Tư Lúa Mùa

Ngân Hà (thực hiện) - 10:59, 20/02/2021

TheLEADERGọi là ông Tư Việt cũng được, mà gọi là ông Tư Lúa Mùa thì ảnh càng cười tít mắt (để đối nghịch với nỗi buồn khổ vì vợ đòi bỏ hoài do cái tội mê lúa mùa hơn… vợ), chớ gọi là Lê Quốc Việt thì giống “điểm danh”. Vậy nên buổi trò chuyện của tôi với ông Tư Lúa Mùa trở nên thân tình chỉ vì tôi gợi được anh ký ức về mùi thơm hạt gạo lúa mùa mà anh đang dành tâm huyết để hồi phục ở quê nhà mình tại xóm Cù Là, thị trấn Minh Lương, tỉnh Kiên Giang.

Doanh nhân Việt thấy anh đăng các cột mốc 1983- 2011- 2019 - 2020, nó có ý nghĩa thế nào với cuộc đời anh?

Ông Tư Việt: Đó là những năm đánh dấu cho sự thay đổi lớn trong cuộc đời tôi. Năm 1983 tôi tốt nghiệp ngành trồng trọt Đại học Cần Thơ. Năm 2011, trong một dịp tham dự Festival lúa gạo ở Sóc Trăng, tôi tình cờ nghe được có giống lúa mùa mà ngày xưa ông bà mình ở quê hay nhắc: “Tao bơi dưới nước mà ngang chỗ nào nghe mùi cơm bay ra là biết ngay gạo Châu Hạng Võ”, đó là giống lúa thuần chủng của hạt gạo lúa mùa ngày trước, cơm ngon số một. Tôi khởi sự đi tìm hạt gạo từ đó. 

Đến năm 2019, tôi tìm ra được nguồn gen giống này ở Đại Học Cần Thơ, tôi xin được hơn 100 hột về gieo trong chậu, thấy lên xanh tốt thì mừng lắm. Mới chừng hơn 10 bữa, chuột nó xơi muốn khóc luôn còn sót lại có ba mấy hạt. Bắt đầu mất ăn mất ngủ chăm chút từng ngày để cuối cùng vụ đầu tiên gặt được 2,8kg. Có nhiêu đó thôi nên không dám lấy ăn một hột nào. Bao nhiêu để giành giống, gieo cấy được 42 ngày, bứng lên và gieo cấy lần nữa (cấy giăm). Hiện giờ cây lúa mới được có bằng cái tim đèn, rồi đem ra gieo được 3ha rồi. Trong suốt thời gian này tôi bám sát rất kỹ và thấy đã chuẩn về đặc tính hình thái chắc chắn đúng. Nhưng về chất lượng thì chưa kiểm nghiệm được mà phải chờ đến mùa gặt sắp tới, cũng hồi hộp lắm chớ.

Tư Lúa Mùa
Ông Tư Việt

Giống lúa Châu Hạng Võ, khi thấm nước mới ửng hồng lên, là do lớp cám bên trong, màu hồng từ bên trong ra. Vì lớp vỏ cám màu ửng hồng (khi xay có màu nho), nếu chà hết lớp cám hạt gạo sẽ hơi vàng. Hạt gạo màu vàng vì có nhiều Beta carotene-tiền sinh tố A, tương đối cao hơn các giống khác nên rất quý giá.

Vì nó ửng hồng ngoài vỏ nên tên là “Hồng Vỏ” thì đúng hơn, nhưng dân mình thích đọc truyện tàu nên gọi chệch là “Hạng Võ” nghe nói cũng… khoái. Giống lúa này ở miền Tây nói chung, ở những vùng đất thấp đều trồng được, như ngày xưa người ta trồng ở U Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng có. Hồi thời Ngô Đình Diệm có tương đối trên diện rộng, dù diện tích không nhiều. Do đời sống nông dân thiếu trước hụt sau mà đây là giống dài ngày lâu ăn nên người ta ít trồng, chủ yếu những nhà khá giả trồng riêng để ăn. Giống dài ngày nghĩa là tính quang cảm yếu- ngày nắng lâu mới trổ bông (vì đặc tính cơ bản của lúa mùa là tính quang cảm), gieo tháng 4 mà đầu tháng giêng năm sau mới gặt được.

Vậy ngoài giống Châu Hạng Võ (Hồng Vỏ) anh còn đeo đuổi những giống lúa mùa khác như Ba Bụi, Nếp Thơm, Nàng Hương…? Tại sao anh lại say mê với lúa mùa đến nỗi vợ đòi bỏ mà vẫn ráng làm?

Ông Tư Việt: Phục hồi hệ sinh thái lúa mùa - văn hóa lúa mùa là ước mơ hoài bão của đời tôi. Mục tiêu của tôi là phục hồi nhiều giống lúa mùa sau đó mới lựa ra giống đặc biệt, ngon nhất để khẳng định hạt gạo Việt Nam đúng là ngon nhất thế giới mà ông bà mình đã tích lũy hàng trăm năm qua trên những cánh đồng không thuốc. Quan trọng hơn cả là để lại cho thế hệ sau những hạt gạo truyền thống. Vì vậy mà slogan của gạo lúa mùa Tư Việt mới là: Lối xưa, gạo sạch.

