Khơi dậy nguồn lực từ các nữ lãnh đạo doanh nghiệp

Đặng Hoa - 09:01, 24/08/2021

TheLEADERViệc đầu tư qua lăng kính giới không chỉ giúp thúc đẩy những thay đổi ý nghĩa trong xã hội mà còn đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư.

Khơi dậy nguồn lực từ các nữ lãnh đạo doanh nghiệp
Đầu tư qua lăng kính giới mang lại nhiều tác động tích cực cho xã hội.

Hiểu đúng về đầu tư qua lăng kính giới

Đầu tư qua lăng kính giới là một khái niệm khá mới nhưng cũng dễ bị hiểu lầm một cách phiến diện. Đầu tư qua lăng kính giới đề cập đến các yếu tố liên quan đến bình đẳng giới trong phân tích và đưa ra quyết định đầu tư.

Đó là việc đầu tư vào doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng sáng lập hoặc nằm trong ban lãnh đạo; đầu tư vào các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm và giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ hoặc gián tiếp tạo ra sinh kế cho phụ nữ; thúc đẩy sự ra đời các nhà đầu tư nữ và đầu tư vào phụ nữ nhiều hơn…

Teja Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong và kiên trì với triết lý đầu tư qua lăng kính giới tại châu Á, đã ứng dụng ba góc nhìn chính khi lựa chọn doanh nghiệp để rót vốn. 

Một là startup có ít nhất một thành viên sáng lập là nữ. Hai là có sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho hoặc tạo thuận lợi cho phụ nữ. Ba là tạo tác động tích cực cho phụ nữ trong hệ sinh thái. Trong đó, phụ nữ có thể đóng vai trò là khách hàng, người lao động, hoặc nhà phân phối.

Với cách tiếp cận này, phụ nữ không chỉ là người hưởng lợi, mà còn là đối tượng tạo ra thay đổi.

Bà Virginia Tan, đối tác đầu tư sáng lập của Teja Ventures cho biết, song song với những tác động tích cực, đầu tư có tính đến yếu tố giới vẫn còn những định kiến trong nhận thức về cách tiếp cận.

“Có ý kiến cho rằng đây chỉ là một bộ phận của đầu tư tạo tác động, hay đầu tư xã hội. Lại có những hiểu nhầm rằng cách tiếp cận này chỉ tập trung đầu tư vào nhà sáng lập nữ hoặc CEO, hay đầu tư qua lăng kính giới giống như làm từ thiện mà không đi kèm lợi nhuận,” bà Virginia Tan chia sẻ tại sự kiện khai mạc trực tuyến “Hội nghị nhà đầu tư xuyên biên giới Beyond 2021”.

Khơi dậy nguồn lực từ nữ giới để phục hồi và phát triển kinh tế
Bà Virginia Tan, đối tác đầu tư sáng lập của Teja Ventures

Trong khi đó, chiến lược đầu tư qua lăng kính giới giúp giảm bớt những vấn đề về bất bình đẳng giới đồng thời tăng cường cơ hội tiếp cận vốn cho các nữ doanh nhân trong thị trường mà nam giới đang chiếm phần lớn.

Việc đầu tư vào các doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ không chỉ giúp thúc đẩy những thay đổi ý nghĩa trong xã hội mà còn đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư.

Theo bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đồng sáng lập KisStartup, nhiều người hiểu nhầm đầu tư qua lăng kính giới là một mô hình đầu tư mới, nhưng trên thực tế, đây là một chiến lược đầu tư tạo tác động để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Đã đến lúc đẩy mạnh đầu tư qua lăng kính giới

Ở Việt Nam, phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động. Tinh thần doanh chủ của phụ nữ Việt cũng được đánh giá là tương đối cao, có thể thấy được điều này từ hình ảnh của những gánh hàng rong cho đến những người phụ nữ tiên phong trong nền kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp vẫn nằm ở con số khiêm tốn. Mặc dù chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020, tuy nhiên theo một báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, con số thực tế vào năm 2019 chỉ mới dừng lại ở 24%.

Lãnh đạo KisStartup nhìn nhận, đầu tư qua lăng kính giới thời điểm này là một thời điểm rất phù hợp nhằm mục tiêu thúc đẩy phục hồi kinh tế sau khủng hoảng do đại dịch gây nên. Chiến lược đầu tư này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách về giới mà còn khơi dậy nguồn lực đầy tiềm năng từ nữ giới để phát triển nền kinh tế.

Một báo cáo của Goldman Sachs năm 2020 đã chỉ ra, hoạt động của các quỹ đầu tư do nữ giới lãnh đạo thể hiện sự vượt trội so với các quỹ do nam giới quản lý. Thậm chí sau khi điều chỉnh vấn đề rủi ro, các quỹ do nữ giới quản lý cũng đang hoạt động tốt hơn so với "phái mạnh". Nhiều nghiên cứu của các tổ chức quốc tế khác cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa vai trò của phụ nữ trong ban lãnh đạo cấp cao với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đầu tư qua lăng kính giới vẫn đang gặp rất nhiều thách thức. Một số định kiến thường gặp khác từ nhà đầu tư là phân biệt đối xử công khai về giới tính, mạng lưới hợp tác khép kín giữa các nhà đầu tư nam và lấy hành vi của nam giới làm tiêu chuẩn.

