Truyền lửa kế nghiệp từ bữa cơm gia đình

Đặng Hoa - 10:41, 26/06/2019

TheLEADERĐối với nữ tướng TNG Holdings Vietnam Nguyễn Thị Nguyệt Hường, không đơn thuần là một bữa ăn, đó còn là thời điểm để cả gia đình đoàn tụ và chia sẻ mỗi ngày, là nơi gắn kết các thành viên, nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng của thế hệ tiếp nối.

Truyền lửa kế nghiệp từ bữa cơm gia đình
Chủ tịch TNG Holdings Vietnam Nguyễn Thị Nguyệt Hường và con trai.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, người đã cùng chồng là ông Trần Anh Tuấn sáng lập TNG Holdings Vietnam, đã bất ngờ dẫn cậu con trai đang học lớp 11 cùng tham dự một sự kiện về doanh nghiệp gia đình tổ chức mới đây. Có thể trong tương lai, cậu sẽ là một trong những người thuộc thế hệ F2 chèo lái và tiếp tục đưa con thuyền cơ nghiệp vợ chồng bà Hường đã dày công xây dựng.

Chia sẻ với TheLEADER, nữ tướng TNG Holdings Vietnam cho biết, từ những ngày đầu khởi nghiệp rất khó khăn cho đến nay đã bước vào độ tuổi mà nhiều doanh nhân bắt đầu tính chuyện đào tạo, dẫn dắt con cái nối nghiệp, bà đã xác định phải xây dựng một gia đình và môi trường thật tốt cho con phát triển.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch trong gia đình bà là duy trì bữa ăn chung của cả ba thế hệ vào mỗi buổi tối. Nếu không duy trì như một thông lệ của gia đình, bà Hường cho rằng bố sẽ có khách của bố, mẹ cũng có khách của mẹ và con cái sẽ bơ vơ, phải ăn cơm một mình.

“Ông xã tôi từng nói đùa rằng, bình thường đã họp hội đồng quản trị trên công ty rồi nhưng hội đồng quản trị ở nhà mới là kinh khủng”, bà Hường kể.

Không đơn thuần là một bữa ăn, đó còn là thời điểm để cả gia đình đoàn tụ và chia sẻ mỗi ngày. Gia đình là nơi gắn kết các thành viên, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn và khát vọng của thế hệ tiếp nối bởi tại nhiều doanh nghiệp gia đình Việt, thế hệ thứ hai không hề yêu thích và không mong muốn tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.

Có những áp lực, khó khăn trong công việc bà Hường chưa thể giải quyết được, nhưng nhờ những bữa ăn hàng ngày, cả nhà cùng trao đổi và đưa ra ý tưởng mới nên khó khăn cũng được giảm bớt. Việc ăn cơm cùng nhau và chia sẻ còn là dịp để thế hệ trước và con cái thấu hiểu, thông cảm với những công việc mà thế hệ đương nhiệm đang làm.

Một môi trường gia đình cộng với những câu chuyện, trao đổi giữa ông bà và bố mẹ về công việc kinh doanh diễn ra thường xuyên sẽ ngấm vào máu của những thế hệ tiếp nối, họ sẽ hiểu những khó khăn mà bố mẹ và doanh nghiệp đang gặp phải.

Họ còn được vui chung niềm vui của bố mẹ và doanh nghiệp khi đạt được thành công, sẽ hiểu được rằng tại sao bố mẹ lại vui như vậy và đã phải vượt qua những khó khăn gì để đạt được thành quả đó.

“Ngay từ nhỏ, các bạn sẽ hiểu được rằng doanh nghiệp không chỉ có mỗi tiền, không chỉ có mỗi niềm vui mà là cả một quá trình vươn lên, vượt qua những khó khăn và thách thức để đạt được thành công”, Chủ tịch TNG Holdings Vietnam nhìn nhận.

Có nhiều người nói “tôi có nhiều tiền, nhiều tài sản và tôi sẽ trao cho con tôi”, nhưng bà Hường cho rằng, những đứa trẻ được nhận tài sản như vậy sẽ không có niềm vui thực thụ, bởi niềm vui sẽ chỉ đến khi đã vượt qua khó khăn, khi tài sản đấy do chính khối óc, sức lao động và bàn tay sáng tạo của chính mình làm ra.

Ngoài việc có tiền, làm ra tiền thì bà Hường nhấn mạnh niềm tự hào cá nhân cần được hình thành trong thế hệ kế nhiệm, là sự tự tin trong cuộc sống rằng có thể làm nhiều thứ và có thể đóng góp cho xã hội.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, xã hội cũng có nhiều thay đổi và cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt. Lúc này, quang gánh trên đôi vai của thế hệ kế nhiệm cũng trở nên nặng nề hơn, không chỉ đơn giản là câu chuyện kế thừa. Lúc này, bà Hường cho rằng họ phải sáng tạo hơn, thông minh hơn và có các giải pháp phù hợp với thị trường.

