5 cụm ngành cần ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 12:54, 22/09/2023

TheLEADERHàng tiêu dùng nhanh và bao bì, dịch vụ logistics, quản lý nước, xử lý chất thải, năng lượng tái tạo là 5 nhóm ngành được chuyên gia đề xuất ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn.

5 cụm ngành cần ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn
Năng lượng là một trong số những lĩnh vực được đề xuất ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh

Ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia tại Đại học Fulbright, nhìn nhận, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn đối với tăng trưởng, do đó cần phải chuyển hướng các động lực tăng trưởng bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn theo hướng dàn trải, phản ứng thụ động sẽ không đem lại hiệu quả cao. Tại diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2023, ông Thành đề xuất chính sách khuyến khích kinh tế tuần hoàn theo cụm ngành, tập trung ưu tiên phát triển 5 cụm ngành để nhanh chóng đạt kết quả.

Thứ nhất, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bao bì, trong đó trọng tâm là các chính sách khuyến khích thúc đẩy công nghiệp tái chế. Theo một chuyên gia ngành tái chế, nếu xây dựng được nền công nghiệp tái chế đạt chuẩn riêng đối với nhựa chứ chưa tính đến những loại vật liệu khác, Việt Nam có thể tiết kiệm 3 – 4 tỷ USD mỗi năm.

Thứ hai, dịch vụ logistics, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển các công nghệ thông minh trong vận hành hệ thống logistics.

Thứ ba, xử lý chất thải, trọng tâm là khuyến khích chuyển đổi các phương thức xử lý cũ như chôn lấp, đốt bỏ sang thu hồi năng lượng.

Thứ tư, quản lý tài nguyên nước. Ông Thành đề xuất áp dụng cơ chế định giá nước với đầy đủ chi phí kinh tế và xã hội thay vì định giá rẻ như hiện nay.

Cuối cùng là năng lượng tái tạo. Vị chuyên gia đề xuất áp dụng cơ chế ưu đãi cao nhất trong thu hút đầu tư cũng như ưu tiên đầu tư công vào phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

Trước đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng xây dựng dự thảo về chính sách thử nghiệm kinh tế tuần hoàn, trong đó đề xuất 4 nhóm ngành ưu tiên thử nghiệm bao gồm nông lâm nghiệp; công nghiệp; vật liệu xây dựng và năng lượng.

Các nhóm ngành này được CIEM đề xuất áp dụng các chính sách thử nghiệm liên quan đến huy động tài chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo lao động, chính sách về đất đai, khu công nghiệp và chính sách phân loại xanh.

Cụ thể, CIEM đề xuất, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm kinh tế tuần hoàn có thể được hỗ trợ chi phí thuê chuyên gia, chi phí đào tạo nghề và quản trị doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận các kênh huy động vốn bền vững, ưu tiên được cấp đất, giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng các dự án.

Việc áp dụng thử nghiệm các ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm mục đích tạo ra cơ chế giúp doanh nghiệp an tâm hơn khi triển khai mà không phải lo lắng đến vấn đề thiếu vốn hay rủi ro tài chính. Đây chính là động lực quan trọng để doanh nghiệp mạnh dạn triển khai các sáng kiến, giải pháp.

Mặt khác, các nhóm ngành ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn cũng được kỳ vọng sẽ có sự chuyển đổi nhanh chóng với nguồn lực phù hợp điều kiện của Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị lan tỏa tới toàn nền kinh tế.

Trên cơ sở ưu tiên triển khai thí điểm kinh tế tuần hoàn, nhiều bài học kinh nghiệm có thể được rút ra, làm cơ sở xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn.