Tìm kiếm cơ chế liên kết vùng hiệu quả

Phạm Sơn - 12:07, 30/08/2022

TheLEADERKhi các vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế, xã hội đều mang tính “vùng”, một cơ chế liên kết vùng là đặc biệt cần thiết.

Suốt 2 kỳ báo cáo thường niên Đồng bằng sông Cửu Long do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại học Fulbright phối hợp thực hiện, một “nút thắt” cho phát triển miền Tây được nhóm tác giả gọi tên là cơ chế quản trị và liên kết vùng.

Bởi lẽ, một điều có thể thấy rõ là thách thức đối với Đồng bằng sông Cửu Long không đặt ra cho riêng địa phương nào hết. Hiện tượng tỷ lệ bỏ học cao, người lao động rủ nhau “đi Bình Dương” xảy ra tại tất cả 13 tỉnh, thành. Hiện tượng xâm nhập mặn, nước biển dâng, hạn hán cũng không dừng lại trong phạm vi địa giới hành chính.

Những điều này thực tế được ý thức bởi lãnh đạo các địa phương nhưng chưa có địa phương nào đưa ra được giải pháp hiệu quả. Lý do được ông Nguyễn Phương Lam, Chủ tịch VCCI Cần Thơ, đúc kết lại là “tỉnh này chẳng có quyền gì bảo tỉnh khác phải làm gì” và “chẳng thể bóp quy hoạch để nhường cho tỉnh khác”.

Cứ như vậy, nhu cầu liên kết cùng phát triển của miền Tây, suốt hàng chục năm phát triển, vẫn chưa thể được thỏa mãn. Nhiều cơ chế riêng được đưa ra nhưng không đem lại hiệu quả đáng kể.

Lấy đơn cử, năm 2008, ban chỉ đạo vùng Tây Nam Bộ được thành lập, cùng với ban chỉ đạo vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, đặt dưới sự quản lý và giám sát trực tiếp của Bộ Chính trị. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông, suốt nhiều năm, do sự thiếu rõ ràng về cơ chế hoạt động cũng như nguồn lực, cả 3 ban chỉ đạo đều không tạo ra được tác động gì rõ rệt. Đến năm 2017, 3 ban chỉ đạo này chính thức bị “khai tử”. Từ sự kiện này, hầu như không có cơ chế liên kết gì được đưa ra cho cả 3 vùng nói trên.

Miền Tây có một cơ chế liên kết vùng khác được thiết lập là Hội đồng vùng, với cơ chế hoạt động là lãnh đạo 1 tỉnh làm chủ tịch, luân phiên 2 năm 1 lần. Cơ chế này cũng rất khó tạo ra sự thống nhất cho các vấn đề mang tính liên vùng.

“Nếu xây dựng đường bộ hay công trình thủy lợi thì dễ nhưng giả sử xây dựng một trung tâm xử lý rác thải thì khó có tỉnh nào muốn nhận”, Thứ trưởng trao đổi với báo chí.

Ở các vùng khác, liên kết vùng cũng là bài toán nan giải. Một số hội đồng vùng kinh tế trọng điểm được thành lập nhưng không bao quát được toàn bộ các tỉnh thành.

Thiếu một cơ chế liên kết chặt chẽ, nhiều dự án hạ tầng mang tính kết nối rơi vào tình trạng khó khăn trong thủ tục cấp vốn. Các địa phương thì “mạnh ai nấy chạy”, tạo ra những “cuộc đua xuống đáy”, thậm chí có những trường hợp đặt ưu đãi vượt khung chính sách để thu hút đầu tư, làm tổn thương nghiêm trọng môi trường kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Vũ Sỹ Cường từng nhận xét: “Không phải quá đáng khi nói Việt Nam có 63 nền kinh tế riêng lẻ”!

Định hình những giải pháp

Đầu năm 2022, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 chính thức trở thành quy hoạch tổng thể vùng đầu tiên được phê duyệt. Kèm theo quy hoạch này, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng được thành lập.

Mô hình Hội đồng điều phối vùng, theo ông Đông, có thể giải quyết được những bất cập của những cơ chế liên kết trước. Cụ thể, đối với miền Tây, Hội đồng điều phối vùng do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm chủ tịch, 4 bộ trưởng làm phó chủ tịch và lãnh đạo 13 tỉnh thành làm thành viên thường trực, từ đó dễ tạo ra sự thống nhất, tránh bị chi phối bởi ý chí riêng, lợi ích riêng của mỗi địa phương.

Thực tế, ngay từ những ngày đầu hoạt động, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chứng minh được hiệu quả khi thống nhất được khoản vốn vay ưu đãi 2 tỷ USD cho 17 dự án liên vùng, chia cho cả 13 địa phương. Nếu để 13 tỉnh thành tự bàn bạc với nhau, rất khó có một tiếng nói thống nhất bởi "chia không đều".

Mới đây, sau sự thành công của Hội đồng điều phối vùng cho miền Tây, Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã chính thức được thành lập. Hội đồng này có chủ tịch là Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và đầu tư; Tài nguyên và môi trường; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Lao động thương binh và xã hội làm phó chủ tịch.

Bộ Kế hoạch và đầu tư, đơn vị chủ trì thành lập các Hội đồng điều phối vùng, cho biết sẽ nhân rộng mô hình này ra khắp 6 vùng trên cả nước.

Tuy nhiên, trước khi cơ chế mới ra đời, nhiều địa phương đã tự triển khai những hoạt động liên kết mang tính tiểu vùng. Mới đây, 4 tỉnh thành phía Bắc là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế dọc theo trục cao tốc phía Đông (cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái).

Liên kết giữa 4 địa phương này hội tụ nhiều yếu tổ tạo ra lợi ích lan tỏa. Đó là thế mạnh riêng của các địa phương: Quảng Ninh với ưu thế phát triển du lịch và xuất khẩu; Hải Phòng có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics; Hải Dương có lợi thế nhân lực và quỹ đất; Hưng Yên có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Ở những vùng khác, liên kết tiểu vùng cũng được thúc đẩy như một giải pháp tức thời cho nhu cầu liên kết cùng phát triển, có thể kể đến như tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Nam Trung Bộ...

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 có chia miền Tây thành 3 tiểu vùng sinh thái, trong đó mỗi tiểu vùng đều thiết lập trung tâm logistics phù hợp theo từng điều kiện phát triển.