TKV đề nghị tăng công suất tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng

Nguyễn Cảnh - 15:48, 31/01/2022

TheLEADERTrước đề xuất của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về nâng công suất tổ hợp alumin Lâm Đồng lên 800.000 tấn alumin/năm, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang nghiên cứu tổng hợp ý kiến để báo cáo Bộ Công thương.

TKV đề nghị tăng công suất tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng
TKV đề xuất tăng công suất tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng lên 800.000 tấn alumin/năm, với mức đầu tư thêm 3.600 tỷ đồng

Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng do TKV làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, hiện đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 10/2013. 

Để tối ưu hóa sản xuất cũng như có hiệu quả kinh tế cao hơn, TKV báo cáo các cơ quan thẩm quyền thông qua chủ trương nâng công suất tổ hợp này lên 800.000 tấn/năm.

Theo đó, dự án nâng công suất sẽ thực hiện trong 2 năm tới, tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng (đã gồm VAT). Vốn đầu tư bổ sung để nâng công suất sẽ đến từ các nguồn: 30% vốn chủ sở hữu của TKV, 70% vốn vay thương mại (lãi suất 9,5%/năm).

Lý giải về đề xuất trên, TKV cho biết, sau 8 năm vận hành sản xuất, tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng công suất 650.000 tấn alumin/năm đã hoạt động ổn định, đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao. 

Với trữ lượng quặng bauxit trong khu vực còn lại rất lớn, để phát huy năng lực cơ sở hạ tầng đã đầu tư, tối ưu hóa sản xuất của tổ hợp, cần thiết phải lập dự án cải tiến hiệu suất, nâng công suất tổ hợp bauxit – nhôm Lâm Đồng từ 650.000 lên 800.000 tấn alumin/năm.

Cụ thể, tổ hợp bauxit-nhôm Lâm Đồng (với mục tiêu khai thác quặng bauxite tại các mỏ khu vực Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng sản xuất ra alumin (dùng cho sản xuất nhôm kim loại) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu) có công suất: 650.000 tấn alumin/năm, tổng mức đầu tư khoảng 15.414 tỷ đồng.

Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 20-30% tổng mức đầu tư dự án (còn lại là vốn vay). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2006 - 2013. Dự án đã được hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành sản xuất. Lũy kế đến hết năm 2020, dự án sản xuất được khoảng hơn 4,4 triệu tấn alumin. Phần lớn xuất khẩu (khoảng 97%), đến các thị trường Ấn Độ, Trung Đông (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan ...

Từ khi đi vào vận hành sản xuất (tháng 10/2013 đến 31/12/2020), doanh thu của dự án đạt khoảng 32.500 tỷ đồng (riêng năm 2020 khoảng 4.870 tỷ đồng). Trước đó, giai đoạn 2014 - 2016 dự án bị lỗ theo kế hoạch đầu tư. Từ năm 2017 dự án chuyển sang có lãi, rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch 1 năm.

Tính đến 31/12/2020, dự án lãi 62 tỷ đồng (trong đó lãi do hoạt động sản xuất kinh doanh là 1.191 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỷ giá là 1.129 tỷ đồng). Đồng thời, dự án trích khấu hao khoảng 6.480 tỷ đồng. 

Dự án đã trả nợ gốc vay đầu tư từ năm 2014, số dư vay tại thời điểm 31/12/2020 còn 150 triệu USD (nguồn Citibank, thời hạn vay 13 năm, trong đó có 3 năm ân hạn, lãi suất margin 1,2% + Libor 6 tháng, lãi suất hiện tại: 1.46375%, hạn trả nợ cuối cùng là tháng 12/2025). Vay bằng tiền VND đã trả hết.

Bên cạnh đó, theo Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin), tổng trữ lượng, tài nguyên địa chất của 3 mỏ bauxit khu vực dự án (vùng Lâm Đồng) còn lại đến 31/12/2020 là 643,13 triệu tấn quặng nguyên khai, hoàn toàn đáp ứng cho sản xuất alumin trong nhiều năm tới.

Các dự án khai thác, chế biến bauxite tại Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) và Tân Rai (tỉnh Lâm Đồng) là 2 dự án thí điểm, thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite tại Việt Nam từ hơn 10 năm nay.

Theo phương án đầu tư, dự án Tân Rai có thời gian lỗ kế hoạch trong 4 năm đầu đi vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2016, đã phát sinh thêm thuế xuất khẩu alumin 2%, giá tính thuế tài nguyên bauxit của tỉnh Lâm Đồng tăng từ 140.000 đồng/tấn lên 170.300 đồng/tấn quặng nguyên khai, qua đó làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Dự án Tân Rai có giá trị thực hiện là 15.218 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt (15.414 tỷ đồng).

Tính đến tháng 9/2016, sau 3 năm hoạt động, tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng thua lỗ 3.696 tỷ đồng. Trong đó, lỗ do hoạt động sản xuất,kinh doanh là 2.520 tỷ đồng, lỗ do chênh lệch tỉ giá khoảng 1.176 tỷ đồng. Mức lỗ này đã vượt xa so với mức lỗ dự kiến theo kế hoạch là 1.660 tỷ đồng.