Việt Nam hút 15,4 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng qua

Nhật Hạ - 16:12, 28/07/2022

TheLEADERTrong cơ cấu dòng vốn FDI, vốn đăng ký mới đang có sự hồi phục trong tháng 6 và tháng 7.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài 7 tháng đầu năm nay đạt trên 15,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến 20/7/2022.

Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh lần lượt 59,3% và 25,7%.

Cụ thể, 927 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký của các dự án mới đạt trên 5,72 tỷ USD, giảm 43,5%.

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 579 lượt dự án, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỷ USD, tăng 59,3%.

Góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại có 2.072 lượt, giảm 14% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt hơn 2,58 tỷ USD, tăng 25,7%.

Việt Nam thu hút 15,4 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng qua

Theo lĩnh vực đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, thông tin truyền thông.

Việt Nam thu hút 15,4 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng qua 1

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 31%, 27% và 16% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, 88 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Hàn Quốc, Đan Mạch.

Việt Nam thu hút 15,4 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng qua 2

Về số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 7 tháng qua, cụ thể chiếm 23% số dự án mới, 37% số lượt điều chỉnh và 36% số lượt góp vốn mua cổ phần.

Trong đó, bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây. Nổi bật trong đầu năm nay là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 51 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Bình Dương giữ vị trí dẫn đầu. Tiếp theo là TP.HCM, Bắc Ninh.

Việt Nam thu hút 15,4 tỷ USD vốn FDI trong 7 tháng qua 3

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM, Hà Nội. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về số dự án mới (40%), số lượt góp vốn mua cổ phần (68%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (15% sau Hà Nội là 18%).

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, (kể cả dầu thô) ước đạt 160,4 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 158,9 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực này ước đạt gần 140,7 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ và chiếm 65% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Do đó, khu vực đầu tư nước ngoài 7 tháng qua xuất siêu gần 19,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 18,2 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 19,4 tỷ USD.

Mặc dù tình hình thu hút dự án FDI mới vào Việt Nam có vẻ ảm đạm kể từ đầu năm tới nay, nhưng thời gian tới được dự báo sẽ khác.

Trong bối cảnh gián đoạn hoạt động sản xuất do tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc buộc các công ty tìm cách chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi nước này, Việt Nam được dự báo sẽ là điểm đến của hàng loạt công ty lớn trên thế giới.

Báo cáo thường kỳ ASEAN Next của HSBC công bố cuối tháng 6 cho rằng Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm sản xuất công nghệ. Đây cũng là một trong hai thị trường có tỷ trọng FDI trên GDP cao nhất, cùng với Malaysia.

Theo HSBC, môi trường chính sách FDI tại Việt Nam đã có những thay đổi lớn, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, nới lỏng các hạn chế đầu tư, quản lý tài khóa tốt hơn.

Vì vậy, HSBC dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị.

"Tham vọng công nghệ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc trở thành trung tâm sản xuất cấp thấp. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cần nhiều cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể nắm bắt nhiều cơ hội", báo cáo khuyến nghị.