Chuyên gia Lê Thiết Bảo: 'Giải quyết được 20% nhu cầu sẽ có 80% lợi nhuận'

Hương Xuân - 09:20, 03/01/2018

TheLEADERSau nhiều năm lăn lộn với thương mại điện tử thuần online, trải qua nhiều thất bại, Lê Thiết Bảo đang tiếp tục hoài bão về mô hình bán lẻ đa kênh được dự báo sẽ là xu hướng bán lẻ hiệu quả trong tương lai gần.

Tốt nghiệp kỹ sư vật liệu mới chuyên ngành bán dẫn đại học Nanyang Technological University (Singapore), Lê Thiết Bảo đầu quân cho công ty sản xuất Chip lớn thứ 5 thế giới trong vai trò kỹ sư trưởng một xưởng sản xuất tại Singapore. 

Rời sang Fedex Express trong vai trò Giám đốc kỹ thuật vùng Đông Dương, 9 năm làm việc tại Singapore, Lê Thiết Bảo đã tích lũy được sự hiểu biết sâu sắc công nghệ cho ngành logistics, cách thức nó ảnh hưởng tới các ngành khác, để cùng bạn bè gây dựng những trang thương mại điện tử đầu tiên cho Việt Nam như Siêu chợ Sendo.vn, dienmayxanh.com, Deca.vn…

Chuyên gia Lê Thiết Bảo: "Giải quyết được 20% nhu cầu sẽ có 80% lợi nhuận"
Chuyên gia thương mại điện tử Lê Thiết Bảo.

Xuất thân là một kỹ sư trong ngành bán dẫn có mức lương “khủng” từ công ty đa quốc gia ở Singapore, vì sao ông lại quyết định trở về, đầu quân cho FPT và trở thành một trong ba người sáng lập nên sàn thương mại điện tử Sendo.vn?

Chuyên gia Lê Thiết Bảo: Xây dựng Sendo.vn là quãng đời đáng nhớ nhất của tôi. FPT là công ty công nghệ rất mạnh, tôi được hỗ trợ nhiều trong quãng thời gian này. Làm một quy trình tự động có rất ít sự tham gia của con người là thách thức rất lớn. 

Thời điểm năm 2011 - 2012, người hiểu biết về thương mại điện tử trong nước không nhiều. Mình phải vừa học, vừa làm, vừa mày mò để giải bài toán thị trường mà chưa ai biết phải giải làm sao? 

Lúc đó chưa có smatphone nhiều như bây giờ, người Việt Nam có đặc tính rất thú vị, họ không biết thì không tin, khi không tin thì cho là xấu. Quá trình làm sao gầy dựng niềm tin để thay đổi nó rất phức tạp, vì người mua online nhập thẻ thanh toán luôn sợ khả năng bị mất cắp, đó là điều rất khó để nói với 80 triệu dân. Có nói người ta cũng không muốn nghe!

Đơn cử một câu chuyện thôi, toàn bộ hệ thống vận hành của Sendo.vn lúc đầu được thiết kế chỉ để giải quyết một bài toán lúc đó chưa nhà nào giải được: “Người mua hàng mua đúng giá niêm yết bằng tiền mặt và thanh toán thẻ, mua xong hàng được giao đến tận nhà, không phải trả thêm đồng nào”. 

Chuyện đó ở năm 2017 mà nói là chuyện đương nhiên! Nhưng tại thời đểm 2011 không có nhà nào làm được. Lúc đó nếu lên vatgia hay chodientu mua hàng, gọi điện thoại đến nơi người ta bán giá khác hay không bán mình cũng chịu, chẳng ai có tí niềm tin gì vào thương mại điện tử cả.

Thiết kế hệ thống vận hành tự động trong mọi khâu từ mua hàng, giao hàng, thu tiền, trả tiền người bán, thu tiền chiết khấu, thu phí vận chuyển… là một câu chuyện đòi hỏi rất nhiều tư duy và nghiên cứu vì khi đó chưa có mô hình tồn tại ở Việt Nam. Chúng tôi đã dùng số lượng con người rất ít để duy trì, vận hành hệ thống khổng lồ đó. 

