5 tuổi (sầu riêng phải từ 9 đến 10 tuổi mới bắt đầu chín) sau đó họ sẽ phết 1 chút hóa chất thúc chín ở đầu cuống, nhiều chủ vườn lẫn thương lái đều không quan tâm tới tuổi của sầu riêng mà chỉ quan tâm tới giá, ‘được là cắt – mua’.

Thuốc mà các chủ vựa ở Lai Vung sử dụng cho sầu riêng được các thương lái Trung Quốc cung cấp và thường không có nhãn mác. Còn thuốc có nhãn mác bằng tiếng Việt như HPC-97HXN thì ở mục hướng dẫn sử dụng là ‘dành riêng để bón cho thân và lá’ chứ không phải ‘thúc chín sầu riêng’!

Thứ hai, bán non sẽ tránh nguy cơ suy cây, giảm năng suất mùa sau hay giảm ký – trái sầu riêng già lúc nào cũng nhẹ hơn trái non. Thứ ba, bán sầu riêng non sẽ không phải nơm nớp lo lắng trộm cắp, chuột – chim – sóc, côn trùng – sâu -nấm ghé thăm.

Thứ tư, khi bán non, người nông dân sẽ không phải hồi hộp sợ gió mưa “chơi xấu” với ‘tiền tỷ’ treo lủng lẳng trên cây. Cuối cùng là bởi chi phí cắt non ít hơn cắt già, tâm lý đám đông – người ta làm mình cũng làm, chất lượng chín già khắt khe.

Phục vụ tiêu chuẩn của thương lái Trung Quốc, nhiều nông dân Việt Nam có thể ‘thả ga’ bỏ các loại thuốc tăng trưởng kích thích, siêu lân, siêu đạm ... Theo đó, cho dù trái sầu riêng to nặng như kẹp xi măng, ăn kém, tỉ lệ sượng, cháy múi cao cũng chẳng hề gì, vì sầu riêng đang hot, các thương lái Trung Quốc sẽ gom hết.

Sau vài năm thị trường dội, thương lái Trung Quốc có thể biến mất trong khi diện tích vẫn đang được liên tục mở rộng... Tới lúc đó, như thường lệ, công cuộc giải cứu nông sản lại bắt đầu phiên bản cũ chỉ ... đổi tên”, ông chủ Chín Phẻ cảnh báo.

Cũng theo doanh nhân này, sầu riêng Việt Nam với chủ lực hiện nay là giống Ri6, nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật, hoàn toàn đủ sức sánh vai” về chất lượng với các loại sầu riêng có thương hiệu nổi tiếng thế giới như Musang King (Maylaysia) hay Monthong (Thái Lan)…

Chỉ sợ, đến lúc chúng ta ý thức được điều đó, thì sầu riêng Việt Nam đã bị ‘dán nhãn’ chất lượng thấp. Và sầu riêng sẽ tiếp tục lâm vào tình trạng như tất cả các loại trái cây đang mắc phải ở Việt Nam: thừa chất lượng thấp phải đổ đống bán lề đường nhưng lại thiếu loại chất lượng cao để xuất khẩu.

Khác với ông chủ Chín Phẻ, bà Ngô Tường Vy – Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, lại lo về những bước chuyển mình thần tốc trong mảng sầu riêng của người hàng xóm Thái Lan.

Với những gì đã thấy sau khi đi thăm vùng chuyên canh sầu riêng cách đây vài tuần, bà Tường Vy cho biết, người Thái Lan hiện đang mở rộng vùng trồng sầu riêng ra nhiều tỉnh thành để đảm bảo Thái Lan luôn có sản lượng sầu riêng dồi dào quanh năm. Họ cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc sầu riêng.

Nếu sầu riêng Thái Lan đủ số lượng mà quota họ có và không bán cho thương lái Trung Quốc đến Việt Nam thu hàng nữa, thì mọi chuyện sẽ như thế nào?

Sẽ có hay không việc giải cứu sầu riêng trong tương lai? 2
Chất lượng sầu riêng Thái luôn được đánh giá cao hơn Việt Nam. Ảnh: thairesidents.

Tôi không chắc thuốc mà các thương lái Trung Quốc cung cấp cho các vựa sầu riêng Việt Nam là gì, nhưng tôi biết họ đang học theo những gì người Thái Lan làm. Ở Thái Lan, sầu riêng cũng được thêm hóa chất thúc chín, nhưng sở dĩ sầu riêng Thái Lan ngon hơn Việt Nam là bởi Chính phủ Thái cấm nông dân cắt trái non nếu họ phát hiện ra sẽ phạt rất nặng.

Trái già phết một hàm lượng nhỏ hóa chất thúc chín tất nhiên ngon hơn trái non phết lượng vừa hóa chất thúc chín”, bà Tường Vy tiết lộ.

Thật ra, cả người bán lẫn người mua sầu riêng ở Việt Nam đều biết vườn sầu riêng đó đã đủ tuổi để cắt chưa, nhưng vì lợi nhuận, vì thị trường đang nóng sốt, họ không quan tâm đến điều đó nữa.

Vừa qua, đại diện Chính phủ Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Chính phủ Trung Quốc về việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch trái cây và thực phẩm qua Trung Quốc. Có thể, sắp tới, sầu riêng Việt Nam cũng sẽ có quota cho riêng mình. Nhưng, liệu với chất lượng như hiện tại, sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh được với Thái Lan và Malaysia?!

Tuy nhiên, dù khá bi quan với hiện trạng sầu riêng Việt Nam thời điểm hiện tại, song bà Tường Vy không nghĩ, đến lúc nào đó sầu riêng Việt sẽ phải la lối nhờ giải cứu. Vì nếu giá có xuống thấp hơn cũng phải vào khoảng 20.000 đến 30.000 như trước kia, vẫn sẽ có nhiều thương lái mua để cấp đông tại chỗ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải mua hàng dạt để chế biến sầu riêng cấp đông.

Muốn biết người Việt có phải giải cứu sầu riêng hay không, chúng ta phải đợi thêm vài năm nữa, nhưng ngay từ bây giờ, cần lắm một sự đánh giá thật chi tiết và cụ thể từ cơ quan hữu quan về sầu riêng Việt Nam: quy mô, sản lượng, chất lượng, quy trình, thị trường, tiềm năng… để người nông dân lẫn các nhà kinh doanh có được một cái nhìn toàn cảnh khi quyết định đồng hành với loại trái cây này.