Đà Nẵng cần tầm nhìn 100 năm nếu không muốn đánh mất cơ hội lịch sử

Trần Sĩ Chương* - 11:00, 09/03/2018

TheLEADERThực tế hôm nay cho thấy tấm áo quy hoạch của Đà Nẵng bắt đầu có những dấu vết rạn nứt.

Đà Nẵng đang được công nhận là vùng “đất lành” – từ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hạ tầng thuận lợi, đến văn hóa con người Quảng - Đà khí khái, thẳng thắn và đã có sẵn truyền thống văn hóa kết nối làm ăn với bạn hữu quốc tế hàng trăm năm.

So với Hongkong và Singapore – hai nơi đứng đầu bảng chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm nay – thì Đà Nẵng có vị thế khả dĩ trở thành một thành phố quốc tế, một “Global City” như hai thành phố vừa nói, cũng như thật sự không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về địa lý kinh tế.

Dĩ nhiên là có nhiều điều kiện CẦN để được vậy, nhưng có một điều kiện CẦN ưu tiên tuyệt đối hiện nay là Đà Nẵng phải có một quy hoạch chuẩn quốc tế 100 năm cho cơ sở hạ tầng phần cứng lẫn phần mềm.

Quy hoạch có tầm nhìn giới hạn 5-10 năm, hay thậm chí 20-30 năm sẽ dễ bị rơi vào tình trạng chắp vá, khi mức độ tăng trưởng vượt nhanh hơn tầm nhìn.

Đà Nẵng cần tầm nhìn 100 năm nếu không muốn đánh mất cơ hội lịch sử
Tầm nhìn giới hạn sẽ dẫn đến đô thị phát triển chắp vá

Nhìn vào Đà Nẵng hôm nay, chúng ta có thể nhớ lại chỉ cách đây ba năm thôi, khi nhìn những đường xá thênh thang có người cho rằng thành phố đã phí phạm, xây những con đường quá lớn ở những chỗ hoang vắng. Và không ít người nghĩ rằng hạ tầng cơ sở, an sinh văn hóa xã hội như vậy là đã đủ cho 10-20 năm tới.

Nhưng thực tế hôm nay cho thấy tấm áo quy hoạch của thành phố bắt đầu có những dấu vết rạn nứt.

Nếu không sớm có một tầm nhìn xa hơn và làm bài toán đếm ngược cụ thể để đặt nền móng cho một sự phát triển bền vững, chỉ trong vòng vài năm tới chúng ta sẽ đánh mất cơ hội lịch sử.

Đó là xây dựng Đà Nẵng đáng sống của Việt Nam trở thành một thành phố toàn cầu văn minh hơn từ thành thị đến thôn quê, có không gian sống hài hoà, có nề nếp trật tự để tạo ra một nội lực lớn, đa dạng, đa năng, không những cho địa phương mà còn là một động lực và đầu tàu cho sự phát triển của khu vực miền Trung và cả nước.

Đà Nẵng còn có một tiềm lực rất đáng kể mà nếu có thể kết hợp được thì sẽ tạo ra một lực cộng hưởng rất lớn, đó là sự kết nối kinh tế chặt chẽ với Quảng Nam. Đây là một sự tương tác hợp lý giữa hai địa phương tuy cùng có những giá trị nhân văn nhưng lại khác biệt về tiềm năng. Đà Nẵng có nhiều lợi thế mà Quảng Nam không có và ngược lại.

Một trong những điểm yếu của Đà Nẵng mà các doanh nghiệp thường ta thán là nguồn nhân lực không đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu của các đối tác, các nhà đầu tư đến từ bên ngoài. Thế nên đây là một cơ hội để Đà Nẵng cùng các đối tác hợp tác xây dựng cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng cụ thể cho những yêu cầu mới mà các phương tiện đào tạo truyền thống không đáp ứng được.

Trọng tâm của chiến lược phát triển thế lực mềm của Đà Nẵng phải là: con người, con người và con người.

Các nhà đầu tư đến với Đà Nẵng phải có kế hoạch hợp tác với thành phố để giải quyết vấn đề nhân sự cấp trung và cấp cao.

Thành phố phải tạo nên những điều kiện ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư đào tạo và sử dụng nhân sự địa phương để về lâu dài Đà Nẵng có một tài sản nhân lực chất lượng cao.

Nhân sự chất lượng cao sẽ là lực hút các doanh nghiệp đầu tư chất lượng cao, tạo nên một lực cộng hưởng lớn cho các chính sách phát triển khác, làm cho Đà Nẵng trở thành một đất ngày càng “lành” hơn.

Trồng ngưởi là một chiến lược trăm năm không thể thiếu cho một Đà Nẵng “đô thị toàn cầu”.

Doanh nhân Đà Nẵng cũng cần phải có tư duy của một doanh nhân toàn cầu, nghĩa là phải phấn đấu đặt mục tiêu cung ứng những sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn của thế giới cho bất cứ ai ở bất cứ đâu, và điều gì mình cần đều có thể tìm được từ mọi nơi trên thế giới.

Vậy thì, điều gì Sài Gòn, Hà Nội có, Đà Nẵng cũng có thể có; điều gì Singapore, Bangkok, Hongkong có mà Đà Nẵng chưa có, thì Đà Nẵng cũng có thể có được bằng cách đi mua, đi thuê – từ con người đến tất cả các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác.

Có được tư duy toàn cầu như vậy thì các doanh nghiệp địa phương mới có thể trở thành những đối tác xứng tầm với các nhà đầu tư nước ngoài và những hợp tác này mới có giá trị gia tăng cao hơn cho các bên liên quan.

*Ông Trần Sĩ Chương hiện là Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư TranInvest (BVI, Singapore) và nguyên là chuyên gia kinh tế và các chính sách phát triển thành phần kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Trước đây ông đã từng là chuyên viên cố vấn về chính sách kinh tế và ngân hàng cho Quốc hội Hoa Kỳ và một số định chế tài chính quốc tế như World Bank, JBIC, USAID.

Bài viết được chuẩn bị cho Toạ đàm mùa Xuân 2018 giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức ngày 8/3/2018.