70 tỷ USD vốn hóa 'bốc hơi' trên sàn chứng khoán

Trần Anh - 17:28, 06/11/2022

TheLEADERTính đến cuối tháng 10, vốn hóa sàn HOSE đã bốc hơi hơn 1,73 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 70 tỷ USD so với thời điểm đầu năm.

Từ quý 2/2022 đến nay, nhiều cổ phiếu liên tục giảm sâu khiến vốn hóa thị trường lẫn các doanh nghiệp niêm yết đồng loạt đi xuống. 

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết kết thúc tháng 10, chỉ số VN-Index đạt 1.027,94 điểm, giảm 9,2% so với tháng 9 và giảm 31,39% so với cuối năm 2021. Theo đà giảm, chỉ số VN30-Index cũng mất 10,87% so với tháng 9 xuống mức 1.026,84 điểm, tương ứng giảm 33,14% so với cuối năm 2021.

Tính đến hết ngày 31/10, sàn HOSE có 564 mã chứng khoán niêm yết, trong đó gồm 401 mã cổ phiếu với tổng khối lượng đạt trên 139 tỉ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết của HOSE đạt hơn 4,10 triệu tỉ đồng, giảm 8,92% so với tháng trước và tương đương 48,84% GDP năm 2021 (GDP theo giá hiện hành). Như vậy so với đầu năm 2022, vốn hóa sàn HOSE đã bốc hơi hơn 1,73 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 70 tỉ USD.

Bảng xếp hạng vốn hoá lớn nhất trên sàn chứng khoán vì thế cũng xáo trộn mạnh về số lượng lẫn thứ hạng của doanh nghiệp. Thống kê hiện còn 34 cái tên có vốn hóa trên 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán, giảm 5 doanh nghiệp so với quý II.

5 doanh nghiệp vừa ra khỏi danh sách là Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN), Chứng khoán SSI (SSI), PV Power (POW), Ngân hàng Hàng hải (MSB) và Tổng công ty Phát điện 3 (PGV). Cổ phiếu của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng âm hai chữ số, trong đó giảm mạnh nhất là MSB với 25% và HVN với 19%.

Danh sách doanh nghiệp vốn hoá tỷ USD hiện có 14 ngân hàng và 6 công ty bất động sản. Những cái tên còn lại hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, hàng tiêu dùng, bán lẻ, hàng không và hoá chất. Viecombank là đại diện duy nhất có vốn hoá trên 10 tỷ USD.

Trong danh sách 34 doanh nghiệp tỷ USD, có 10 doanh nghiệp ghi nhận giá trị vốn hoá tăng so với tháng trước. Bảng xếp hạng chứng kiến sự vọt lên mạnh mẽ của PV GAS khi cổ phiếu này lần đầu vượt qua bộ đôi Vingroup (VIC và VHM) để đứng vị trí thứ hai giá trị vốn hoá hơn 21.400 tỷ đồng. EIB của Eximbank cũng thăng hạng nhanh từ 30 lên 23 và BCM của Becamex từ 19 lên 14.

Ở chiều ngược lại, vốn hoá của Vinhomes (VHM) giảm mạnh nhất với 60.000 tỷ đồng, từ 220.000 tỷ đồng còn 160.000 tỷ đồng. Hoà Phát (HPG), Novaland (NVL), Techcombank (TCB) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) xếp tiếp theo về mức giảm, dao động 26.000-32.000 tỷ đồng.