5 nút thắt ngăn bất động sản tăng trưởng

An Chi - 11:27, 09/04/2020

TheLEADERCác giải pháp giúp phục hồi thị trường bất động sản tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện cơ hội tiếp cận vốn tín dụng cho các nhà đầu tư.

5 nút thắt ngăn bất động sản tăng trưởng
Bất động sản cần phát triển để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế

Đại dịch Covid-19 đang làm rối loạn nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, Cushman & Wakefield Vietnam lại cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội tốt để biến lĩnh vực bất động sản trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế bằng cách giải quyết các vấn đề vướng mắc chính cho thị trường. 

Theo đó, bất động sản cần phát triển để thúc đẩy tăng trưởng đất nước và phục hồi viện trợ trong trường hợp suy thoái kinh tế. Sự tăng trưởng này phụ thuộc vào nguồn vốn FDI trong các lĩnh vực công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và cơ sở hạ tầng.

Cushman & Wakefield Vietnam đề xuất Chính phủ tháo gỡ 5 nút thắt đang ngăn chặn sự tăng trưởng của thị trường, nhằm mang lại các cơ hội quan trọng cho các nhà đầu tư vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Minh bạch trong giá chuyển nhượng đất

Để tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, Cushman & Wakefield cho rằng, trước hết Chính phủ cần ưu tiên hàng đầu cho việc chấm dứt bất ổn xung quanh việc xem xét giá chuyển nhượng đất hiện nay.

Quá trình này đã gây cản trở cho sự phát triển, ảnh hưởng đến thị trường thương mại và tạo ra những hạn chế về nguồn cung. Việc xem xét các mức giá dự án đã được trả bởi các nhà phát triển bất động sản cần được đẩy nhanh và đưa ra khung pháp lý rõ ràng để giải quyết.

Những nút thắt về nguồn cung trong những thời điểm nguồn cầu tăng sẽ dẫn đến tăng giá đất, giá mua bán và giá thuê. Do đó, việc ban hành chính sách rõ ràng và khung pháp lý chặt chẽ cho các nhà phát triển bất động sản sẽ giúp giải quyết các vấn đề về cung mà không áp đảo thị trường hay làm thị trường mất ổn định.

Việc xây dựng cơ chế rõ ràng để thẩm định giá trị đất trước kia và hiện tại – mà không dựa vào đấu giá hay đầu cơ công – sẽ là một động thái thận trọng của nhà nước.

Tăng niềm tin qua hợp tác công - tư

Theo Cushman & Wakefield, nhà nước cần tiếp tục phát triển mô hình PPP (hợp tác công – tư) đối với đất do quân đội và nhà nước sở hữu. Mô hình này sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận đất đai phù hợp của nhà đầu tư cho mục đích phát triển và có thể được sử dụng bởi các chủ sở hữu đất để phát triển thêm các cơ sở dựa theo mức đầu tư.

Những vị trí đất này sẽ giúp tăng FDI, đồng thời thu hút các nhà đầu tư và người sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và logistics.

Một đề xuất khác được đưa ra bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đó là phát triển quy trình áp dụng và phê duyệt thiết thực và minh bạch. Quy trình này sẽ đòi hỏi phải chỉ định ba chuyên gia thẩm định độc lập để thẩm định giá trị tài sản của nhà phát triển và nhà đầu tư bất động sản. Việc thẩm định sẽ có tính chất bắt buộc đối với tất cả các bên và được đưa vào quy trình chuyển đổi và định giá giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Một quy trình minh bạch sẽ đem lại niềm tin cho các nhà phát triển và các nhà đầu tư bất động sản để có thể tiếp cận các dự án theo cách thức kịp thời, và các vấn đề về cung sẽ được tháo gỡ. Bên cạnh đó, việc truy cập công khai đối với các tài nguyên này cũng sẽ thúc đẩy sự minh bạch hơn.

Khung pháp lý, quy trình và giá cả rõ ràng hơn

Một nút thắt khác trên thị trường là về quy trình gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, thời hạn và điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm là thích hợp để các nhà đầu tư thu được lợi từ đất hoặc tài sản, và họ có thể thu được kết quả trong thời hạn thuê này.

Các thị trường khác trong khu vực đã tận dụng thành công thời hạn thuê đất. Tuy nhiên, điều các nhà đầu tư không hài lòng đó là bất ổn gia tăng do thiếu đường lối chỉ đạo hoặc khung pháp lý rõ ràng đối với các vấn đề tiềm ẩn.

Trong trường hợp này, việc hết hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án hoặc tài sản, và quy trình gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển bất động sản băn khoăn.