Trong các buổi thuyết trình gọi vốn, các nhà đầu tư là nam giới thường dành cho các nhà sáng lập nam những câu hỏi về triển vọng tích cực trong tương lai, trong khi đó, nhà sáng lập là nữ giới lại phải trả lời những câu hỏi về những rủi ro hoặc những điểm tiêu cực của mô hình kinh doanh.

Do đó, cần các hỗ trợ mềm cho nữ giới để họ tự tin hơn vào việc mình đang làm và phát triển tốt hơn.

Khơi dậy nguồn lực từ nữ giới để phục hồi và phát triển kinh tế 1
Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đồng sáng lập KisStartup

Một thách thức khác đến từ khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp do nữ làm chủ còn rất thấp. Bà Minh cho biết, những doanh nghiệp có nữ làm chủ hiện chỉ mới tiếp cận được khoảng 5% trong tổng số vốn vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Trong khi đó, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng các doanh nghiệp SME - vốn được xem là xương sống của nền kinh tế. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khác, tạo cơ hội học tập tốt hơn cho trẻ em…

Bà Minh cho rằng, các chính sách cũng cần được đưa vào thực tế với những hành động cụ thể để các doanh nghiệp do nữ làm chủ có thể tiếp cận được quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng.

Bên cạnh đó, theo Pitchbook, tỷ lệ vốn đầu tư được rót cho các doanh nghiệp do phái nữ lãnh đạo chỉ ở mức 2,3% tại Mỹ và 2,2% ở châu Âu. Mặc dù vậy, một báo cáo gần đây do Pichbook và Techleap đồng phát hành đã chỉ ra rằng, dòng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào các startup có nhà sáng lập hoặc đồng sáng lập là nữ ghi nhận xu hướng tăng trong những năm trở lại đây.

Đặc biệt, Indonesia, Philippines và Việt Nam chiếm tới 80% trong tổng số các thương vụ đầu tư qua lăng kính giới trong khu vực Đông Nam Á. Trong số đó, báo cáo do Investing In Women và Value For Women thực hiện vào tháng 3/2021cho thấy, có tới 85% là nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần.

Theo đồng sáng lập KisStartup, bản thân các nhà đầu tư ở khu vực và thế giới rất quan tâm tới những cơ hội về mảng này tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, họ chưa biết phải kết nối như thế nào và phối hợp ra sao.

Chiến lược của nhà đầu tư tạo tác động xuyên biên giới

Trong khi các nhà đầu tư cho rằng việc tìm kiếm các startup tiềm năng để đầu tư qua lăng kính giới khá khó khăn, bà Vicki Saunders, nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SheEO cho rằng, lý do nằm ở thói quen của các nhà đầu tư trong việc giữ bản thân trong một “bong bóng”, chỉ nói chuyện, làm việc với các mối quan hệ thân quen.

“Đổi mới sáng tạo sinh ra ở những vùng ngoại vi”, bà Vicki Saunders, người có bề dày kinh nghiệm vận hành các doanh nghiệp khởi nghiệp tại châu Âu và Silicon Valley khuyến khích các nhà đầu tư “phá vỡ bong bóng” và tìm kiếm những góc nhìn khác biệt ở những thị trường còn nhiều tiềm năng.

Khơi dậy nguồn lực từ nữ giới để phục hồi và phát triển kinh tế 2
Bà Vicki Saunders, nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SheEO

Chẳng hạn, trong danh mục đầu tư của bà Brigitte Baumann, nhà sáng lập Efino và GoBeyond Early Stage Investing, có 70% dự án nằm ở quốc gia bên ngoài nơi bà sinh sống.

Đầu tư nghĩa là tạo ra những kết nối. Từ kết nối giữa những cá nhân dần trở thành kết nối những mạng lưới nhà đầu tư thiên thần. Họ trao đổi thường xuyên về những thương vụ tiềm năng xuyên biên giới.

Đầu tư xuyên biên giới mở ra những cơ hội rất lớn cho danh mục đầu tư. Bà Virginia Tan đã làm việc với các đối tác ở nhiều hệ sinh thái khác nhau từ sáu châu lục, với những quỹ đầu tư lớn như Sequoia, Temasek, Tim Draper hay Google, Amazon. 

Cuộc thi khởi nghiệp toàn cầu She Loves Tech do Virginia sáng lập hoạt động trên 50 quốc gia gồm hơn 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp với tổng số vốn kêu gọi thành công vượt trên 250 triệu USD sau cuộc thi.

Sáng lập quỹ Teja Ventures cũng chia sẻ về ý định đầu từ vào các thị trường đang nổi tại Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia.