Sendo.vn là câu chuyện lãng mạn của tuổi trẻ mà nói thật, nếu với suy nghĩ bây giờ, quay lại lúc đó kêu tôi bỏ lương vài nghìn đô để đi làm một cái còn chưa biết hình hài nó là cái gì chắc tôi không dám.

Là người theo chủ nghĩa dân tộc hơi “cực đoan” một chút, từ khi đi du học, tôi luôn nghĩ sẽ quay về. Ở Việt Nam tôi thấy thoải mái hơn, dù bản thân cũng nhận được lời mời nhập tịch ở Singapore và Úc nhưng cả hai lần tôi đều không đi. Tôi nghĩ đơn giản thôi, nếu tất cả người tài học xong đều rời bỏ Việt Nam thì bao giờ đất nước mới tiến bộ?

Tôi luôn tâm niệm nếu có tài, có khả năng, muốn đóng góp xây dựng thì kiểu gì cũng sống được. Với tâm thế đó, dù bạn bè, gia đình cản, tôi vẫn quyết định trở về. Đến bây giờ dù va chạm, thất bại và cả thành công cũng nhiều, nhưng tôi vẫn ngây thơ như thế. 

Tôi luôn nghĩ để có một quốc gia mạnh, trước hết dân phải giàu. Người Việt chỉ có khát vọng duy nhất là làm giàu, đối với tôi đó là khát vọng chính đáng nhất.

Tôi ước mơ những người giỏi nhất ở thế hệ tôi tập hợp về đất nước để nền kinh tế nước mình còn phát triển hơn nữa. Bạn cùng lứa tôi nhiều người giỏi lắm, nhiều bạn giảng viên Cambridge, Oxford rồi, tiến sĩ các kiểu nhưng không có ai chịu về.

Người nước ngoài cho dù có nhiều tiền, nhưng họ không bao giờ bảo vệ quyền lợi của đất nước mình. Mình chào đón họ, mở cửa để học hỏi, giao lưu, nhưng không bao giờ để mất chất của mình. 

Tôi đến với thương mại điện tử là vì cái duyên, nhưng càng làm càng thấy thú vị. Có nhiều bài toán phải giải mà không ai dạy mình, phải tự học, tự mày mò. Thương mại điện tử bao gồm kiến thức tổng hợp từ nhiều ngành, vừa thương mại, vừa công nghệ, vừa logistics, makerting… tôi là người ham học hỏi mà thấy mình chỉ là một hạt cát nhỏ thôi trong biển kiến thức phải tiếp thu.

9 năm học và làm việc tại Singapore, trong môi trường chuẩn, minh bạch, ông có bị sốc khi mới trở về?

Chuyên gia Lê Thiết Bảo: Có chứ, ở Singapore con người đối xử thẳng thắn, minh bạch, họ rất Tây phương. Về Việt Nam mọi thứ không như vậy. Đó là cú sốc đầu tiên.

Cú sốc tiếp theo là sự cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày là phần máu thịt mà người Singapore được dạy từ nhỏ, còn ở Việt Nam người trẻ không như thế. Chất lượng giáo dục của người trẻ Việt Nam kém hơn Singapore rất nhiều. Trong mấy năm làm quản lý, đa phần sinh viên mới ra trường hay có 1-2 năm kinh nghiệm, tôi phải đào tạo lại từ đầu hết.

Rất may Fedex là công ty đa quốc gia, đầu vào chuẩn, làm việc với nhiều nước và nhiều nền văn hoá khác nhau. Đây là bước chuyển nhẹ nhàng để tôi tiếp cận với môi trường trong nước và đỡ sốc hơn.

Ông cũng đã từng nếm trải thất bại khi thành lập kinh doanh riêng với Deca.vn?

