Xắn tay xốc lại du lịch Phú Quốc

Thu Phương - Giang Sơn - 16:43, 15/11/2023

TheLEADERPhú Quốc cần hình thành một cơ quan quản lý điểm đến để điều phối phát triển du lịch, đảm bảo chất lượng, giá cả và hài hoà lợi ích các bên.

Xắn tay xốc lại du lịch Phú Quốc
Du lịch Phú Quốc đang đối mặt với thời kỳ khó khăn. Ảnh: Hoàng Anh

Không phải bỗng dưng Phú Quốc trở thành từ khoá được nhắc đến nhiều trong hội nghị do Thủ tướng chủ trì ngày hôm nay bàn giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững.

Chủ đề của hội nghị bao quát ở tầm quốc gia nhưng cũng rất sát với vấn đề mà du lịch Phú Quốc đã và đang đối mặt, đó là phát triển nhanh nhưng có bền vững hay không?

Tình trạng gay go

Như nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thẳng thắn chỉ ra “tình trạng khá gay go như ở Phú Quốc” và “chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, có lúc rất tốt, tưởng rằng sẽ bứt phá rồi lại suy giảm” và “chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước.”

Tình trạng gay go mà ông Thiên nhắc đến chính là cảnh vắng khách du lịch nội địa ở Phú Quốc trong những tháng gần đây, trong đó, lẽ ra những thời kỳ cao điểm như dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua sẽ bùng nổ khách du lịch nhưng ngược lại, số lượng khách đến đảo sụt giảm mạnh.

Phú Quốc cũng như nhiều điểm du lịch trên cả nước từng được hưởng làn sóng “du lịch trả thù” sau Covid-19, nhưng khi kinh tế khó khăn và thu nhập eo hẹp, ông Thiên nhận thấy người dân bắt đầu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” và đây cũng chính là một trong những lý do khiến du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống.

Trong bối cảnh phải cân nhắc ngân sách du lịch, một trong những yếu tố đầu tiên du khách phải tính toán có lựa chọn đi Phú Quốc hay không chính là giá vé máy bay.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chỉ ra thực tế là giá vé máy bay từ các thị trường du lịch lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và cả đường bay quốc tế đến Phú Quốc luôn cao hơn các địa phương khác, kể cả trong ngày thường chứ không riêng dịp lễ Tết.

“Có những thời điểm một vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc có giá trên 10 triệu đồng. Những điều này cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến”, ông Thành nói trong hội nghị với sự có mặt của đại diện Vietjet Air và Vietnam Airlines.

Hai hãng hàng không này đã và đang là những đơn vị chủ lực đưa khách đến Phú Quốc nhưng năm nay cũng phải cắt giảm chuyến bay đến thành phố đảo do lượng khách du lịch ít hơn năm ngoái.

Tính đến hết tuần đầu tháng 11 này, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ khoảng 3,7 triệu lượt khách cả chiều đi lẫn chiều đến, giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng tình trạng du lịch sụt giảm không chỉ ở Phú Quốc mà theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico Holdings, từ Nha Trang, đến Đà Nẵng, Hội An và vịnh Hạ Long, “mỗi nơi đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.”

Ngoài giá vé máy bay cao, giới doanh nghiệp cũng chỉ ra ba vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch Phú Quốc là nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng quá lớn, giá các loại dịch vụ cao trong khi dịch vụ không tương xứng và cuối cùng là vấn đề môi trường.

Giá cả hàng hoá, dịch vụ ngoài đảo vốn đã cao hơn đất liền, nhưng sau một thời kỳ phát triển nóng lại bị đẩy lên cao hơn như lãnh đạo một doanh nghiệp ví von “sẵn đến mùa thì chém, hết mùa thì ế.”

Giá vé máy bay đến Phú Quốc tăng một phần cũng là do sự thiếu hụt về lượng khách du lịch đến thành phố này, buộc các hãng bay phải tăng giá để bù lỗ trong bối cảnh kinh doanh hàng không chưa có lợi nhuận. Và vé máy bay cao thì khách lại không đi, tạo nên một vòng luẩn quẩn cho du lịch Phú Quốc.

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp có dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Phú Quốc nói rằng, cũng không thể đổ lỗi cho giá vé máy bay tăng cao làm sụt giảm du khách bởi các hãng hàng không cũng là những đơn vị kinh doanh và họ phải tính đến hiệu quả.

Xắn tay vào cuộc

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, chính quyền thành phố Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung cứ nhìn thẳng vào sự thật, những điểm yếu hầu như đã lộ diện và nếu khắc phục được thì du lịch sẽ dần khởi sắc.