Bà Hường chỉ ra hai cách thức chuyển giao thế hệ thành công cho doanh nghiệp. Thứ nhất là sử dụng các tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ cho thế hệ kế nhiệm và thứ hai là sử dụng cấu trúc doanh nghiệp chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty.

Đối với những người thuộc thế hệ F1 đã “về vườn”, nữ doanh nhân này cho rằng vẫn phải tiếp tục học bởi không phải đã thành công thì lúc nào cũng đúng, như ông Trần Quí Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát đã 60 tuổi vẫn cùng hai cô con gái sang Thuỵ Sỹ đi học. 

Phải hiểu rằng thị trường đang thay đổi và ngày càng có nhiều thách thức với thệ hệ kinh doanh mới để từ đó thông cảm, chia sẻ và động viên, bà Hường nói.

“Học suốt đời, học để hỗ trợ con mình và đưa ra những lời khuyên thực sự ý nghĩa cho thế hệ F2, từ đó tìm được tiếng nói chung. Còn cứ nói ‘con phải làm thế này, con phải làm thế kia’ thì họ sẽ không bao giờ nghe theo”, bà Hường chỉ ra.

F1 nếu không tự điều chỉnh mình thì mâu thuẫn giữa F1 và F2 hay thậm chí giữa F2 và F3 sẽ nảy sinh khi thế hệ sau có nhiều ý tưởng mới và tiến bộ hơn thế hệ trước.

Chia sẻ và thấu hiểu là chìa khoá để chuyển giao thế hệ

Ông Nguyễn Duy Ninh, Chủ tịch lâm thời Câu lạc bộ Kế nghiệp Việt Nam, Giám đốc điều hành Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đánh giá, bàn về việc chuyển giao thế hệ bản chất là bàn về đào tạo nhân sự lãnh đạo.

Một đứa trẻ từ bé đến lớn sẽ trải qua nhiều giai đoạn, nhà lãnh đạo lại yêu cầu nhiều kỹ năng. Do đó, bên cạnh chỉ số IQ thì yếu tố tình cảm, cảm xúc cũng cần được hình thành sớm trong mỗi đứa trẻ. Kinh nghiệm cũng cần được tính xem được chuyển giao như thế nào, sau đó mới là câu chuyện phối kết hợp với thế hệ đi trước.

Là thế hệ thứ ba trong một doanh nghiệp gia đình, ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân Deloitte Việt Nam cho biết, chuyển giao thế hệ cần có sự thấu hiểu, chẳng hạn giữa thế hệ F1 với F2.

Theo nghiên cứu của Deloitte, trong khi thế hệ F1 đặt nặng vấn đề tăng năng suất thì thế hệ F2 có đặc tính thích sự linh hoạt và cảm tính, sáng tạo. Với những khác biệt trong suy nghĩ của hai thế hệ, F1 cần lắng nghe thế hệ F2 nhiều hơn.

“Tôi từng nhìn thấy hai cha con có vẻ là doanh nhân cùng vào một nhà hàng nhưng không hề nói chuyện với nhau cho tới khi có người thứ ba xuất hiện. Rõ ràng, chuyển giao thành công hay không phụ thuộc sự chia sẻ được bắt đầu từ bữa ăn trong gia đình. Xuất phát từ tình máu mủ, ruột thịt, cần nói chuyện, hiểu, tin tưởng và đồng cảm được với nhau rồi hãy đặt vấn đề chuyển giao thế hệ”, ông Minh nhìn nhận.

Bí quyết truyền lửa kế nghiệp từ bữa cơm gia đình của nữ tướng TNG Holdings 1
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân Deloitte Việt Nam.

Lãnh đạo Deloitte cũng cho biết, nền kinh tế tuần hoàn đặt ra yêu cầu về thay đổi mô hình kinh doanh trong xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới. Thế hệ F2 là thế hệ đang tiếp nhận những dấu hiệu thay đổi này, do đó, cần để họ phát huy khi phát triển doanh nghiệp ở giai đoạn tiếp theo.

Với các thế hệ F2, cải thiện mối quan hệ với thế hệ đi trước là cực kỳ khó khăn, thậm chí là phải rất kỳ công. Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam, có nhiều kỹ năng cần được triển khai như nêu cao tính trách nhiệm của thế hệ F2 để họ hiểu và có ý thức trách nhiệm hơn trong công việc.

Cũng có nhiều trường hợp, thế hệ F2 chưa đủ năng lực để đảm đương thì có thể sắp xếp cố vấn quan trọng, gần như người "cơ trưởng" hậu thuận cho thế hệ F2 chèo lái trong vài năm. Đặc biệt, phải cho thế hệ sau nhận thấy tầm quan trọng của mình hơn là một người thừa kế đơn thuần.

