Tìm phương án vẹn toàn để "sửa sai" BOT Cai Lậy

Thu Phương - 16:47, 06/12/2017

TheLEADERTheo luật sư Trương Thanh Đức, không chỉ vị trí đặt trạm thu phí bất hợp lý mà nhà đầu tư còn tính toán sai lầm trong phương án đầu tư xây dựng tuyến tránh BOT Cai Lậy.

Tìm phương án vẹn toàn để "sửa sai" BOT Cai Lậy
BOT Cai Lậy. Ảnh: NLD

Chủ tịch Công ty Luật BASICO Trương Thanh Đức cho rằng, nếu nhìn lại việc đầu tư dự án BOT Cai Lậy có thể thấy các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đã quyết định đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 là do lo sợ rằng, nếu đặt trạm ở đường tránh thì sẽ ít người đi nên sẽ khó thu được tiền đầu tư.

Ông Đức chỉ ra thực tế là đoạn đường tránh mặc dù được xây dựng mới và không đi qua thị xã Cai Lậy để tránh vùng dân cư đông đúc để giảm mật độ giao thông và giảm thời gian lưu thông trong nội thị, nhưng thực chất lại là một tuyến đường vòng, không tiết kiệm thời gian bao nhiêu so với đi đường quốc lộ 1 qua khu dân cư.

Trong khi đó, nhìn trên bản đồ, vẫn đoạn đường ấy nếu được “duỗi thẳng” ra sẽ rút ngắn quãng đường khoảng 7 cây số so với đường cũ và sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên không có lý do gì họ không lựa chọn đi. Tuy nhiên, dự án BOT Cai Lậy, ngay từ khi nghiên cứu, khởi công xây dựng tuyến đường tránh đã tính toán chưa đúng.

"Sai từ vị trí xây dựng tuyến đường BOT Cai Lậy"
Tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy nếu được "duỗi thẳng" ra (đường đứt gẫy màu xanh)

Chủ đầu tư tạo ra một con đường tránh vòng vèo, đồng thời tráng lại mặt đường quốc lộ 1 vốn đã có sẵn, sau đó đặt trạm thu phí ở giữa bắt người dân phải trả tiền đầu tư cả hai tuyến dù có đi hay không. Điều này là hết sức vô lý, luật sư Đức nhận định.

Ở khía cạnh rộng hơn, ông Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vụ việc tại BOT Cai Lậy cần được nhìn nhận một cách tổng thể dưới góc độ quản lý nhà nước, quản trị, dòng tiền.

Theo ông Sang, không thể phủ nhận thực tế là trạm thu phí BOT Cai Lậy đã đặt sai vị trí. Nhưng sửa sai không dễ vì dự án đã xây dựng rồi, nếu chuyển trạm thu phí về đường tránh mà ít người đi thì nhà đầu tư đối diện với nguy cơ vỡ nợ, kéo theo nợ xấu ngân hàng vì thông thường doanh nghiệp chỉ có 15% vốn đầu tư, còn lại đi vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, ông Sang cho rằng, hợp đồng kinh doanh được ký giữa Nhà nước và chủ đầu tư về mặt pháp lý là một luật. Tại đó, Nhà nước đã cam kết với chủ đầu tư về vị trí đặt trạm, được thu phí trong bao nhiêu năm. Nếu bây giờ thay đổi sẽ là vấn đề không đơn giản. Đó cũng chính là lý do khiến thời gian qua vụ việc ở Cai Lậy vẫn chưa giải quyết dứt điểm được.

Ông Sang cũng đồng tình với quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức khi cho rằng, ngay từ khi đầu tư xây dựng tuyến đường BOT này đã không được tính toán một cách kỹ lưỡng về vị trí xây dựng, khả năng hoàn vốn.

Theo ông Sang, đối với vụ việc này, để có thể giải quyết toàn diện, cần xem xét lại cụ thể tính pháp lý của hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh doanh giữa ngân hàng cho vay, chủ đầu tư và Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, từ đó xác định được thực chất vấn đề vào nếu sai đến đâu sẽ tìm cách giải quyết đến đó.

Liên quan đến phương án giải quyết vấn đề trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã đưa ra 3 kịch bản. 

Kịch bản thứ nhất là giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy, tăng cường tuyên truyền vận động, kèm cải thiện dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn.

Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, ông Đông cho rằng rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.

Kịch bản thứ ba là sẽ đặt 2 trạm thu phí: một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ. Đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư làm tuyến tránh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy trong vòng 1 - 2 tháng để rà lại toàn bộ quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, tổ chức thu phí; làm rõ việc tuân thủ quy định pháp luật, làm rõ những vấn đề có thể có bất cập, từ đó xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Thủ tướng trước khi tổ chức thu phí trở lại.

Không chỉ là câu chuyện của BOT Cai Lậy, thời gian gần đây nhiều dự án BOT giao thông khác trên địa bàn các tỉnh thành như Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên... cũng xảy ra tình trạng người tham gia giao thông bức xúc và phản ứng về múc thu phí và vị trí đặt trạm thu phí giao thông các đoạn đường được đầu tư BOT. Rõ ràng, phương án nào để "sửa sai" từ BOT Cai Lậy đang rất được người dân chờ đợi, và sẽ là "lời giải điển hình" cho hàng loạt các dự án BOT giao thông khác.