5 tiêu chí cho thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa

Phạm Sơn - 16:50, 21/12/2021

TheLEADERTheo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa cần đặt ra tham vọng mạnh mẽ cho việc ngăn chặn rác nhựa, hướng tới mục tiêu dài hạn là đại dương không còn rác thải nhựa

5 tiêu chí cho thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa
Việt Nam cùng đa số thành viên Liên hợp quốc đồng thuận xây dựng thỏa thuận toàn cầu về rác nhựa.

Trong bối cảnh thế giới hướng tới phục hồi và phát triển bền vững hậu đại dịch, cùng những cam kết quốc tế mạnh mẽ được đưa ra tại COP26, hơn 150 quốc gia thành viên Liên hợp quốc mới đây đã chính thức kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa, hay còn gọi là ô nhiễm trắng.

Dự kiến, các cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận này sẽ khởi động từ tháng 2/2022 tại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

Trước thềm đàm phán chính thức, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đưa ra 5 khuyến nghị để xây dựng một thỏa thuận hiệu quả, có ý nghĩa.

Thứ nhất, thỏa thuận phải có tình ràng buộc về mặt pháp lý để đảm bảo các cam kết được đưa ra ở cấp chính trị cao nhất có thể.

Thứ hai, các quy tắc, yêu cầu và tiêu chuẩn phải được đặt ra một cách cụ thể và tương xứng, được áp dụng cho tất cả các quốc gia tham gia. Tiêu chuẩn cao cần được đồng bộ với hành động thực tiễn để đạt hiệu quả.

Thứ ba, bên cạnh những tiêu chuẩn, cam kết, cần có một cơ chế theo dõi tiến độ và đánh giá nỗ lực của từng quốc gia, được củng cố dần theo thời gian.

Thứ tư, thỏa thuận phải cung cấp một cầu trúc để thúc đẩy sự tham gia và tuân thủ của các thành viên, đồng thời hỗ trợ các nước thực hiện thỏa thuận.

Cuối cùng, cung cấp lộ trình khả thi để hướng tới mục tiêu dài hạn là đại dương không còn rác thải nhựa. “Không nên để mức độ tham vọng tổng thể xác định bởi các quốc gia ít có trách nhiệm nhất”, WWF nhấn mạnh.

Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế chung về ngăn ngừa rác thải nhựa, loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần không cần thiết, triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ hỗ trợ các quốc gia đạt được cam kết một cách tối ưu nhất thông qua khả năng tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ thông tin, mô hình, kinh nghiệm cũng như cơ chế giám sát và báo cáo.

“Một hiệp ước toàn cầu sẽ là giải pháp cho các vấn đề còn tồn đọng như thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu kiến thức, khả năng giám sát, quản lý chưa đảm bảo cũng như thiếu sót về khả năng tiếp cận nguồn vốn và công nghệ”, TS. Alison Budden, Cố vấn chính sách của WWF Singapore nhận xét.

Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia tích cực tham gia vận động và xây dựng thỏa thuận mới này. Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương, do Bộ Tài nguyên và môi trường là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện.

Bên cạnh các quốc gia, khoảng gần 80 doanh nghiệp toàn cầu cũng lên tiếng ủng hộ việc xây dựng và sớm cho ra đời thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.