Tránh rủi ro người lao động lộ thông tin mật của doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 15:28, 08/05/2022

TheLEADERViệc lựa chọn hình thức thể hiện cam kết bảo mật thông tin của người lao động đối với doanh nghiệp sao cho vừa hợp tình lại hợp pháp là điều mà nhiều người làm công tác nhân sự cũng như lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm.

Tránh rủi ro người lao động lộ thông tin mật của doanh nghiệp
Các hình thức thể hiện quy định về bảo mật thông tin hiện nay tồn tại nhiều tiềm ẩn về rủi ro pháp lý. Ảnh: jaystudio

Câu chuyện thỏa thuận bảo mật thông tin là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn thực hiện bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phải đau đầu khi nhân sự đang hoạt động hoặc đã nghỉ việc tiết lộ những thông tin quan trọng của doanh nghiệp ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nắm rõ các quy định trong luật pháp, rủi ro pháp lý tiềm ẩn là điều không thể tránh khỏi.

Theo bà Lạc Thị Tú Duy, Luật sư điều hành của Lac Duy & Associates, điều khoản về bảo mật thông tin mà các doanh nghiệp hiện hữu áp dụng đang tồn tại dưới ba hình thức.

Một là được ghi nhận tại một hoặc một vài điều khoản trong hợp đồng lao động. Hai là dưới dạng một văn bản thỏa thuận biệt lập với hợp đồng lao động. Ba là tồn tại trong nội quy lao động. Đặc biệt, các công ty lớn và tập đoàn thường xây dựng quy chế biệt lập về bảo mật thông tin.

Câu hỏi được đặt ra là hình thức nào tốt nhất cho doanh nghiệp để có thể bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người sử dụng lao động trong giai đoạn hợp đồng và sau hợp đồng với người lao động.

Đối với trường hợp doanh nghiệp ghi nhận việc bảo mật thông tin thành một hoặc một vài điều khoản trong hợp đồng lao động, rủi ro lớn doanh nghiệp có thể gặp phải là điều khoản hợp đồng chứa bảo mật thông tin có thể cũng sẽ bị kết thúc khi hợp đồng lao động kết thúc vì nó nằm trong hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn hình thức này cũng khiến doanh nghiệp gặp khó vì không có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp khi xảy ra tranh chấp với người lao động, bắt buộc phải đưa ra toà án.

Đối với trường hợp việc bảo mật thông tin là một phần hoặc phụ lục của nội quy lao động, rủi ro đối với doanh nghiệp là không áp dụng được nội quy lao động để xử lý về vi phạm bảo mật thông tin khi người đó không còn là nhân sự của công ty.

Đối với trường hợp coi thoả thuận về bảo mật thông tin là văn bản biệt lập với hợp đồng lao động, doanh nghiệp có thể chủ động được nếu hợp đồng lao động kết thúc vì văn bản đó vẫn còn hiệu lực tuỳ vào thoả thuận với người lao động.

Đáng chú ý, khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp ở trọng tài để tránh lộ bí mật thông tin vì trọng tài có quy chế về bảo mật thông tin các tranh chấp được xét xử.

“Hình thức coi thoả thuận về bảo mật thông tin như một văn bản biệt lập với hợp đồng lao động là cơ sở bảo vệ người sử dụng lao động trong và sau hợp đồng lao động”, bà Duy nói trong Hội nghị Luật lao động Việt Nam 2022 do câu lạc bộ VNHR tổ chức.

Khi xây dựng bản thỏa thuận này, người sử dụng lao động và người lao động được quyền thỏa thuận về thời hạn. Điều quan trọng là khi ký kết phải trên tinh thần tự nguyện, không cưỡng ép.

Tránh rủi ro lộ thông tin mật của doanh nghiệp
Bà Lạc Thị Tú Duy, Luật sự điều hành của Lac Duy & Associates. Ảnh: Lac Duy & Associates

Tuy nhiên, bà Duy lưu ý, khi áp dụng hình thức này, nếu phát hiện người lao động vi phạm về bảo mật thông tin trong giai đoạn còn là nhân viên thì doanh nghiệp không tự động áp dụng liền các thoả thuận mà phải tiến hành xử lý kỷ luật hoặc yêu cầu bồi thường theo quy trình tại Điều 130 của Bộ Luật lao động.

Nếu nhân sự bị cho nghỉ việc hoặc tự ý nghỉ việc, bản thoả thuận đó là cơ sở áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Bà Duy cũng lưu ý thêm, nói là ưu tiên áp dụng bản thỏa thuận bảo mật thông tin biệt lập với hợp đồng lao động nhưng cũng cần quy chế về bảo mật thông tin trong nội quy lao động. Hai hình thức này kết hợp mới tạo nên sự chặt chẽ trong thỏa thuận về bảo mật thông tin.