Tranh cãi về dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Bình Dương

Phạm Sơn - 11:01, 22/12/2022

TheLEADERMột nhóm các tổ chức phi chính phủ đang đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xem xét lại khoản tài trợ vào dự án đốt rác phát điện tại Bình Dương.

Tranh cãi về dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Bình Dương
Phân loại rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Ảnh: TN&MT

Cụ thể, Liên minh toàn cầu về Giải pháp thay thế lò đốt (GAIA), là đại diện cho 41 tổ chức phi chính phủ, đã gửi thư kiến nghị tới ADB, nhấn mạnh quan điểm “đốt rác phát điện không phải là hoạt động carbon thấp hướng tới chống biến đổi khí hậu”.

Phản hồi về thông điệp kiến nghị từ phía GAIA, ADB cho biết, việc hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện là một phần thuộc chiến lược của tổ chức này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, ít phát thải carbon.

Cụ thể, đốt rác phát điện giúp giảm thiểu hiệu quả lượng chất thải rắn phát sinh, qua đó giảm được tác hại do chôn lấp rác thải hoặc để rác thải lộ thiên gây ra, chẳng hạn như phát thải khí metan.

“ADB tin rằng các nhà máy biến rác thải thành năng lượng là mối liên kết quan trọng giữa nền kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo”, ông Mark Kunzer, Giám đốc bộ phận hỗ trợ giao dịch khu vực tư nhân của ADB, viết trong thư hồi đáp GAIA.

Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án đốt rác phát điện đều nằm trong phạm vi hỗ trợ của ADB. Ông Kunzer cho biết, ADB sẽ chỉ đầu tư vào các dự án biến rác thành năng lượng với điều kiện nguồn rác thải đầu vào phải là “kết quả của một thứ tự ưu tiên quản lý chất thải rắn thận trọng”.

Thứ tự ưu tiên đó là giảm thiểu; tái sử dụng và tái chế. Đốt rác tạo năng lượng được xếp sau những giải pháp đó nhưng vẫn được ưu tiên hơn so với chôn lấp.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương thỏa mãn điều kiện của ADB. Theo đó, tuy không tham gia vào quá trình giảm thiểu rác thải ban đầu nhưng Công ty CP Nước – môi trường Bình Dương (BIWASE) sở hữu cơ sở phân loại để tách rác hữu cơ, rác có giá trị tái chế để xử lý riêng, chỉ dùng phần rác không có giá trị tái chế đem đi đốt. Phụ phẩm từ quá trình đốt được tiếp tục xử lý thành gạch, gạch ốp lát.

Theo ADB, hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã được thẩm định và giám sát bởi các chuyên gia bên thứ 3, trong đó bao gồm hạng mục về kiểm soát chất lượng không khí. ADB khẳng định sẽ chỉ hỗ trợ các dự án có tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đối với các nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng, ADB áp dụng tiêu chuẩn theo Đạo luật kiểm soát ô nhiễm không khí của Nhật Bản, nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn của Việt Nam. ADB cũng cho biết nhà máy sẽ luôn duy trì nhiệt độ cao trên mức có thể tạo ra khí thải dioxin

Thực tế, không phải cứ nhận được tài trợ của ADB là “xong việc”. Ông Kunzer cho biết, ADB sẽ tiếp tục giám sát để đảm bảo quá trình vận hành đúng theo yêu cầu. Tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Cần Thơ, qua kiểm tra, ADB đã phát hiện một số thiếu sót và yêu cầu đơn vị vận hành phải nhanh chóng khắc phục. Quy trình tương tự cũng sẽ được áp dụng với dự án tại Bình Dương.

Tuy nhiên, GAIA vẫn còn nhiều điều chưa đồng tình với phản hồi từ ADB. Tiếp tục gửi thư kiến nghị mới đây, GAIA nhấn mạnh quan điểm đốt rác phát điện không phải là năng lượng tái tạo như ADB khẳng định.

