Vì sao Mỹ giữ đòn áp thuế Trung Quốc ngay cả khi có thỏa thuận?

Lan Anh - 09:03, 21/03/2019

TheLEADERDù Bắc Kinh có đạt được thỏa thuận thương mại với Washington, thuế quan gia tăng áp đặt lên nền kinh tế này cũng không được Mỹ dỡ bỏ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết thuế quan gia tăng áp dụng lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể kéo dài không hồi kết cho đến khi nào Bắc Kinh tuân thủ đúng với thỏa thuận có thể diễn ra giữa hai quốc gia này.

"Chúng tôi không bàn về việc loại bỏ thuế quan mà bàn về việc dịch chuyển thuế quan trong một khoảng thời gian bởi Mỹ phải đảm bảo rằng nếu có được một thỏa thuận với Trung Quốc, Trung Quốc phải sống theo thỏa thuận ấy", CNBC dẫn lời vị tổng thống nói với các phóng viên khi ông rời Nhà Trắng.

Ý kiến này từ người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra giữa bối cảnh các báo cáo cho thấy sự mâu thuẫn về mức độ tiến gần tới thỏa thuận thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như những điều Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận trong đàm phán.

Ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến triển tốt khi cả hai đều muốn đạt được thỏa thuận, giảm căng thẳng thương mại nhằm tránh thiệt hại cho nền kinh tế và doanh nghiệp.

Thông tin mới này đã khiến các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm điểm ban đầu. Thuế quan gia tăng đối với hàng hóa Trung Quốc được giữ tiếp trong thời gian dài không chỉ khiến chi phí cao hơn với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ mà còn khiến các nhà xuất khẩu dễ bị trả đũa bởi Bắc Kinh.

Kể từ tháng 7/2018, Mỹ đã gia tăng thuế đối với 250 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu, bao gồm 50 tỷ USD trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp với mức thuế 25%, 200 tỷ USD thuộc các khu vực khác như nội thất và vật liệu xây dựng với mức thuế 10%.

Trung Quốc đã đáp trả bằng việc gia tăng thuế đối với 110 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm đậu nành và nhiều mặt hàng khác.

Washington đang hướng tới đạt được các cam kết của Bắc Kinh trong hành động thương mại và chính sách kinh tế, bao gồm vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, chấm dứt bắt buộc chuyển giao công nghệ thông qua liên doanh, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường mua hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.

Theo SCMP, một trong những điểm mắc trong đàm phán là cơ chế xác minh để Mỹ có thể giám sát việc tuân thủ của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh muốn chống lại việc thực thi cơ chế xác minh có thể dẫn tới những hành động đơn phương của Mỹ nhiều hơn, ví dụ như việc gia tăng thuế quan.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer dự kiến sẽ tới Bắc Kinh đầu tuần sau (25/3) để thảo luận nhằm đi tới một thỏa thuận giữa hai quốc gia. Phái đoàn Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu theo kế hoạch sẽ tới Washington vào tuần tiếp theo để đàm phán thêm.