3 chữ C để nữ doanh nhân thành công

Quỳnh Chi - 15:35, 28/04/2022

TheLEADERSự khác biệt và cũng là lợi thế lớn nhất của phụ nữ, theo Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, là nằm ở sức bền. Phụ nữ có thể không bật được cao như đàn ông nhưng lại có sự bền bỉ và tính kiên trì trong việc trau dồi bản thân và theo đuổi mục tiêu.

3 chữ C để nữ doanh nhân thành công
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam

Trên hành trình gần 40 năm gắn với một ngành nghề đặc thù (kiểm toán) và gần 30 năm ở vị trí lãnh đạo cấp cao của công ty, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam không chỉ mang theo mình 3 chữ C để thành công, không chỉ duy trì sự bền bỉ qua năm năm tháng, mà còn chia sẻ những giá trị này và coi đó là một cầu nối để dẫn dắt những thế hệ của Deloitte Việt Nam trong việc kiến tạo những giá trị ảnh hưởng cho khách hàng và cộng đồng.

Chia sẻ với các nữ doanh nhân tại sự kiện “Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân – nỗ lực để thành công” đồng tổ chức bởi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, bà Thanh cho biết, nguyên tắc 3 chữ C để đạt tới thành công bao gồm: Connection – sự liên kết, Commitment – cam kết, Capability – năng lực.

Cụ thể, sự liên kết, kết nối với các tổ chức quốc tế và trong nước là cần thiết để có một bức tranh tổng thể về định hướng tương lai với niềm tin và hứng khởi đặc biệt. Sự cam kết là khi kiên định với mục tiêu và những gì đã chọn. Chữ C cuối cùng được bà Thanh nhắc tới là khả năng trau dồi kỹ năng và kiến thức của bản thân để có thể tự tin bước ra thương trường.

Hướng về các nữ doanh nhân, bà Thanh nhận định, nữ giới có sức bền hơn nam giới, sự kiên trì để tạo ra các sản phẩm, các giá trị cho cộng đồng.

“Đối với nữ doanh nhân, tôi cho rằng sự khác biệt và cũng là lợi thế lớn nhất là ở sức bền thay vì sức bật. Phụ nữ có thể không bật được cao như đàn ông nhưng lại có sức bền, sự bền bỉ và tính kiên trì trau dồi bản thân và theo đuổi mục tiêu”, lãnh đạo Deloitte nói.

Giới tính không quyết định nghề nghiệp

Bà Thanh cho rằng các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa đa dạng và hòa nhập, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, ban hành chính sách làm việc linh hoạt để tạo một môi trường làm việc công bằng, hạnh phúc, giúp tất các thành viên trong tổ chức có thể cân bằng cuộc sống, công việc và gia đình.

“Trong công việc thông thường hay khi đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, nam giới và nữ giới được đặt ngang bằng và không hề có sự phân biệt. Không có một nghề nào được thiết kế riêng cho nữ hay cho nam. Khi chúng ta đặt câu hỏi nghề nào cho nữ, nghề nào cho nam thì vô hình chung, chúng ta đã có một định kiến về sự bất bình đẳng giới”.

Đó cũng là nhận định của "người đàn bà thép" ngành kiểm toán Việt Nam, cũng đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ - một nữ doanh nhân hoạt động mạnh mẽ thúc đẩy các vấn đề về bình đẳng giới trong môi trường doanh nghiệp.

Trong gần 40 năm gắn bó với nghề kiểm toán – một công việc được nhận định là dành cho phụ nữ, bà đã chứng kiến những nghịch lý bất ngờ. Khi mới vào nghề, có khoảng 70% nữ nhân viên, 30% là nam. Nhưng theo thời gian, ở các vị trí lãnh đạo cấp cao hơn, con số này dần thay đổi với khoảng 70-80% là nam giới, trong khi đó, con số ở nữ giới lại vô cùng khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 20-30%. 

3 chữ C để thành công của Chủ tịch Deloitte Việt Nam 1
Bà Hà Thu Thanh chia sẻ với các nữ doanh nhân tại sự kiện “Truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân – nỗ lực để thành công”

Theo bà Thanh, một xã hội bình đẳng và một cơ hội bình đẳng là khi đứng trước một cơ hội nghề nghiệp, dù là nam giới hay nữ giới, ai có niềm đam mê tốt hơn thì người đó có thể nắm bắt được cơ hội và có khả năng phát triển hơn, điều này nam nữ bằng nhau và không hề có sự phân biệt.

“Nghề thành công dành cho những lãnh đạo làm việc hết mình, chơi cũng rất tận tình để tạo ra nhiều giá trị cho mình,” bà Thanh nhấn mạnh. “Khi chúng ta làm kinh doanh và là những nữ doanh nhân, điều quan trọng là cần làm gì để các đối tác của chúng ta không nhìn chúng ta là phụ nữ mà là một lãnh đạo, một đối tác tin cậy”.

Theo Chủ tịch Deloitte Việt Nam, rào cản lớn nhất không thực hiện được bình đẳng giới tại Việt Nam chính là định kiến mà định kiến lại từ chính phụ nữ mà ra. Khi nhắc đến nữ giới, chúng ta thường nghĩ đến vai trò làm vợ, làm mẹ. Phụ nữ thường bị tác động quá mạnh bởi những định kiến xã hội, khó vượt qua được những rào cản văn hóa vùng miền, gia đình nên vô hình trung cản trở sự phát triển của mình chứ không ai khác.

“Chúng ta cần dỡ bỏ rào cản đó cho nhân viên nữ, người trẻ và nhân viên nữ cấp trung”, Chủ tịch Deloitte nhận định.

Bà Thanh khẳng định, để có thể trở thành một người phụ nữ thành công và tiến tới những vị trí cao hơn, người phụ nữ cần có sự tự tin vào khả năng làm được mọi việc như đàn ông và tự mình bước qua định kiến.