Hiện tại, ở trang trại tôi có gần ba chục giống lúa mùa, có cái đã thử nghiệm xong, nhân rộng như Ba Bụi, Chim Rơi, Móng Chim Càng… có hạt đang nghiên cứu và có triển vọng sẽ ra tốt là Châu Hồng Vỏ, Tàu Hương… một vài vụ nữa. Tiếp theo sẽ làm trong nhóm “nàng”. Hiện nay tôi đang nghiên cứu Nàng Ven (An Giang), Nàng Thơm Chợ Đào… khi phục hồi xong sẽ đưa vô bảo tồn. Sau đó tôi sẽ lựa chọn để nhân ra phù hợp tối ưu với vùng đất, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện tại, tôi đang chủ lực bán Ba Bụi, năm tới sẽ là Chim Rơi với Móng Chim Vàng, và năm tới nữa, khả năng là Châu Hạng Võ… Làm sao để đem thi với người ta chớ lúa mùa lép vế là không được vì nó ngon, ngọt, sạch, xanh.

Chắc hẳn những gì anh đang làm bắt nguồn từ ký ức, từ tình yêu thương với đồng ruộng quê nhà?

Ông Tư Việt: Hẳn rồi, đó là ký ức về chén cơm xưa: là nghèo khổ, nhiều khi chỉ cần có chén cơm gạo lúa mùa với chén nước mắm đồng, nếu chan miếng mỡ heo với nước mắm chanh ớt là hết nồi cơm. Nhưng sâu xa hơn đó là những đóng góp giá trị về mặt môi trường cực lớn, vì mình trồng lúa mùa thì phục hồi được cả một hệ sinh thái.

Cũng nhờ từng ký ức sống dậy mà tôi có động lực bên trong rất lớn muốn làm điều gì đó cho quê nhà. Sinh ra lớn lên trong lúa mùa, hồi nhỏ cứ tới mùa gió bấc là chạy te ra ngoài đồng bắt cá hồng, rồi mới tắm rửa đi học. Tan trường chạy về nhà quăng cặp đó, ăn vội miếng cơm sơ sơ rồi lại chạy ra ngoài đồng đi bắt cá cạn- đó là thú vui của bọn nhỏ ngày xưa. Năm 13 tuổi, ba tôi mất, tôi làm mọi công việc trên đồng đến 18 tuổi thì đi học đại học. Cũng nhờ đó mà tất cả những kinh nghiệm canh tác lúa mùa tôi thuộc hết. Mỗi năm khi mùa gió bấc về là tôi cứ nôn nao, cồn cào, thôi thúc mình nhớ những kỷ niệm xưa. Giờ lớn tuổi rồi, tôi chỉ sống với ký ức, nhưng cũng nhờ đó mình muốn khôi phục lại những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thơ.

Bây giờ, các con tôi không có ai tiếp nối nhưng tôi vẫn luôn tìm các bạn trẻ có tâm huyết. Tôi tin, trong nhiều bạn trẻ chịu ở lại với quê hương rồi cũng sẽ có bạn đi con đường này. Vì vậy tôi cũng đã dự tính làm thế nào để gặp được các bạn ấy và truyền lại ngôn ngữ, văn hóa lúa mùa và sẵn sàng tài trợ cho các em có đam mê làm nông để tiếp tục giữ gìn. Tôi biết, ép bọn trẻ mà mê giống mình thì khó, nhưng chắc là sẽ tìm được, bởi vì tuổi trẻ phần lớn là có ước mơ bay đi. Vậy cứ cho nó bay chút đi… rồi nó sẽ quay về, còn mình thì bay rồi nên bây giờ mới quay về sống trọn vẹn cho niềm đam mê. Từ đó, tôi rất thấm nền văn hóa bản địa, đó mới chính là nguồn sống nuôi mình.

Hồi đó vẫn nghe nói “Cần Thơ gạo trắng nước trong” chắc là từ gạo lúa mùa phải không anh?

Ông Tư Việt: Chắc chắn rồi. Gạo lúa mùa sạch, xay chỉ bỏ 25% thôi vì bỏ cám lớp ngoài cùng chớ lớp trong thì phí quá. Bà ngoại tôi sinh năm 1907, tới giờ nước da vẫn trắng đẹp lắm. Tôi hỏi thì ngoại nói mỗi lần nấu cơm, lấy nước vo gạo rửa mặt nên mới được như vậy. Thành ra ruộng lúa mùa tôi đang trồng được kiểm soát rất kỹ. Lúc bị hạn tôi cứ bỏ cho cỏ mọc, mọc nhiều quá thì đi nhổ, dứt khoát không sử dụng nước bơm từ kênh lên mà chỉ sử dụng nước mưa từ trời cho. Nguyên tắc là dư bỏ, thiếu không lấy, vì chính nguồn nước quyết định ra hạt lúa ngon. Tôi tự tin về nguồn nước mưa ở xứ mình hiện tại vẫn chưa bị ô nhiễm là do nghiên cứu địa lý thôi. Vì miệt tôi gió mùa Tây Nam từ Ấn Độ Dương kéo lên hơi nước còn sạch.