Tương lai của ngành công nghiệp xe điện (Bài 2): Hướng tới giao thông xanh

Sơn Phạm - 11:16, 28/07/2020

TheLEADERCác phương tiện sử dụng năng lượng điện sẽ là tương lai của giao thông vận tải, thay thế cho những phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

>> Tương lai cho ngành công nghiệp xe điện (Bài 1): Những bất cập trong chuỗi giá trị

Ngành công nghiệp ô tô, xe máy đã tạo ra lợi nhuận hàng tỷ đô trên toàn cầu cho những ông trùm cơ khí, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường. Theo các chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải, ở Việt Nam, 70% phát thải gây ô nhiễm xuất phát từ các hoạt động giao thông của người dân.

Để giải quyết vấn nạn ô nhiễm không khí, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu đốt, thông qua thúc đẩy hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng xe đạp, xe điện…

Đây chính là lý do khiến ngành công nghiệp xe điện ngày càng phát triển, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, cũng như các tập đoàn cơ khí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khi chưa kịp mường tượng ra một tương lai giao thông xanh, thế giới đã bắt đầu phải lo ngại về những hệ lụy do xe điện gây ra sẽ làm cản trở tiến trình phát triển bền vững, chủ yếu đến từ cục pin Lithium-ion – linh hồn của các dòng xe điện hiện nay.

Tương lai của ngành công nghiệp xe điện (Bài 2): Bền vững hóa hướng tới giao thông xanh
Ngành công nghiệp xe điện đang ngày càng phát triển với mong muốn bảo vệ môi trường.

Hướng tới việc kiện toàn hóa chuỗi cung ứng pin, xóa bỏ hoàn toàn những tác động tiêu cực tới tiến trình phát triển bền vững, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã sáng lập Liên minh Pin Toàn cầu (GBA) vào năm 2017.

Với sự tham gia của 70 tổ chức, doanh nghiệp chính phủ và phi chính phủ, GBA cam kết thúc đẩy sự minh bạch hóa và bền vững hóa quy trình sản xuất cũng như toàn bộ vòng đời của pin Li-ion.

GBA đã đưa ra 3 đề xuất nhằm phát triển ngành công nghiệp xe điện.

Đầu tiên, tiêu chuẩn hóa toàn bộ chuỗi cung ứng. Từ trước đến nay, công chúng nhìn nhận xe điện là phương tiện giao thông xanh bởi tính chất không phải thải trực tiếp khí thải các bon gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để một sản phẩm bất kỳ có thể được coi là “xanh”, cần phải xem xét chúng trong toàn bộ vòng đời.

Từ đó, các chuyên gia của Liên minh đề nghị chính phủ các nước cũng như các định chế thương mại và phát triển toàn cầu nhanh chóng tiến hành tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp xe điện một cách toàn diện, kể từ khâu khai thác khoáng sản, sản xuất, lắp ráp, phân phối cho đến khi chiếc xe hết giá trị sử dụng.

Bằng các tiêu chuẩn được xem xét nghiêm ngặt, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đưa ra đánh giá chính xác nhất cho dòng sản phẩm họ có nhu cầu để đưa ra quyết định tiêu dùng. Đây cũng chính là động lực khiến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh xem xét và tinh chỉnh lại chiến lược của mình.

Thứ hai, minh bạch hóa trong việc sử dụng coban cũng như các khoáng chất khác. Theo đề xuất của GBA, trước thực trạng đáng buồn về các mỏ coban ở Congo, các nhà sản xuất cần phải công khai toàn bộ nguồn coban được khai thác ở đâu, do đơn vị nào quản lý.

Thực tế, sau khi những mỏ khai thác bóc lột con người, phá hoại tự nhiên ở Congo bị phanh phui, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới, trong đó có Tesla BMW đã cam kết sẽ truy xuất rõ nguồn gốc và đấu tranh đến cùng chống lại những chủ khai thác vô trách nhiệm.

Thứ ba, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo các chuyên gia của GBA, kinh tế tuần hoàn sẽ là phương án tốt nhất để giải quyết tình trạng rác thải pin phát sinh với tốc độ nhanh chóng.

Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt đối với sản phẩm phức tạp và khó tái chế như pin hay ắc quy, đòi hỏi nhà sản xuất cần phải cải tiến không ngừng thiết kế kỹ thuật để đơn giản hóa quá trình tái chế.

Tương lai của ngành công nghiệp xe điện (Bài 2): Bền vững hóa hướng tới giao thông xanh 1
Pin và các rác thải điện tử khác có thể gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường.

Các chuyên gia nhận định tiềm năng tái chế của pin Li-ion là rất lớn, bởi sau khi đã qua sử dụng và bị thải bỏ, chúng vẫn còn giữ được dung lượng có thể lên đến 70 – 80%. Như vậy, các pin Li-ion đã qua sử dụng có thể được cải tạo để trở thành nguồn lưu trữ, cấp phát năng lượng sạch cho những hệ thống khác.

Tối ưu hóa sử dụng năng lượng

Không chỉ các doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về phát thải. Theo nhóm học giả về năng lượng và môi trường tại trường Đại học Gustave Eiffel và Đại học Sarajevo, mấu chốt của vấn đề phát thải nằm ở mức độ sử dụng năng lượng của mọi người.

Xe điện đang dần trở thành một xu thế tiêu dùng mới, không chỉ nhờ những gói trợ cấp, ưu đãi từ các chính phủ, mà còn do xã hội ngày càng coi trọng các vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lo ngại là người tiêu dùng nhìn chung vẫn không muốn đánh đổi sự tiện lợi của mình để hướng tới mục tiêu bền vững.

Các phương tiện giao thông như xe đạp hay hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn là những giải pháp “xanh” hơn so với xe điện, nhưng do thiếu tính tiện lợi hơn các phương tiện cá nhân nên chưa được đại đa số đón nhận.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi lái xe như dừng đèn đỏ lâu nhưng không tắt máy, tăng giảm tốc độ bất thường… cũng là nguyên nhân gây ra sự hao phí năng lượng và gia tăng lượng phát thải không đáng có.

Ngành công nghiệp xe điện cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể khắc phục được những điểm yếu trong chuỗi cung ứng. Thay đổi nhận thức cũng như hành vi khi tham gia hoạt động giao thông vận tải của mỗi cá nhân chính là chìa khóa để quá trình này diễn ra một cách thuận lợi và xe điện thực sự trở thành phương tiện giao thông “xanh” như mong đợi.