“Đông Nam Á đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ đang trong thời kỳ dân số vàng và trong khoảng 10 năm kế tiếp tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy sự phát triển. Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ là những đầu tàu của khu vực kinh tế lớn thứ tư thế giới này”, bà Virginia bày tỏ.

Bình luận về xu hướng đầu tư theo nhóm tại thị trường Việt Nam, bà Minh nhận định: “Xu hướng chia sẻ rủi ro ở các nhà đầu tư Việt Nam còn khá hạn chế. Thực tế một số nhóm đầu tư cũng chưa sống sót được lâu. Mô hình đầu tư nhóm có nhà đầu tư dẫn đầu cũng hiếm gặp trong hệ sinh thái đầu tư ở Việt Nam”.

Việc đầu tư theo nhóm ở Việt Nam cũng còn khá nhỏ lẻ và chưa có tinh thần chia sẻ rủi ro cũng như tinh thần sẵn sàng học hỏi từ các nhà đầu tư đối tác và trong quá trình thực hiện đầu tư.

Mặt khác, khi đầu tư nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường châu Á, họ thường gặp phải rào cản về quy trình pháp lý. Cách tốt nhất là hợp tác với các nhà đầu tư địa phương sẽ giúp phần nào tháo gỡ được vướng mắc này.

Khơi dậy nguồn lực từ nữ giới để phục hồi và phát triển kinh tế 3
Bà Brigitte Baumann, nhà sáng lập Efino và GoBeyond Early Stage Investing

Là nhà đầu tư đạt giải thưởng và có tầm ảnh hưởng trong giới đầu tư mạo hiểm giai đoạn sớm ở châu Âu, bà Brigitte Baumann đã chọn tham gia những nhóm đầu tư thiên thần và những thương vụ đầu tư tạo tác động khi bắt đầu sự nghiệp đầu tư. 

Thông qua việc ra quyết định theo nhóm, các nhà đầu tư thiên thần sẽ cùng nhau học hỏi và “học qua thực hành”.

Kinh nghiệm được nhà đầu tư này chia sẻ khi đầu tư xuyên biên giới là phải cân nhắc kỹ càng, thấu hiểu văn hoá cũng như tình hình địa chính trị để nắm bắt được những rủi ro, tìm hiểu rõ về nhà sáng lập dự án và đặc biệt là nhà đầu tư địa phương sẽ làm việc cùng để đảm bảo việc hợp tác hiệu quả…

Tạo tác động là chìa khóa cho cánh cửa đầu tư

Nhà đầu tư hiện nay không chỉ đơn thuần xem xét lợi nhuận mà còn cân nhắc về những tác động của mô hình kinh doanh, tới môi trường hay giải quyết các vấn đề xã hội.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới nơi những khủng hoảng xảy ra cùng lúc, từ đại dịch, cho đến biến đổi khí hậu,” bà Vicki Saunders dẫn chứng.

Bởi vậy, nguồn vốn của các nhà đầu tư cần đạt được ý nghĩa cao nhất, hiệu quả một cách tốt nhất. Một trong những hướng đi là đầu tư vào doanh nghiệp thực sự giải được bài toán, những thách thức mà xã hội đang phải đối mặt.

“Nhìn từ lăng kính giới, có thể thấy phụ nữ đặc biệt quan tâm vào đối tượng mà họ đầu tư thực sự tạo ra tác động và góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng”, bà Vicki Saunders nhận định.

Xu hướng đó đang thâm nhập mạnh mẽ vào thế giới đầu tư. Đi ngược lại xu hướng này đồng nghĩa nhà đầu tư đánh mất lợi thế cạnh tranh bằng cách tận dụng tài nguyên từ doanh nghiệp và giới thiệu doanh nghiệp này tới toàn hệ sinh thái.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng giá trị của những thương vụ đầu tư tạo tác động có thể lên tới 26 nghìn tỷ USD. Ngay cả những quỹ đầu tư lớn cũng chạy đua để tìm “miếng bánh tạo tác động” của tương lai.

Khi mà đầu tư tạo tác động đang dần định hình thành một xu hướng chủ đạo, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ động lực về thương mại, bên cạnh những tác động xã hội tích cực và bền vững. “Bởi sau đại dịch Covid, chúng ta buộc phải sống bền vững hơn và có trách nhiệm với xã hội hơn”, bà Vicki Saunders nói. 

Diễn ra từ 8 - 10/9/2021, "Beyond 2021: Đầu tư xuyên biên giới và đổi mới sáng tạo" là chương trình đào tạo nhà đầu tư thiên thần đầu tiên về cách tiếp cận đầu tư qua lăng kính giới (Gender lens investing - GLI), tập trung tại Việt Nam, Indonesia, Philippines, Pakistan.

Chương trình được bảo trợ bởi sáng kiến chương trình ươm tạo Frontiers Lab Asia và được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc, có mục tiêu đa dạng hóa danh mục và tăng hiệu quả đầu tư xuyên biên giới của nhà đầu tư thiên thần tại Đông Nam Á.

Thông tin chi tiết theo dõi tại: https://frontierslab.asia/solutions/cross-border-investing