Xuất khẩu nông sản thêm áp lực

Hoàng Đông - 17:42, 04/06/2024

TheLEADERViệc Thái Lan và EU tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do có thể khiến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu gặp nhiều áp lực.

Xuất khẩu nông sản thêm áp lực
Thủy sản Việt Nam xuất sang EU có thể gặp bất lợi lớn. Ảnh: Hoàng Anh

Sau một thập niên gián đoạn vì cuộc đảo chính, vào năm 2023, Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU) chính thức nối lại đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do (FTA), dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2025.

Điều này được dự báo sẽ tạo ra áp lực lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU, bởi Thái Lan cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, sở hữu điều kiện tự nhiên thuận lợi và ngành nông nghiệp tương đối phát triển.

Từ trước đến nay, ở nhiều thị trường, Thái Lan luôn là một trong những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nông sản Việt.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá ngừ là loại nông sản đứng trước thách thức lớn khi FTA giữa Thái Lan và EU được ký kết. Sản lượng cá ngừ đóng hộp của Thái Lan đạt 600 nghìn tấn mỗi năm, cao hơn nhiều so với năng lực sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2015, cá ngừ Thái Lan xuất sang EU không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP – thuế quan ở mức thấp mà EU đơn phương dành cho các quốc gia đang phát triển), thay vào đó là mức thuế quan lên đến 24%. Do đó, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu một lượng nhỏ cá ngừ vây vàng sang EU.

Theo VASEP, chưa rõ các điều khoản đàm phán như thế nào nhưng chắc chắn cá ngừ Thái Lan sẽ được hưởng lợi nếu FTA giữa Thái Lan và EU được ký kết. Ngoài ra, một số loại thủy sản khác mà Thái Lan có thế mạnh, đặc biệt là tôm, cũng sẽ rộng cửa vào EU.

Lợi thế của Việt Nam là ký kết với EU sớm hơn nên mức thuế quan được áp dụng trong ngắn hạn vẫn sẽ thấp hơn so với Thái Lan. Tuy nhiên, lợi thế lớn mà thủy sản Thái Lan được hưởng so với Việt Nam là đã gỡ được thẻ vàng IUU từ năm 2019.

Không chỉ thủy sản, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng khi hàng Thái rộng cửa sang EU, bao gồm gạo, các loại trái cây nhiệt đới như xoài, dứa, sầu riêng.

Đáng chú ý, sở hữu nhiều nông sản tương đồng với Việt Nam nhưng Thái Lan có thế mạnh về xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn, việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đã được Thái Lan triển khai từ năm 1998 và thành công, trong khi Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Gắn với thương hiệu quốc gia còn là câu chuyện tiêu chuẩn. Nhờ hệ thống các thương hiệu nông sản quốc gia, Thái Lan kiểm soát tương đối tốt chất lượng nông sản, giúp hạn chế các hiện tượng như nông sản xuất khẩu có chất lượng không đồng đều, không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Vài năm gần đây, Thái Lan áp dụng mô hình “nền kinh tế tuần hoàn – sinh học – xanh” với trọng tâm là một số ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm nông nghiệp, hứa hẹn sẽ tạo ra một diện mạo bền vững cho nông sản Thái, đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải carbon, truy xuất nguồn gốc, chống suy thoái rừng mà thị trường EU đưa ra gần đây.

Nếu không giữ vững được chất lượng, không đảm bảo tính bền vững và minh bạch trong chuỗi cung ứng, nông sản Việt sẽ phần nào yếu thế trong cuộc “so găng” với Thái Lan. Như vậy, khi FTA giữa Thái Lan và EU được ký kết, đường sang châu Âu của nông sản Việt sẽ ngày càng trắc trở, gập ghềnh.