“Phải đào tạo, cho con cái cùng tham gia các cuộc họp. Phải cho con hiểu được rằng bố đã cố sức để trèo được lên đồi nhưng để doanh nghiệp leo được từ đồi lên núi thì phải là công sức của con”, ông Đoàn chỉ ra và cho rằng trong doanh nghiệp gia đình sự chuyển giao cần mang tính chất truyền lửa.

Là thế hệ F2 đã được chuyển giao thành công từ bố mình là doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải, bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Thành viên Hội đồng quản trị Alphanam Group, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Foodinco chia sẻ, niềm tin, lòng tin chính là công thức có thể gắn kết từng thành viên trong doanh nghiệp gia đình.

Bà Mỹ cho biết, Alphanam vừa tổ chức một hội nghị với sự có mặt không chỉ của ban quản trị mà còn có các trưởng phòng, trưởng ban đại diện cho năm thế hệ khác nhau từ độ tuổi 5x đến 9x. Họ bàn với nhau về việc Alphanam sẽ đi đâu trong 1/4 thế kỷ tới, từng thành viên sẽ đóng vai trò như thế nào.

“Để một doanh nghiệp càng lớn, càng phát triển và có thể gắn kết thì lòng tin và tình yêu là công thức”, nữ doanh nhân này khẳng định.

Theo bà, cả hai thế hệ cần chia sẻ với nhau không chỉ chiến thắng mà còn cả những khó khăn. Không chỉ trao quyền, đó còn là sự trao gửi niềm tin. Niềm tin về mong muốn và những nỗ lực của thế hệ F1 trong việc phát triển nền tảng sự nghiệp đã dày công xây dựng, niềm tin dành cho thế hệ thứ hai với tình yêu, đam mê và nỗ lực để phát triển những gì thế hệ trước đã dựng nên.

Ở Alphanam có ba yếu tố quyết định lớn trong việc chuyển giao thế hệ gồm: gen, đào tạo ngay từ lúc còn trẻ để biết quan sát yếu điểm và thứ ba là xây dựng ý chí tiếp quản và đồng cảm thay vì phải thường xuyên đối mặt với những câu hỏi mang tính áp lực, thách thức từ thế hệ trước.

Truyền lửa kế nghiệp từ bữa cơm gia đình 1
Doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải đã chuyển giao một phần sự nghiệp cho con gái Nguyễn Ngọc Mỹ.

Chia sẻ tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp chuyển giao kế nghiệp thành công” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng 25/6, ông David Tay - Giám đốc Phát triển kinh doanh, PwC Malaysia & Việt Nam chia sẻ năm yếu tố dẫn đến thành công khi xây dựng kế hoạch chuyển giao.

Đối với thế hệ thứ nhất, phải xác định được muốn để lại gì, chuyển giao như thế nào cho thế hệ thứ hai, phải xác định được một kế hoạch chuyển đổi lãnh đạo, cần có đội ngũ cố vấn phù hợp hơn để việc chuyển giao được dễ dàng hơn, cần tiếng nói và sự tư vấn từ Hội đồng quản trị của công ty,và xác định điều cần cải tiến trong kế hoạch kế nghiệp.

Đối với thế hệ kế cận, cần xác định được điều gì chờ mình ở phía trước và được biết ai là người được kế nghiệp, cần được trao đổi với thế hệ thứ nhất để nhận thấy rằng quan điểm và suy nghĩ của mình được lắng nghe, cần hệ thống tư vấn pháp lý và thuế tốt để tiết kiệm thời gian, được làm việc với những nhà cố vấn giỏi, và cần được chuyển giao công việc một cách rõ ràng.

Ngoài ra, ông David Tay cũng lưu ý rằng đối với thế hệ kế cận, cần học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài để hiểu giá trị của việc đi làm thuê, tìm kiếm ý tưởng làm thế nào cho doanh nghiệp của chính mình phát triển.

Như trong gia đình bà nữ tướng TNG Holdings Vietnam Nguyễn Thị Nguyệt Hường, cậu con trai của bà hiện đã được thực tập trong công ty dù chỉ mới ở mức độ làm quen bởi bà cho rằng quan trọng nhất là phải có nền tảng giáo dục tốt, phải được đào tạo.

Còn vấn đề có làm trong doanh nghiệp hay không, có được bố mẹ tin cậy giao kế nghiệp hay không còn phụ thuộc vào thời gian ở phía trước cũng như đam mê của con bà

“Điều quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, mà phải sống cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có được khi có đam mê và được thực hiện đam mê ấy”, bà Hường chia sẻ.