Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa: 'Tôi sẽ trả lại ghế nếu...’

Hứa Phương - 12:31, 10/06/2019

TheLEADERTập đoàn FPT đang tự chuyển đổi số cho chính mình trước khi thực hiện chuyển đổi số cho khách hàng.

FPT đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số với mục tiêu doanh thu từ khối công nghệ thông tin đạt 1 tỷ USD sau ba năm tới, trong đó thị trường nước ngoài chiếm tỷ trọng 73%. 

Động lực tăng trưởng chính của khối công nghệ là chuyển đổi số với mức tăng 40 - 45%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 45% doanh thu vào năm 2021. Lãnh đạo FPT kỳ vọng sẽ lọt vào nhóm 50 công ty làm dịch vụ chuyển đổi số quy mô toàn cầu trong vòng một thập kỷ nữa

Để đạt được mục tiêu đó, FPT đang đi theo ba trục, trong đó lấy con người làm cốt lõi bởi ông Khoa khẳng định muốn trường tồn, chỉ có cách duy nhất là lấy con người làm gốc. 

“Khi được giao ghế Tổng giám đốc, tôi đặt ra một điều kiện với ban lãnh đạo FPT. Đó là tôi sẽ nhận ghế đó với điều kiện là FPT phát triển và trường tồn. Còn nếu ban lãnh đạo muốn FPT làm giàu cho ai đó trong thời gian ngắn thì tôi xin trả lại ghế”, ông Nguyễn Văn Khoa nói tại một sự kiện được tổ chức ở TP. HCM mới đây. 

Trước khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc FPT hồi tháng 3 năm nay, ông Khoa từng là Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT.

CEO FPT: ‘Tôi sẽ trả lại ghế nếu...’
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Theo ông Khoa, nhu cầu nhân sự cho sự phát triển của FPT đang rất lớn. Hiện Tập đoàn có 28.000 người, trong đó có 16.000 kỹ sư và 100 kỹ sư tư vấn chuyển đổi số. Hệ thống giáo dục của FPT đang có 34.000 sinh viên và kỳ vọng sẽ có tới 100.000 sinh viên AI, Big Data... trong ba năm nữa. Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, FPT đang áp dụng nhiều chính sách như tự đào tạo, giữ chân người tài, mua bán - sáp nhập.

Song song với công tác dụng nhân thì việc “trui rèn” cán bộ chủ chốt tại FPT cũng được đẩy mạnh trong thời gian gần đây bằng cách luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau. Mục tiêu của FPT muốn hướng đến là vị trí CEO của Tập đoàn sau này phải đáp ứng điều kiện đã làm việc ở ít nhất ba châu lục.

Bên cạnh con người, FPT cũng chú trọng đầu tư vào công nghệ, với việc trích 5% lợi nhuận hàng năm đầu tư cho mảng này. FPT đang có thuật toán quét CMT để đưa vào hệ thống mất khoảng 6s, trước đây mất khoảng 1,6 phút; FPT có những hệ thống bệnh viện thông minh FPT Ehospital đã triển khai cho khoảng 200 cơ sở bệnh viện khám chữa bệnh trên toàn quốc, FPT có chứng chỉ tiến sỹ cisco đầu tiên, FPT có những chứng chỉ cao nhất về điện toán đám mây trong khu vực châu Á.

Ông Khoa cho rằng, một vấn đề không kém quan trọng là việc Tập đoàn đang tự chuyển đổi số cho chính mình. Nhiều người nhầm tưởng chuyển đổi số là số hóa hoạt động của mình nhưng không phải vậy. Chuyển đổi số là dùng dữ liệu để thay đổi, tối ưu hóa hiệu quả các hoạt động kinh doanh của mình. 

Như FPT làm chuyển đổi số cho một khách hàng Nhật Bản để phân loại dữ liệu, phân loại các kiện hàng và báo cho khách hàng biết kiện hàng này đã nhập vào kho số bao nhiêu, được vận chuyển trên ô tô biển số xe nào và đã đi đến địa bàn nào.

Thậm chí FPT còn gợi ý cho khách hàng trước giờ có chuyển phát nhanh, tại sao không có dịch vụ chuyển chậm? Chẳng hạn có một khách hàng muốn gửi một kiện hàng là quần áo cũ từ TP. HCM ra Hà Nội làm từ thiện mà không quá gấp về thời gian. Nếu dùng dịch vụ chuyển phát nhanh phải mất 2 triệu đồng trong khi dùng chuyển phát chậm thì chỉ mất có 200 nghìn đồng.

"Vậy làm sao để làm được điều đó? Chúng ta phải có dữ liệu từng chuyến xe container hoặc xe tải xem chuyến nào còn trống và trống đến đoạn nào để gửi hàng đến điểm đến. Khi có dữ liệu và kéo dữ liệu lại gần mình thì sẽ làm được, đó là chuyển đổi số", ông Khoa chia sẻ.

Tổng giám đốc FPT cho biết thêm, Tập đoàn sẽ tập trung khai thác xu thế toàn cầu, nơi có khoảng 90% các tổ chức và doanh nghiệp có kế hoạch triển khai chuyển đổi số, với 32% các nhà quản lý công nghệ thông tin khẳng định chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ và đem lại lợi nhuận cao. 

Thị trường chuyển đổi số trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 16,7% mỗi năm, từ mức 1.071 tỷ USD năm 2018 lên 1.702 tỷ USD đến năm 2021.

"Quan trọng là người của FPT có tận dụng được hay không. FPT chạm vào giấc mơ của chuyển đổi số thì sẽ thành công”, ông Khoa khẳng định và cho biết FPT vừa mời ông Phương Trầm - người đã chuyển đổi số thành công cho tập đoàn DuPont - về làm tư vấn trưởng chuyển đổi số cho Tập đoàn. 

Ông Khoa tự tin FPT có đủ nhân lực, vật lực và kinh nghiệm để làm tư vấn chuyển đổi số vì đi lên từ tin học hóa và sống chết với ngành công nghệ thông tin đã hơn 30 năm. 

"FPT đi lên từ kinh nghiệm thực tiễn nên có đủ giải pháp để tư vấn cho các doanh nghiệp ở thị trường trong nước và thế giới. FPT sẽ đi rất sâu vào công nghệ và đặt ra mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu đến từ mảng này", ông Khoa khẳng định.