Trồng mai bán Tết – nghề kinh doanh ít khi lỗ

Quỳnh Như - 08:57, 31/01/2019

TheLEADERVới những điều kiện đặc thù riêng, người trồng mai bán Tết thường ít khi lỗ, trường hợp xấu nhất cũng chỉ là huề vốn. Mai không bán được, vẫn còn đó!

Trồng mai bán Tết – nghề kinh doanh ít khi lỗ
Những cây mai ghép có giá từ 7 triệu đến 8 triệu đồng của ông Sáu Linh đang được bày bán trước mặt Trung tâm triển lãm Tân Bình.

Mặc dù không có một thống kê chính thức về diện tích trồng mai hay số hộ trồng mai qua từng năm, nhưng chỉ cần căn cứ vào lượng mai mà người nông dân các huyện ngoại thành và các tỉnh miền Tây chở về bán tại trung tâm TP. HCM những năm qua, có thể thấy sản lượng mai đã tăng đáng kể qua từng năm. Ở các chợ hoa Tết rải rác khắp TP. HCM, bao giờ mai cũng là loài hoa chiếm vị trí độc tôn nếu so với những cúc – mào gà – hải đường – hoa giấy.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của hoa lan, cụ thể là lan hồ điệp, vừa đẹp, rực rỡ, chủng loại phong phú lại sang trọng, giá cả phải chăng cùng nhiều loại hoa nhập ngoại/mới khác; sức hút của mai dường như đang giảm sút qua từng năm.

Ông Sáu Linh, một nông dân đến từ tỉnh Vĩnh Long mà chúng tôi gặp ở chợ hoa trước mặt Trung tâm triển lãm Tân Bình chia sẻ, năm ngoái ông bán không được nhiều, còn năm nay, tình hình cũng có vẻ không khả quan lắm khi tới hôm nay – 25 Tết, vẫn rất ít khách tới hỏi mua mai của ông. Và không chỉ mỗi hàng mai của ông mà các hàng mai khác cũng thế.

Tuy nhiên, dường như nhiều người nông dân trồng mai vẫn chưa ý thức được thực trạng đó, họ vẫn hăng say trồng mai bán Tết, như một nghề tay trái an toàn, vì “rất ít khi lỗ”, như ông Sáu Linh thú nhận, trừ khi gặp thiên tai, lũ lụt tàn phá cả khu vườn.

Ngoài mai, ông Sáu Linh còn có một vườn chôm chôm. Ở miền Tây hiện tại, có rất nhiều hộ thường làm song song 2 loại cả mai và trái cây, tận dụng khoảng đất trống trong vườn, nông dân thường trồng vài chục đến vài trăm chậu kiếm thêm vào dịp Tết.

Trồng mai bán Tết – nghề kinh doanh ít khi lỗ
Một cành mai to được chiết xuống ươm trồng thành cây mai.

Cứ mỗi dịp Tết đến, các thương lái từ miền Tây thường mang lên Sài Gòn bán 3 loại mai: loại đầu tiên là trồng từ cây giống nhỏ, thường được uốn lượn hình tròn đẹp mắt, loại mai thứ hai chiết từ cành cây lớn và loại cuối khá đặc biệt, ghép gốc to và các cành nhỏ. Loại mai mà ông Sáu Linh mang lên bán trong dịp Tết này, chủ yếu là loại 3.

Theo ông Sáu Linh, để có những chậu hoa mai đang bày bán ông mất khoảng 2 đến 3 năm chăm sóc. Đầu tiên là cưa ngang cây mai to, thường là của loại mai 5 cánh mỏng; tiếp theo là dưỡng cho cây mai tiếp tục sống rồi thuê thợ tới ghép cành; tùy sở thích và mục đích mà chủ mai yêu cầu thợ ghép cành ghép 1 hoặc nhiều loại mai lên một gốc, như ông Sáu Linh chỉ ghép 1 loại là mai giảo.

“Nguồn gốc mai bán Tết có nhiều loại, nhưng quy trình chăm sóc của chúng khá giống nhau. Thật ra công việc chăm mai không mấy vất vả, nhưng chúng ta phải để mắt đến chúng quanh năm. Có hai thứ mà tôi phải thuê ngoài, đó là thuê thợ ghép cành lúc gầy dựng vườn mai và thuê người lặt lá mai mỗi năm”, ông Sáu Linh kể.