Cụ thể, GAIA bày tỏ e ngại khi nhiều dự án đốt rác phát điện vẫn sử dụng rác thải nhựa làm chất đốt và nhựa không phải nhiên liệu tái tạo theo hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).

GAIA dẫn lại nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết, việc đốt rác phát điện có thể tạo ra khoảng 250 – 600kg khí thải carbon cho mỗi tấn rác thải, tương đương với cường độ phát thải của đốt than.

GAIA đề nghị ADB cung cấp thêm cũng như công bố minh bạch một số thông tin liên quan, bao gồm cung cấp trực tuyến các hướng dẫn về đốt rác phát điện và chỉ số tuân thủ của các dự án kèm theo hướng dẫn; cường độ phát thải khí nhà kính của dự án đốt rác tại Bình Dương.

Riêng về chất thải dioxin và furan, GAIA nhận định, những độc chất đặc biệt nguy hiểm này không chỉ phát sinh theo khói đốt mà còn lẫn trong tro của lò đốt. Các nhà máy đốt rác có thể duy trì nhiệt độ cao để không phát sinh dioxin và furan nhưng trong một số trường hợp như rò rỉ, trục trặc, tạm ngừng để bảo trì… những độc chất này vẫn có thể phát sinh với khối lượng rất lớn.

Thực tế, theo một số thử nghiệm dài hạn, một số dự án đốt rác ở châu Âu đã thải ra không chỉ furan, dioxin mà còn nhiều chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như PCB, PAHS, PFAS, là những chất cực kỳ độc hại và khó phân hủy.

Việc dùng tro từ rác đốt để làm gạch cũng tạo cho GAIA sự e ngại rằng chất độc hại có thể ngấm vào môi trường theo thời gian khi gạch được sử dụng để xây dựng.

Đối với dự án tại Cần Thơ, GAIA nhận định, dù có sự vào cuộc của ADB nhưng “các vấn đề vẫn không thay đổi. “Các tiêu chuẩn còn lâu mới đủ để bảo vệ môi trường và con người”, GAIA nhấn mạnh trong thư kiến nghị.

Bên cạnh đó, một số bất cập khác cũng được nêu lên đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, bao gồm việc ủ phân hữu cơ có thể bị nhiễm hóa chất độc hại nhưng không có biện pháp ngăn ngừa bón phân hữu cơ từ dự án này cho cây lương thực; không tính đến phân tách các loại rác có giá trị tái chế thấp cũng như kim loại không có từ tính trong hoạt động phân loại…

GAIA nhấn mạnh đề nghị ADB “dứt khoát rút việc đốt rác thu hồi năng lượng ra khỏi ề án Quản lý chất thải và sử dụng năng lượng hiệu quả Bình Dương; công khai hướng dẫn trực tuyến về đốt rác thu hồi năng lượng cũng như thông tin tuân thủ hướng dẫn của các dự án đốt rác thu hồi năng lượng mới được đề xuất. Đây là cơ sở quan trọng để các tổ chức cũng như cộng đồng địa phương theo dõi tính hiệu quả của dự án.

“ADB cần tránh sử dụng nguồn lực hạn chế của mình cho các dự án hủy hoại kinh tế, môi trường và xã hội”, GAIA viết.

Tại Việt Nam, thời gian qua đã có nhiều dự án đốt rác phát điện được xây dựng và vận hành, như một giải pháp để quản lý hiệu quả chất thải rắn đang phát sinh ngày càng quá tải.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc liệu đốt rác phát điện có phải giải pháp. Theo Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), một thành viên của GAIA, thứ tự ưu tiên của quản lý chất thải rắn là hạn chế; tái sử dụng; tái chế; chôn lấp. Đốt rác là giải pháp sau cùng.

Thực tế, rất khó để đưa ra lời giải chính xác cho bài toán chất thải rắn vốn quá phức tạp tại Việt Nam. Trước thực trạng đó, giải pháp cần thiết là làm sao để chất thải rắn bớt phức tạp, thông qua phân loại rác thải tại nguồn và thực hành 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế).