2 sáng kiến giảm thiểu rác thải tại TP.HCM nhận hỗ trợ từ WasteAid

13:40, 23/10/2021

TheLEADERỨng dụng thu gom rác VECA và sáng kiến không phát thải trong khuôn viên trường của Đại học Kinh tế TP.HCM là 2 dự án đạt giải nhất cuộc thi Thành phố không rác thải.

VECA là ứng dụng được phát triển trên nền tảng Android và iOS, với chức năng kết nối người dân với các đại lý thu gom phế liệu, trên nguyên tắc chủ động và minh bạch về giá cả.

Với sáng kiến sử dụng nền tảng số cho việc thu mua phế liệu vốn đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam, không chỉ giúp tăng tỷ lệ rác thải được thu gom, VECA còn hướng tới tạo ra một cuộc cách mạng để hợp thức hóa hoạt động của những người đồng nát, ve chai, hay còn gọi là lực lượng thu gom rác thải phi chính thức.

2 sáng kiến giảm thiểu rác thải tại TP.HCM nhận hỗ trợ từ WasteAid
Ứng dụng VECA - Ve chai công nghệ giúp kết nối người mua và người bán phế liệu.

Sáng kiến của Đại học Kinh tế TP.HCM tập trung vào việc ứng dụng giải pháp 3R, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng tới mục tiêu khuôn viên trường học không rác thải. Thực hiện chiến dịch này, Đại học Kinh tế TP.HCM kỳ vọng có thể tạo ra được mô hình đạt chuẩn để nhân rộng tới các trường đại học trong phạm vi cả nước.

2 sáng kiến giảm thiểu rác thải tại TP.HCM nhận hỗ trợ từ WasteAid 1
Đại học Kinh tế TP.HCM triển khai chương trình trường học không rác.

Đây cũng là 2 dự án đạt giải nhất trong cuộc thi Thành phố không rác thải của tổ chức WasteAid, qua đó nhận được khoản hỗ trợ trị giá 10.000 euro và 6 tháng cố vấn kinh doanh. Cuộc thi này thuộc khuôn khổ sáng kiến Mạng lưới kinh tế tuần hoàn do WasteAid tổ chức, dưới sự tài trợ của tập đoàn bao bì hàng đầu thế giới Huhtamaki.

Trước đó, 12 dự án đã được chọn vào vòng bán kết của cuộc thi tại TP.HCM và được hỗ trợ tham gia chương trình tư vấn kinh doanh miễn phí kéo dài 8 tuần với quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley (VSV).

Nói về 2 dự án đạt giải nhất, bà Trâm Nguyễn, Giám đốc dự án WasteAid Việt Nam nhận xét, cả 2 sáng kiến đều đưa ra những giải pháp đảm bảo vật liệu tồn tại lâu nhất trong chuỗi giá trị, tạo ra lợi ích cho xã hội thay vì bị lãng phí, bị vứt bỏ và xử lý không đúng cách.

Theo bà Trâm, TP.HCM là thành phố đông dân và có nền kinh tế phát triển dẫn đầu cả nước, do đó lượng rác thải phát sinh tại đây cũng ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ tái chế chỉ đạt khoảng 14%.

Việc giảm thiểu rác thải, giữ gìn tài nguyên trong chuỗi giá trị không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra những cơ hội mới về việc làm, cải thiện điều kiện sống của người dân tại thành phố.

Ông Sam Wood, Phó tổng lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM, một thành viên ban giám khảo cuộc thi cũng đánh giá cao 2 dự án đạt giải nhất cũng như các dự án tham gia cuộc thi.

Theo ông Wood, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới đang hướng đến Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), cuộc thi và các dự án tham gia đã làm rõ tiềm năng của nguồn tài nguyên bị lãng phí, từ đó cung cấp hỗ trợ, đầu tư cần thiết để mở rộng các sáng kiến ngay tại địa phương.

Không chỉ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm tại địa phương, các dự án này cũng sẽ đóng góp tích cực vào công tác thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Việt Nam cũng như toàn thế giới.

Hiện tại, 2 dự án đạt giải tiếp tục nhận được hỗ trợ về tư vấn kinh doanh, với mục tiêu thể hiện hiệu quả rõ rệt trong tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rác thải tại TP.HCM vào tháng 4/2022.