Chuyên gia Lê Thiết Bảo: Thất bại thì nhiều lắm, điều đầu tiên học được là ở Việt Nam làm tốt không hẳn sẽ tồn tại. Không phải bao giờ con người sẽ chấp nhận bỏ cái cũ, theo cái mới, đôi khi mình làm một công nghệ rất tốt cũng phải cần nguồn lực rất lớn để nó hoàn thiện và sống được.

Công nghệ tốt không chưa đủ, ở Việt Nam, người tiên phong chưa chắc đã thành công, vì không phải bao giờ hành lang pháp lý cũng ủng hộ người tiên phong. Luật pháp luôn đi chậm hơn so với nền kinh tế. Nếu giải bài toán xã hội cần thì phạm pháp, nếu chờ tới luật pháp cho phép thì mất đi cơ hội.

2012 chưa có mấy nhà có giấy phép cổng thanh toán Online? Nếu tự đứng ra làm thì luật pháp không cho phép, vậy ngồi chờ hay bắt tay vào làm ngay?

Ngành Internet là giải quyết những điều xã hội cần một cách nhanh nhất, rẻ nhất. Đâu phải có Uber mới có taxi, vấn đề là ngày xưa taxi không giải quyết được nhu cầu cho người đặt xe và người lái biết tất cả về nhau. Uber sinh ra là một cuộc cách mạng trong ngành vận tải cá nhân, dù cuối cùng họ không sở hữu cái xe nào. Tất cả những gì họ có chỉ là một cái app tích hợp tất cả mọi công nghệ vào trong đó.

Năm 2014, khi lập sàn thương mại điện tử Deca.vn chuyên về sản phẩm "Mẹ và Bé", tôi nhắm đến lực lượng mua hàng chủ yếu là phụ nữ. Người phụ nữ có thể rất keo kiệt với chồng nhưng rất hào phóng với con, đặc biệt khi con còn nhỏ. 

Đi vào nhu cầu thiết yếu nhất của đứa con là ăn và vệ sinh, tôi đẩy mạnh bỉm với sữa. Sau đó là đồ chơi, đồ dùng cho gia đình, thời trang cho em bé…Tuy nhiên sàn thương mại điện tử này đã thất bại dù đang phát triển tốt vì sau khi Alibaba bỏ 1 tỷ USD mua Lazada, những nhà đầu tư khác không còn nhìn thấy cơ hội đấu với “gã khổng lồ” Alibaba nữa. Họ đã rút tiền không đầu tư nữa.

Điều gì giúp ông giữ được lòng đam mê với thương mại điện tử, để không bị cuốn đi bởi những cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn?

Chuyên gia Lê Thiết Bảo: Nếu nói không bị mọi thứ cuốn đi thì không đúng đâu, cái khiến cho tôi biết dừng lại chính là làm gì cũng phải đam mê. Không mê việc mình làm thì khó lắm. Như lấy vợ mà không yêu, giống như khi ngủ vẫn để trái banh tennis dưới lưng mình vậy. Ngủ vẫn ngủ được nhưng tỉnh dậy đau ê ẩm hết cả người. 

Đã không đam mê với việc mình làm thì còn không chạm được vào những tư duy sâu sắc dành cho nó, chứ nói gì tới thành công.

Sự lựa chọn, thất bại hay thành công đều là trải nghiệm. Tôi là người tôn thờ quy luật 80-20, giải quyết được 20% nhu cầu sẽ có 80% lợi nhuận, Deca.vn thất bại nhưng bài học từ đó rất quý giá, dẫn tôi tới công việc thứ hai tâm đắc bây giờ.

Một kỹ sư đào tạo bài bản đầu tiên phải luôn cải tiến để mọi thứ tốt hơn, không được phép dẫm chân tại chỗ, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Bản thân con người mình cũng phải luôn tiến bộ. Mình luôn sống với tâm thế: Hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua.

Xin cảm ơn ông!