Để có những chậu mai phục vụ khách hàng mỗi dịp Tết, công việc của những người dân trồng mai bắt đầu ngay từ đầu năm.

Sau mỗi Tết, khi hoa mai tàn, sẽ có trái và lá non, người nông dân sẽ lặt (ngắt) hết trái, để lại lá; mỗi 1 tháng hoặc nửa tháng, họ sẽ vào phân thuốc hóa học như lân – kali – đạm để nuôi cây, đặc biệt là phân dơi. Phân dơi thường được người trồng mai mua ở miệt Cà Mau – Sóc Trăng, dùng để nuôi cho lá dày - xanh, bộ rễ khoẻ mạnh và cây sung sức.

Rồi tới rằm tháng chạp, tức 15 tháng 12 Âm lịch, các nhà vườn chuyên trồng mai để bán Tết khắp miền Tây bắt đầu vào vụ lặt lá.

Trồng mai bán Tết – nghề kinh doanh ít khi lỗ 1
Ông Sáu Linh bên những cây mai ghép mà ông mất 2 đến 3 năm ươm trồng.

Lý thuyết là: các nhà vườn sẽ bắt đầu lặt lá vào giữa rằm tháng chạp, tức là ngày 15 tháng 12 âm lịch; thực tế: các chủ vườn phải căn cứ vào nụ trên cây để quyết định lặt lá sớm hoặc muộn một vài ngày ngày. Nếu nụ quá nhỏ, phải lặt lá sớm trước vài ngày để thúc nụ, nếu nụ đã to sẵn, sẽ lặt lá muộn hơn vài ngày để chúng không nở sớm. Dù vườn to hay nhỏ, chủ vườn cũng thường thuê nhân công lặt lá nhiều nhất trong 2 ngày, để hoa có thể đều và nở kịp Tết.

Tuy nhiên, việc lặt lá đúng thời điểm không hề bảo đảm 100% mai sẽ có nụ to cũng như sai nụ, mà nó còn phụ thuộc vào thời tiết cũng như phân tro trong những ngày tiếp theo sau khi lặt lá. Ông Sáu Linh giải thích: sở dĩ năm nay mai của ông có nụ không lớn là vì thời tiết khu vực của ông sống khi thì nóng quá khi thì lạnh quá, không lý tưởng cho mai phát triển.

Tất nhiên, chủ vườn sẽ không mang tất cả mai đi bán, mà chỉ mang những chậu mai nào đẹp đẽ, sung sức và có nhiều nụ.

Theo tiết lộ của ông Sáu Linh, năm nay, tiền công lặt mai của mỗi người khoảng 200.000 đồng/người, tiền chuyên chở mai từ Vĩnh Long lên Sài Gòn khoảng 3,8 triệu/lượt/10 cây, tiền thuê mặt bằng khoảng 5 triệu đồng đến ngày 30 Tết, thuê xe cần cẩu cẩu chậu từ trên xe tải xuống mặt đất; tuy nhiên, giá bán mỗi chậu mai của ông không hề rẻ, từ 7 triệu đến 8 triệu/cây nhỏ và cây mắc tiền nhất có giá 80 triệu đồng.

Mức giá này gần tương đương với mức giá mai vào Tết năm ngoái, song chúng không cố định mà tùy vào tình hình thị trường để có thể lên hoặc xuống.

Thế nên, lời khẳng định ‘lỗ thì không lỗ, nhưng mà lời nhiều không có” của ông Sáu Linh không phải là không có căn cứ. Năm ngoái, mặc dù bán không được quá nhiều mai, song anh cũng chẳng bị lỗ, năm nay lại tiếp tục lên Sài Gòn ‘chinh chiến’.

Ngoài ra, không như các loài hoa khác, nếu không bán được trong Tết nhiều khi chủ vườn phải vứt hết cây; ngược lại, với mai, nếu năm này không bán được, chủ vườn sẽ mang về dưỡng, năm sau tiếp tục mang lên bán, nếu ‘trúng quả’ nhiều khi họ còn cảm thấy may mắn do năm trước bị ế. Mai nếu bán không được vẫn còn đó!