Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài

Nhật Minh - 17:59, 17/04/2021

TheLEADERBất chấp Covid-19, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với đầu tư nước ngoài nhờ chính trị ổn định, rủi ro bất ổn chính sách thấp cùng chi phí không chính thức ngày càng giảm.

Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2020 (PCI 2020) đối với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện trên hầu hết các tiêu chí.

Chính trị ổn định của Việt Nam được đánh giá là yếu tố luôn có sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài, trở thành nhóm lợi thế lâu dài. Yếu tố này của Việt Nam liên tục được các doanh nghiệp FDI đánh giá cao, với tỷ lệ trên 90% và dao động không đáng kể qua các năm.

Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài
Các yếu tố thu hút %ầu tư theo %ánh giá của các doanh nghiệp FDI. Nguồn: PCI 2020.

Nhóm lợi thế mới nổi bao gồm các yếu tố rõ ràng đã trở thành điểm mạnh của Việt Nam sau những bước tiến ấn tượng trong các năm qua, bao gồm rủi ro bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh và rủi ro bất ổn chính sách.

Năm 2013, có 64% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI nhận định rủi ro bị thu hồi mặt bằng là thấp, và 60% cho rằng Việt Nam có rủi ro bất ổn chính sách thấp hơn các quốc gia khác mà họ đã cân nhắc đầu tư.

Bảy năm sau, năm 2020, hai yếu tố này hiện nay được nhà đầu tư đánh giá cao, với tỷ lệ tương ứng đạt ngưỡng xấp xỉ 80%.

“Rõ ràng, sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, niềm tin của các doanh nghiệp FDI đã tăng lên đáng kể về tính ổn định trong nắm giữ quyền sử dụng đất. Mặt khác, các quan ngại về bất ổn chính sách dường như đã cải thiện trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ”, nhóm nghiên cứu PCI nhận định.

Nhóm lợi thế còn tiềm năng bao gồm các yếu tố mặc dù đã có một số bước tiến song vẫn còn là điểm yếu của môi trường kinh doanh tại Việt Nam so với các nước khác. Đó là hai yếu tố thuế và vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách.

Với những cải thiện đáng kể lĩnh vực thuế với chính sách thuế hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam cũng tăng từ 55% năm 2015 lên 62% năm 2020.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vẫn cảm thấy họ có vai trò hạn chế trong hoạch định chính sách. Mặc dù một tỷ lệ tương đối lớn, 61% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI, cho rằng doanh nghiệp họ có vai trò tích cực hơn trong hoạch định chính sách tại Việt Nam so với các quốc gia khác, đây chỉ là mức tăng nhẹ từ 59% năm 2013 và giảm so với năm 2015.

Các nỗ lực trong thời gian tới nhằm cải thiện khía cạnh này có thể thúc đẩy hơn nữa khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, báo cáo khuyến nghị.

Các hạn chế

Nhóm cuối cùng là các yếu tố mà Việt Nam cần đẩy mạnh giải quyết (các hạn chế có tính truyền thống), bao gồm các yếu tố kiểm soát tham nhũng; hệ thống thủ tục, quy định; cơ sở hạ tầng; chất lượng cung cấp dịch vụ công.

Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài 1
Các thủ tục hành chính gây phiền hà nhất cho doanh nghiệp FDI. Nguồn: PCI.

Gần 40% doanh nghiệp FDI coi chống tham nhũng là một trong những điểm mạnh của Việt Nam trong năm 2020, tăng từ mức xấp xỉ 30% năm 2014, cho thấy công cuộc chống tham nhũng của chính phủ đã đạt được những thành quả rõ nét.

Tuy nhiên, nếu tính theo giá trị tuyệt đối, con số này vẫn khá thấp – dưới 50%, nghĩa là vẫn còn nhiều lợi ích tiềm tàng Việt Nam có thể khai thác khi nâng cao môi trường kinh doanh quốc gia.

Các bất cập liên quan đến hệ thống thủ tục, quy định tại Việt Nam nhìn chung gần như không đổi. Năm 2013, có 44% doanh nghiệp FDI coi đây là một lợi thế so sánh của Việt Nam trong khi con số này vào năm 2020 là 45%.

Về cơ sở hạ tầng, dù Chính phủ ngày càng chú trọng cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, chỉ có 40% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có chất lượng cơ sở hạ tầng tốt hơn so với các quốc gia khác.

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi chất lượng cung cấp dịch vụ công là điểm yếu của Việt Nam, dù đánh giá của doanh nghiệp FDI về lĩnh vực này đã cải thiện đáng kể, tăng từ mức báo động 29% năm 2014 lên gần 46% của năm 2020.

Việt Nam trong tương quan với các nước đối thủ

Đối với dòng vốn FDI mà Việt Nam là điểm đến cuối cùng, Trung Quốc là quốc gia cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI nhắc đến Trung Quốc như “quốc gia khác thay thế trong chiến lược đa quốc gia” đã tăng từ 24% trong khoảng thời gian 2013 – 2015 lên 30% năm 2020.

Con số này phản ánh Việt Nam ngày càng có vai trò lớn hơn như một điểm đến thay thế cho Trung Quốc và là ứng viên hàng đầu đối với các tập đoàn đa quốc gia trong chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cũng từng cân nhắc các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á như những ứng viên tiềm năng. Vị thế của Thái Lan đã suy giảm rõ rệt, từ mức trung bình 23% doanh nghiệp FDI từng cân nhắc giữa nước này với Việt Nam trong thời điểm 2013 – 2015 xuống chỉ còn 10% vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Thái Lan vẫn là một trong những lựa chọn phổ biến nhất để thay thế cho Việt Nam trong khu vực ASEAN, với vị trí ngang bằng Singapore và Indonesia (lần lượt là 11 và 10%), và trên Malaysia (4%).

Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài 1
Năm quốc gia cạnh tranh hàng %ầu của Việt Nam trong chiến lược %a quốc gia của các doanh nghiệp FDI. Nguồn: PCI.

Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao các bước tiến Việt Nam đạt được thời gian qua trong giảm thiểu rủi ro về mặt bằng sản xuất kinh doanh, và đặc biệt là trong ổn định chính sách. So sánh thời điểm 2015 với 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI lựa chọn đầu tư vào Việt Nam bởi hai yếu tố này đã tăng thêm 11 và 28 điểm phần trăm tương ứng.

Tuy nhiên, một số khóa cạnh còn đáng quan ngại, bao gồm kiểm soát tham nhũng, hệ thống thủ tục, quy định, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công.

Dù những lĩnh vực này đã có cải thiện rõ nét nhưng năm 2020, chỉ có 27% doanh nghiệp FDI đánh giá mức độ tham nhũng ở Việt Nam ít phổ biến hơn ở Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh đó, chỉ có 32% doanh nghiệp FDI cho rằng hệ thống thủ tục, quy định hoặc cơ sở hạ tầng của Việt Nam tốt hơn các nước này, trong khi khoảng 42% doanh nghiệp FDI nhận định chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam tốt hơn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam, đại diện nhóm khảo sát PCI, khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Khảo sát cho thấy các doanh nghiệp FDI kỳ vọng Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy trình thành lập doanh nghiệp, số hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả các cải cách nhằm hoàn thiện các khâu, các bước còn nhiều bất cập trong các thủ tục hành chính về thuế và bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh quốc gia và lợi thế so sánh với các nước trong khu vực.