Vấn đề thứ nhất mà lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra là giá cả các mặt hàng ở Phú Quốc hiện quá đắt so với thực tế, nhất là đồ ăn và đồ lưu niệm. Vì thế, chính quyền phải quyết liệt trong việc bình ổn giá bằng cách họp với các nhà hàng lớn, quán bán đồ lưu niệm khu chợ đêm để khống chế giá trần, từ đó các nhà hàng nhỏ lẻ sẽ làm theo.

Tiếp đến là định vị lại các điểm đến với mục tiêu giảm giá sản phẩm nhưng tăng chất lượng dịch vụ, như giá bán ngọc trai quá cao, các hành trình đi câu cá, lặn ngắm san hô cần nâng cao chất lượng bữa ăn trưa.

Một vấn đề rất quan trọng là thành phố phải họp với các hãng taxi thường xuyên để kiểm soát giá cước vận tải, đặc biệt là phải đào tạo kỹ năng phục vụ khách hàng cũng như chuẩn mực ứng xử của các tài xế để họ không ép khách đến những nơi chi tiền hoa hồng cao cho tài xế.

“Những việc này đều khó nhưng cần cương quyết làm. Nếu làm được thì hình ảnh du lịch Phú Quốc sẽ cải thiện”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này quả quyết.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, để hạ giá phòng khách sạn đến dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cước taxi, vé máy bay xuống mức phù hợp không đơn giản.

Muốn làm được vậy, người dân và doanh nghiệp, nhà nước phải cùng đồng lòng hạ giá dịch vụ du lịch để hấp dẫn khách nội địa đến Phú Quốc do đây vẫn là nguồn cầu chính trong lúc thu hút khách quốc tế khó khăn do xung đột địa chính trị toàn cầu và kinh tế suy giảm.

Thành phố đảo đầu tiên của cả nước có điểm mạnh để thu hút khách nội địa nhờ có các khu nghỉ dưỡng lớn, hoạt động vui chơi giải trí đa dạng, được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, điểm yếu lại là chi phí dịch vụ đắt đỏ.

Theo ông Chính, Phú Quốc cần hình thành một cơ quan quản lý điểm đến để dẫn dắt, quản trị việc phát triển du lịch, đảm bảo chất lượng, giá cả, đáp ứng nhu cầu thị trường và hài hoà lợi ích các bên.

Trong khi đó, từ góc độ một nhà đầu tư, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch công ty G6 cho rằng vấn đề về môi trường, phát triển xanh cần được Phú Quốc hết sức quan tâm, cần giảm thiểu các dự án có mật độ xây dựng cao, đặc biệt là các dự án thương mại dịch vụ.

Cùng với đó, các dự án đô thị, du lịch cần tính toán kỹ lưỡng và hướng tới đô thị xanh, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hiện có của thành phố đảo để giữ được sự hấp dẫn với du khách.

Trong khi đó, lãnh đạo doanh nghiệp có dự án ở Phú Quốc nói rằng, chính quyền phải xắn tay tiên phong và quyết liệt giải quyết các vấn đề mà ngành du lịch của thành phố đảo đang đối mặt.

Như vấn đề rác thải khiến các doanh nghiệp kêu ca rất nhiều thì cần chủ động đi xúc tiến mời gọi những doanh nghiệp có thực lực cả về tài chính và công nghệ đầu tư nhà máy xử lý, nếu không, đây sẽ là nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, chính quyền cần vào cuộc giải quyết rốt ráo những vướng mắc pháp lý dự án cho nhà đầu tư, trong đó có những dự án mang tính động lực như dự án khu phi thuế quan của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.

Cũng thật trùng hợp, có mặt trong hội nghị của Chính phủ về phục hồi du lịch hôm nay, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã đề xuất mô hình mua sắm Factory Outlet trong khu phi thuế quan, khẳng định mô hình này rất thành công và có sức hút đối với du khách quốc tế và nội địa.

Nếu Việt Nam phát triển mô hình nằm trong khu phi thuế quan sẽ có tính ưu việt và là mô hình đầu tiên trong khu vực có giá bán lẻ rẻ, trực tiếp thu hút được lượng khách lớn từ các nước Đông Nam Á và các nước trong khu vực đến mua sắm thay vì họ phải bay đi châu Âu, châu Mỹ.

Tuy nhiên, mặc dù quy hoạch khu phi thuế quan đã có hơn 10 năm ở Phú Quốc và tập đoàn của bà Thuỷ Tiên đã được chọn làm nhà đầu tư, nhưng do chưa ban hành cơ chế chính sách vận hành nên không thể đầu tư được. 

Nếu nhà đầu tư còn than phiền vì dự án bế tắc, không những môi trường đầu tư của Phú Quốc bị ảnh hưởng mà du lịch của thành phố đảo cũng thiếu đi một mảnh ghép quan trọng.