Dự luật mới về đất đai có lẽ sẽ tháo gỡ được nút thắt này. Tuy nhiên, chừng nào dự luật còn thay đổi liên tục, khung pháp lý sẽ còn cồng kềnh và ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực bất động sản, dẫn đến dự án chậm trễ và tăng chi phí phát triển. Bằng việc đưa ra đường lối chỉ đạo, quy trình và mức giá rõ ràng, nhà nước có thể mở cửa đón nhận các nguồn vốn vào Việt Nam.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Nút thắt thứ ba của thị trường bất động sản theo Cushman & Wakefield là sự thiếu cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, việc hoàn thành các đường vành đai bên trong và bên ngoài, kết nối các cảng và khu công nghiệp bằng các đoàn tàu chở hàng, và phát triển các nút giao thông nhanh chóng sẽ hỗ trợ cho việc sử dụng hiệu quả và thành công vốn đầu tư.

Ví dụ điển hình là các dự án PPP thành công tại Quảng Ninh, nơi Tập đoàn Sun Group đã cho xây dựng sân bay, bến du thuyền và đường cao tốc chất lượng cao. Mô hình tương tự có thể được áp dụng cho các nút giao thông công cộng bằng việc đầu tư vào các giải pháp vận chuyển liên hợp hiệu quả, bao gồm đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt và cải thiện đường đi vào nội thành. Mô hình này sẽ giải quyết những hạn chế về cơ sở hạ tầng đang cản trở sự phát triển và đầu tư vào nhiều loại hình bất động sản.

Một sáng kiến do nhà nước chỉ đạo mang lại kết quả đó là kế hoạch tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các khu vực kinh tế ven biển và cửa khẩu cũng như phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp.

Quy hoạch phát triển và phân bổ vốn đã được các khu vực tư và công xác định là cần thiết đối với sự phát triển bền vững của các thị trường bất động sản. Việc cung cấp cho các bên hữu quan hiểu biết rõ ràng về tác động của dự án đầu tư đảm bảo rằng dự án đầu tư của họ đã được thực hiện theo cách thức hiệu quả. Tương tự như vậy, các nhà phát triển bất động sản tìm kiếm các nhà đầu tư có thể thay đổi linh hoạt để phục vụ nhu cầu vốn của mình.

Cải thiện cơ hội tiếp cận tín dụng

Việc tiếp cận tín dụng được Ngân hàng Thế giới xác định là yếu tố quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Cushman & Wakefield cho rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần giải quyết các hạn chế về tài chính nếu họ muốn quốc gia tiếp tục “tăng trưởng nhanh và toàn diện”.

Việc tiếp cận tín dụng đối với các nhà phát triển bất động sản và chủ sở hữu tài sản là yếu tố then chốt để mở rộng cơ sở của nhà đầu tư tại Việt Nam. HIện nay, rủi ro chính đối với những người cho vay muốn làm việc với những người vay Việt Nam rất đơn giản: trong trường hợp không thể thanh khoản, việc tịch thu tài sản thế chấp khá khó khăn nếu không có sự phân xử của tòa án.

Để giảm thiểu rủi ro, những người cho vay sử dụng các biện pháp kiểm soát tiêu cực như các vị trí trong ban quản trị, quyền chọn mua cổ phiếu của công ty vay nợ, kiểm soát tài khoản tiền, quyền phủ quyết đối với các quyết định của cấp ban quản trị hoặc, trong một vài tường hợp, kiểm soát giấy đăng ký của công ty. Điều này tạo ra trở ngại đối với hầu hết các nguồn vốn muốn chảy vào Việt Nam vì họ bị buộc phải hạn chế rủi ro, dẫn đến tăng chi phí vốn mà họ triển khai.

Do đó, việc giải quyết vấn đề thu hồi nợ sẽ giúp tăng tính thanh khoản. Các nhà phát triển và các chủ sở hữu có thể tiếp cận các nguồn vốn khác với chi phí rẻ và loại bỏ rủi ro đối với các ngân hàng nhà nước và địa phương.

Cushman & Wakefield cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể đang tiến tới một sự suy giảm có hệ thống chưa từng thấy của các nền kinh tế thế giới trong hơn 100 năm qua. Nếu giải quyết không đúng cách, đại dịch có thể gây ra một sự ảnh hưởng giống như cuộc đại khủng hoảng trong những năm 1920.

Trong bối cảnh này, Cushman & Wakefield tin tưởng Việt Nam có thể tháo gỡ nhanh chóng các nút thắt của thị trường bất động sản. Từ đó tăng niềm tin của nhà đầu tư và giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh nền kinh tế.