Bà Vũ Kim Hạnh: 'Làm khó doanh nghiệp chính là gây khó khăn cho nền kinh tế'

An Chi - 09:00, 17/03/2018

TheLEADERTrong quá trình thực hiện cắt giảm giấy phép con, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Việt Nam phải so với các nước trên thế giới để học hỏi, tiếp tục cải cách chứ không nên so với chính mình để tự hài lòng.

Bà Vũ Kim Hạnh: 'Làm khó doanh nghiệp chính là gây khó khăn cho nền kinh tế'
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, những chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19 nhằm giúp cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất lợi cho doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh là rất rõ ràng. Song trong quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự đạt những hiệu quả như kỳ vọng.

Theo bà Hạnh, các cơ quan Nhà nước khi đưa ra các chính sách mới thường ít nghĩ tới việc nó sẽ gây những ảnh hưởng như thế nào cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là một thành tố quan trọng của nền kinh tế, gây khó cho doanh nghiệp chính là gây khó khăn cho nền kinh tế.

Bà đánh giá như thế nào về những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Bà Vũ Kim Hạnh: Các doanh nghiệp Việt đang gặp phải rất nhiều thiệt thòi. Trước hết là vấn đề về thông tin. Các doanh nghiệp hiện nay luôn bị thiếu thông tin, hiểu biết về các quy trình chất lượng mới về sản phẩm. 

Doanh nghiệp bối rối trước những tiêu chuẩn phổ quát của thị trường như phải truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đây lại là những tiêu chuẩn bắt buộc, là giấy thông hành để hàng hoá của Việt Nam có thể đặt chân đến các quốc gia khác trên thế giới.

Đơn cử như việc hàng hoá của Việt Nam xuất sang Trung Quốc. Mặc dù thị trường này vô cùng dễ dàng chấp nhận các tiêu chuẩn sản phẩm rất thấp của chúng ta khi xuất khẩu tiểu ngạch, song khi Việt Nam cố gắng giảm thương mại tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch, các doanh nghiệp Việt đi theo con đường chính ngạch lại vô cùng gian nan. 

Vinamilk mất 5 năm theo đuổi vẫn không tham gia được vào thị trường chính ngạch của Trung Quốc.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn rất xa lạ với các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Họ nói rằng để lấy được tờ giấy chứng nhận tiêu chuẩn đó mất quá nhiều tiền và thời gian. Trong khi đó, chúng ta lại không có cách gì linh hoạt hơn để giúp việc này cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là các thông tin về chính sách, các quy định mới thông tin về thị trường, các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn rất thiếu trong khi ở các nước khác, Nhà nước, Chính phủ và các trường đại học làm rất tốt điều này để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai là vấn đề công nghệ, dường như các doanh nghiệp trong nước vẫn còn cho rằng việc sử dụng đến trí tuệ nhân tạo, minh bạch thông tin thành lâp doanh nghiệp, thông tin nguồn gốc sản phẩm là việc gì đó gì quá xa xôi. Trong khi ở các nước khác, để có thể truy suất nguồn ngốc về quá trình canh tác, công nghệ là hết sức cần thiết.

Mặt khác, trong công cuộc thâm nhập vào thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt còn nhiều khó khăn do Việt Nam mới đi vào nền kinh tế thị trường. Chúng ta không có các hệ thống thương mại đồng hành, các công ty phân phối lớn ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Còn về câu chuyện hội nhập, theo bà, các doanh nghiệp Việt hiện nay đang gặp những khó khăn gì trong việc cạnh tranh với các công ty nước ngoài?

Bà Vũ Kim Hạnh: Chúng ta gặp rất nhiều bất lợi thế về vốn, đất đai, vận chuyển, bảo hiểm so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam hiện nay doanh nghiệp nước ngoài mua đang rất nhiều. Mỗi ngày mở báo ra lại thấy họ tiếp tục mua các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Gần đây nhất là vụ một công ty của Thái Lan mua lại Nhựa Bình Minh, một trong những doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao lớn nhất của Việt Nam. Hiện người Thái cũng đang rất quyết tâm mua lại Vinamilk.

Phải thừa nhận một điều rằng các doanh nghiệp trong nước có hấp dẫn, có đáng mua nước ngoài mới mua. Việc bán hay mua trong giai đoạn này là hết sức bình thường.

Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra là làm sao giảm được các bất lợi của doanh nghiệp nội trong cạnh tranh, làm sao để họ tiếp cận được các nguồn lực. Chính phủ cần có những giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp đầu ngành, giữ được các doanh nghiệp tốt nhất cho lực lượng doanh nghiệp trong nước.

Bà đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ trong việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh ngiệp trong thời gian vừa qua?

Bà Vũ Kim Hạnh: Chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 19 là rất rõ ràng, song trên thực tế trong quá trình triển khai, sự phối hợp của các bộ ngành trong việc thực hiện nghị định của Chính phủ cũng như các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng không đều. Như Thủ tướng đã nói đó là thực trạng “trên nóng dưới lạnh” khiến cho kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh không đạt được những hiệu quả như kỳ vọng.

Những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19, các bộ ngành đã đề cập rất nhiều. Vấn đề là các cơ quan nhà nước cần cố gắng giám sát, có chế tài cụ thể, chú ý đến sự phối hợp của các bộ ngành, các cơ quan liên quan để thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Tránh để xảy ra tình trạng như hiện nay khi các doanh nghiệp nói quá nhiều về những khó khăn của họ trong kinh doanh. Các cơ quan nhà nước khi đưa ra các chính sách mới thường ít nghĩ tới việc nó sẽ gây những ảnh hưởng như thế nào cho doanh nghiệp. 

Các lý giải như tăng giá điện có lợi cho người tiêu dùng, BOT không có ảnh hưởng gì đến người dân, doanh nghiệp hiện không đồng tình.

Trong khi doanh nghiệp chính là một thành tố của nền kinh tế. Gây khó cho doanh nghiệp chính là gây khó khăn cho nền kinh tế.

Chúng ta đã có 4 năm để thực hiện Nghị quyết 19 và năm nay lại có một Nghị quyết 19 mới, theo bà cần có những cải cách gì để quá trình thực hiện được thành công?

Bà Vũ Kim Hạnh: Điều quan trọng nhất theo tôi là các cơ quan Chính phủ, các bộ ngành cần phải có một hệ thống dữ liệu thống nhất để công khai, minh bạch thông tin, tôn trọng sự tương tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Đồng thời, công khai vai trò, trách nghiệm giải trình Nhà nước đối với việc thực hiện nghị quyết này cho người dân được rõ.

Có như vậy việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh gây bất lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới có thể đạt được những hiệu quả tích cực, mạnh mẽ hơn nữa. 

Và hơn hết là trong quá trình này, Việt Nam phải so với các nước trên thế giới để học hỏi, tiếp tục cải cách chứ không nên so với chính mình để tự hài lòng.

Xin cảm ơn bà!