Việt Nam giữa đối đầu thương mại Mỹ - Trung

Lan Hương - 17:43, 23/08/2018

TheLEADERBối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được đánh giá sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam.

Chia sẻ với TheLEADER nhận định về ảnh hưởng của căng thẳng thương mại gần đây, ông Daniel Wong, nguyên CEO của Longview Fibere, người có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng cho rằng: “Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có lợi cho Việt Nam”.

Ông khẳng định: “Trên thực tế, bản thân Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh và ngay cả khi không có chiến tranh thương mại, Việt Nam vẫn sẽ tiến lên”.

“Trong bối cảnh đối đầu thương mại, càng ngày sẽ càng có nhiều doanh nghiệp đang sở hữu nhà máy tại Trung Quốc nghĩ đến tương lai, đặc biệt với thị trường hàng đầu như Mỹ. Nếu bạn là một doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng tại Trung Quốc, với vị thế là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn cần phải nghĩ về dài hạn và những khả năng có thể xảy ra nhất trong dài hạn”, ông phân tích.

Việt Nam giữa đối đầu thương mại Mỹ - Trung
Ông Daniel Wong là người có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, hiện đang là giảng viên tại Đại học Portland

Trong cuộc trao đổi ngắn với TheLEADER bên lề Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Daniel Wong phân tích: “Trong bối cảnh chi phí lao động đang gia tăng, với vị thế là người đứng đầu, bạn phải nghĩ về địa điểm có thể chuyển nhà máy, không phải chỉ bởi vì giá nhân công rẻ hơn mà phải đảm bảo phần còn lại của thế giới có giao dịch thương mại với quốc gia đó”.

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang có được vị trí mà nhiều quốc gia khác ghen tị như lợi thế bờ biển dài, dân số trẻ đầy năng lượng, số người dùng di động tăng lên, Chính phủ mở cửa thương mại trên nền tảng công bằng, tạo ra cơ hội to lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Việc dịch chuyển đầu tư và nhà máy ra ngoài Trung Quốc là xu hướng chung được nhiều chuyên gia và nhà phân tích dự báo.

Ông Đào Trần Nhân, Nguyên Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cuối tháng trước cho rằng Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng trong chiến tranh thương mại này bởi rất nhiều doanh nghiệp Mỹ có chính sách thương mại Trung Quốc +1 và nước +1 ở đây gần Trung Quốc nhất, có điều kiện gần giống Trung Quốc nhất chính là Việt Nam.

Ông Nhân dự báo đối với xuất khẩu, trong thời gian tới có khả năng một dòng hàng hóa của Trung Quốc và của Mỹ vào Việt Nam, đối với dòng đầu tư cũng sẽ có sự dịch chuyển.

Theo kế hoạch, đàm phán thương mại cấp trung giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra vào hôm nay và ngày mai theo giờ Mỹ, cho thấy những nỗ lực giải quyết đối đầu thương mại diễn ra thời gian gần đây.

Ngày 6/7 vừa qua, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất chính thức nổ ra với phát súng đầu tiên đến từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump khi quốc gia này tuyên bố tăng thuế lên tới 25% đối với 34 tỷ USD giá trị hàng nhập từ Trung Quốc với hiệu lực ngay lập tức.

16 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ cũng chính thức chịu mức thuế tương tự, đưa con số lên mức 50 tỷ USD.

Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) trong tuần này cũng tổ chức phiên điều trần về kế hoạch nâng thuế đối với 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc sắp tới, tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng.

Những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Washington và Bắc Kinh đang khiến giới kinh doanh và chuyên gia lo lắng vì những tác động lên hai nền kinh tế này nói riêng và toàn cầu nói chung, nổi bật là dòng di chuyển kinh doanh sang các quốc gia khác.

Việt Nam giữa đối đầu thương mại Mỹ - Trung 1
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam. Ảnh: IndustryWeek

Theo thông tin từ Financial Times, căng thẳng thương mại ngày càng leo thang khiến nhiều công ty phải xem xét lại chuỗi cung ứng của họ.

Ông Angelo Cheung, Giám đốc điều hành của Tập đoàn điện tử Nhật Bản Aoyagi hiện đang sản xuất tại Trung Quốc cho biết, một số đơn đặt hàng từ Mỹ đã bị tạm dừng vì sự không chắc chắn gia tăng.

"Chúng tôi đang đứng giữa một ngã tư nhưng tất cả chỉ là giải pháp về trung và dài hạn", ông Cheung cho biết. Hiện doanh nghiệp này đang xem xét các lựa chọn khác nhau, bao gồm cả việc chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam, Financial Times đưa tin.

Ông Dan Krassenstein, Giám đốc khu vực châu Á của ProconPacific trong chia sẻ với Reuters nhận định rằng hoạt động sản xuất sẽ được chuyển dần sang Nam Á và Đông Nam Á để hưởng chi phí thấp hơn cũng như chính sách giảm thiểu hoạt động sản xuất gây ô nhiễm từ chính quyền Trung Quốc.

Khoảng 5 năm trước đây, doanh nghiệp của ông sản xuất mọi sản phẩm tại Trung Quốc nhưng hiện đã phân bổ 22% cho Ấn Độ và 5-10% cho Việt Nam.

Nếu diễn biến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất không có dấu hiệu hạ nhiệt, sự xáo trộn kinh doanh vì thuế quan cũng như sự thay đổi về địa điểm sản xuất hoàn toàn có khả năng diễn ra.