4 điểm yếu của du lịch Việt

Quỳnh Chi - 08:56, 26/01/2021

TheLEADERNhững hạn chế về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và công tác xúc tiến du lịch vẫn là những yếu tố kìm chân trên con đường phát triển của du lịch Việt Nam.

4 điểm yếu của du lịch Việt
Cầu Vàng (Đà Nẵng)

Năm 2020 đầy biến động với sự bùng phát và diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh người dân hạn chế đi lại, đặc biệt là trong những ngày giãn cách xã hội. 

Sau khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam, các doanh nghiệp và hiệp hội đã không ngừng nỗ lực họp bàn và đưa ra các phương án để "cứu" ngành du lịch, nổi bật trong đó là các phương án kích cầu du lịch nội địa. 

Tuy nhiên, xét về lâu dài, những người làm du lịch Việt Nam cần có một cái nhìn dài hạn hơn. Khi các doanh nghiệp và tổ chức đang "tìm cơ trong nguy", coi thời điểm đại dịch là lúc để lắng lại, nhìn lại những điểm yếu của bản thân và tìm phương án khắc phục cũng như nâng cấp chính mình. 

Với ngành du lịch Việt, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định, hiện có bốn hạn chế lớn nhất liên quan đến cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch.

Thứ nhất, ông Hà cho rằng, mặc dù được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách phát triển du lịch của Việt Nam chưa cởi mở và thông thoáng. Chính sách miễn visa cho du khách quốc tế vào Việt Nam là một ví dụ điển hình. 

"Chúng ta cần nhìn sang các nước hàng xóm có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore để mạnh dạn mở tung cánh cửa chào đón du khách vào Việt Nam", ông Hà nói. 

Bên cạnh đó, doanh nhân này cho rằng những chính sách cục bộ, ngăn sông cấm chợ, thiếu khuyến khích phát triển du lịch cần được gỡ bỏ càng sớm càng tốt, chẳng hạn như quy định không cho phép tàu Hải Phòng đón khách ở Hạ Long hay đưa khách sang thăm quan vịnh Hạ Long.

Hạn chế thứ hai về nguồn nhân lực. Việt Nam thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. 

Nhân sự trong nhiều khách sạn, nhà hàng và khu du lịch, đặc biệt là ở những khu vực xa thành phố lớn vẫn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng kém, chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi cho khách du lịch hạng sang. 

Đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp còn thiếu và chuyên môn yếu, đặc biệt là hướng dẫn viên nói được các ngoại ngữ hiếm như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp,... 

"Chúng ta cần chú trọng đào tạo không chỉ kiến thức chung, mà còn đào tạo theo chuẩn năng lực gồm thái độ, hiểu biết và các kỹ năng làm việc", ông Hà nói. 

4 điểm yếu của du lịch Việt
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Theo đó, phát triển du lịch phải song song với đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Muốn phục vụ được khách 4 - 5 sao thì phải có nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn này. 

Công tác đào tạo cần được thực hiện một cách bài bản ngay từ trong trường, gắn với thực tiễn công việc để khi ra trường, sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu làm việc tại các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn mà không phải đào tạo lại.

Hạn chế lớn nữa là về sản phẩm du lịch. Chủ tịch Lux Group chỉ ra, hiện du lịch Việt đang thừa các sản phẩm giống nhau, nhưng thiếu các sản phẩm độc đáo. Khách du lịch hạng sang không những cần những sản phẩm cao cấp đáp ứng cao nhất những nhu cầu và mong muốn của họ, mà còn cần những trải nghiệm, những sản phẩm không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. 

Ví dụ, du khách có thể dễ dàng mua vé lên tàu đi thăm Vịnh Hạ Long theo các chương trình được phổ biến trên rất nhiều phương tiện truyền thông và được cung cấp bới bất cứ công ty du lịch nào. Tuy nhiên, để có những trải nghiệm trên du thuyền Heritage Cruises sang trọng tiêu chuẩn quốc tế 5 sao nhưng thuần phong cách Việt, lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và lịch sử Việt Nam thì không dễ mà có được.

Ngoài ra, du lịch Việt cũng thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí cả về số lượng và tính hấp dẫn ở các địa điểm du lịch và các khu nghỉ dưỡng. Nhiều du khách nước ngoài, hay còn gọi là khách Tây cho biết, họ thường đi cùng với bạn bè vào ban đêm uống vài ly bia, đi dạo loanh quanh rồi về khách sạn ngủ. 

Khách du lịch, đặc biệt là khách hạng sang, không có chỗ chơi hay nơi để tiêu tiền, nên thay vì chọn đến Việt Nam hay quay lại Việt Nam, thì họ thường có xu hướng lựa chọn Thái Lan, Indonesia hay các điểm đến khác có nhiều tổ hợp giải trí về đêm kết hợp với nghỉ dưỡng.

Cuối cùng là hạn chế về xúc tiến du lịch. Các hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia, cấp tỉnh/ thành phố chưa bài bản, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng, chưa có chiến lược lâu dài mang tính bền vững, khiến cho hiệu quả xúc tiến chưa cao. 

Muốn quảng bá những điểm mạnh của Du lịch Việt Nam bao gồm con người, văn hóa, ẩm thực và kỳ quan thiên nhiên thì không chỉ bằng các hoạt động như triểm lãm, roadshow (trình diễn sản phẩm) mà còn cần xúc tiến thông qua các kênh ngoại giao và kinh tế.