Toyota lo ngại Nhà nước thoái vốn tại VEAM

Trần Anh - 12:44, 02/07/2019

TheLEADERKhi tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống thấp, các đối thủ của Toyota sẽ thâu tóm VEAM, gây mẫu thuẫn lợi ích với hãng xe này.

Tổng công ty máy Động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có kết quả kinh doanh quý 1/2019 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 1.271 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng lợi nhuận của VEAM chủ yếu đến từ sự đóng góp của các công ty liên doanh, liên kết. VEAM hiện góp vốn liên doanh tại 3 hãng xe hàng đầu tại Việt Nam là Toyota Vietnam (nắm 20% cổ phần) và Honda Vietnam (nắm 30% cổ phần), và gián tiếp nắm 25% cổ phần tại Ford Vietnam thông qua công ty con là Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Công (Disoco).

Trước đó, trong năm 2018, nghị định 116 gây cản trở việc nhập xe về Việt Nam dẫn đến các hãng xe như Toyota hay Ford giảm mạnh xe nhập khẩu nguyên chiếc về trong 6 tháng đầu năm 2018. Đến nửa cuối năm 2018, các doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu nghị định 116 giúp lượng xe nhập khẩu tăng trở lại, qua đó cải thiện doanh số trong năm 2019 này.

Năm tháng đầu năm 2019, sản lượng tiêu thụ Toyota đạt 29.511 xe, tăng 19% so với cùng kỳ, chiếm 24,7% thị phần. Việc tăng trưởng tiêu thụ xe chủ yếu đến dòng xe Fortuner và tăng doanh số các dòng xe mới ra mắt tại Việt Nam là Wigo và Rush.

Honda sau nhiều năm bá chủ thị trường xe máy cũng rất tích cực đẩy mạnh sang thị trường ô tô. Trong 5 tháng đầu năm, Honda tiêu thụ 13.418 xe ô tô và 989.103 xe máy. Doanh số ô tô của Honda tăng mạnh 38% chủ yếu đến từ gia tăng tiêu thụ của CRV.

Ford cũng tiêu thụ 3.000 xe trong tháng 5/2019, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Thị phần Ford cũng được cải thiện từ mức 6.5% lên 11.5%. Mức tăng trưởng của Ford trong chủ yếu đến từ dòng xe bán tải Ford Ranger.

Các công ty liên doanh hoạt động hiệu quả, lợi nhuận VEAM thu về càng lớn. Theo công ty chứng khoán BSC ước tính, lợi nhuận năm 2019 của Toyota và Ford lần lượt là 3.938 tỷ đồng và 1.189 tỷ đồng, đóng góp vào lợi nhuận của VEAM khoảng 1.109 tỷ đồng

Trong năm 2019, VEAM đặt kế hoạch công ty mẹ đạt 6.402 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm trước, trong đó chủ yếu đến từ lợi nhuận tài chính từ các công ty liên doanh liên kết là 6,645 tỷ đồng, thu nhập tiền gửi 598 tỷ đồng. 

Công ty cũng lên kế hoạch thoái vốn các công ty con không hoạt động hiệu quả, tập trung phát triển mảng công nghiệp phụ trợ (dây chuyền đúc và rèn), kế hoạch này sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm các chi phí không hiệu quả, tối ưu hóa bộ máy hoạt động.

Về kế hoạch thoái vốn, Bộ Công Thương cho biết sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VEA từ mức 88.5% xuống 36% giai đoạn 2017 – 2020. Công ty cũng có kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay. Tuy nhiên đến kế hoạch này vẫn chưa có tiến độ cụ thể. 

Tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra, Ban lãnh đạo của VEAM cho biết nếu tỷ lệ thoái vốn xuống mức thấp hơn 51% sẽ ảnh hưởng đến liên kết với Toyota. Nguyên nhân do đối tác Toyota lo ngại khi tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống thấp, các đối thủ của Toyota sẽ thâu tóm VEAM, gây mẫu thuẫn lợi ích. Do đó, VEAM sẽ cân nhắc sẽ kế hoạch thoái vốn hợp lý nhất đảm bảo việc liên doanh thuận lợi vì đây là nguồn thu nhập đáng kể cho doanh nghiệp.