Việt Nam rất dễ rơi vào 'bẫy tăng trưởng đi ngang'

Mỹ Linh - 08:42, 05/12/2018

TheLEADERChủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho rằng, nếu Việt Nam không có chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh sẽ rất dễ rơi vào bẫy tăng trưởng đi ngang.

Việt Nam rất dễ rơi vào 'bẫy tăng trưởng đi ngang'
Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn còn khá yếu ớt.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Koji Ito, Việt Nam cần phát triển công nghiệp địa phương theo các chuẩn mực quốc tế và đạt năng lực cạnh tranh tầm quốc tế để không bị rơi vào “bẫy” tăng trưởng đi ngang.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018, vị Chủ tịch này cho rằng đây là bẫy tăng trưởng nhiều nền kinh tế mới nổi từng gặp phải, kể cả Nhật Bản.

Lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam được nhận định có tiềm năng cao nhưng hiện còn quá nhỏ bé tính trên thành phẩm đầu ra, chưa đủ sức hấp dẫn và trở thành mục tiêu đầu tư.

Tại hội thảo công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức hồi giữa tháng 10, chuyên gia nghiên cứu của văn phòng Jetro TP. HCM cho biết năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.

Nếu chỉ tính tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa thì chỉ còn 13,1% và đang ở mức dưới tiêu chuẩn. Trong khi đó, con số này của Thái Lan năm ngoái là 23,7%, Indonesia 20,2%, Malaysia 18,8%, Philippines 14,5% và Trung Quốc thậm chí lên tới 40%.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 30/10, cả nước có khoảng 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô.

Trong đó, 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô.

Tỷ lệ này là quá thấp so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.

Không chỉ vậy, nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, máy móc, thiết bị phụ tùng trong một số mặt hàng quan trọng như giầy dép, dệt may cũng chiếm tỷ trọng lớn so với giá trị xuất khẩu, làm giảm giá trị gia tăng của Việt Nam.

Báo cáo của Nhóm Công tác ô tô/xe máy VBF chỉ rõ mặc dù đã có một số Quyết định/ Nghị định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được ban hành, không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách trên thực tế. 

Lý do được đưa ra là vì không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018. Đồng thời, thủ tục đăng kí được nhận định khá phức tạp. 

Trước tình hình này, JCCI kiến nghị mở rộng hơn nữa khuôn khổ hợp tác “chương trình đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam" và triển khai một cách chắc chắn việc đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư máy, nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng người Việt Nam.

Nhằm đạt được mục đích trên, JCCI cho rằng Việt Nam nên nới lỏng quy định về điều kiện cấp visa cho người nước ngoài, mời các nhân viên kỹ thuật có tuổi nghề cao đến Việt Nam với tư cách là "người truyền lại kinh nghiệm kỹ thuật của những người thợ lành nghề" để đào tạo, hướng dẫn.

Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực và tăng cường tự chủ về khoa học, công nghệ sản xuất, Chủ tịch JCCI đề xuất nên có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản có tên tuổi, năng lực công nghệ cao ở những lĩnh vực ưu tiên, đầu tư để tiến hành sản xuất, đẩy mạnh quá trình nâng cao năng suất cho Việt Nam.

“Chính phủ nên có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cấp công nghệ sản xuất, coi đây là biện pháp tạm thời cho đến khi đạt được quy mô phù hợp”, đại diện cho doanh nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh.