9 ông lớn nhà nước nhận điểm số 0% về công khai thông tin phòng chống tham nhũng

An Chi - 15:12, 23/08/2018

TheLEADERNhững doanh nghiệp nhà nước đình đám nhất như Viettel, Mobifone, Vinalines, Vicem, SJC, Vinataba... đều nhận thang điểm 0% về việc công khai thông tin phòng chống tham nhũng theo kết quả khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam

9 ông lớn nhà nước nhận điểm số 0% về công khai thông tin phòng chống tham nhũng
MobiFone nằm trong danh sách nhận điểm số 0% về chỉ số công khai thông tin phòng chống tham nhũng trong báo cáo TRAC Việt Nam 2018

Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của doanh nghiệp (TRAC Việt Nam 2018) được thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 được thực hiện dựa trên kết quả điều tra, khảo sát 45 doanh nghiệp lớn nhất lựa chọn từ danh sách Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam 2017. Nhóm doanh nghiệp được khảo sát bao gồm 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 15 công ty niêm yết và 15 doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Theo TRAC Việt Nam 2018, số liệu công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng thể hiện cam kết công khai của doanh nghiệp về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam không mấy sáng sủa với điểm trung bình của các doanh nghiệp chỉ 15% (thang điểm tính thấp nhất là 0%, điểm cao nhất 100%)

Mặc dù kết quả này đã tăng đáng kể so với 10% của Báo cáo TRAC 2017, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều có thể cải thiện.

Trong số các nhóm doanh nghiệp tham gia khảo sát, các công ty con của công ty nước ngoài đạt điểm số cao nhất với điểm trung bình là 31%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn thấp so với kết quả của các công ty đa quốc gia ở thị trường mới nổi (48%) và các công ty lớn nhất thế giới (70%), theo kết quả của các Báo cáo TRAC tương tự.

Đáng chú ý, ba công ty con của công ty nước ngoài là Samsung Electronics Việt Nam, Unilever Việt Nam và Nestle Việt Nam có điểm số cao nhất 81%. 

Các doanh nghiệp trong nước có kết quả thực hiện tốt nhất gồm Vinamilk với điểm số 42%, VPBank 38% và Vietcombank 35%. 

Tuy nhiên, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp (24 trong tổng số 45) bị chấm điểm 0%, phân bổ tương đối đồng đều giữa các nhóm: công ty nước ngoài (6), công ty niêm yết (9) và doanh nghiệp nhà nước (6).

Doanh nghiệp nhà nước "ngại" công khai thông tin chống tham nhũng
Điểm công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp (0% là điểm thấp nhất; 100% là điểm cao nhất). Nguồn: TRAC 2018

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước có điểm số cao nhất về khía cạnh này cũng chỉ đạt điểm số 27%. Trong khi đó, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về liêm chính và minh bạch.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp nhà nước đạt điểm số thấp về công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng là do các doanh nghiệp này còn thiếu các chương trình phòng, chống tham nhũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, trong số các chính sách cụ thể về phòng chống tham nhũng, các doanh nghiệp thường công khai về chính sách quà tặng và giải trí. Chỉ có rất ít doanh nghiệp công bố Bộ Quy tắc ứng xử. Số doanh nghiệp công khai đường dây nóng với các yêu cầu bảo mật và bảo vệ người tố cáo tham nhũng còn ít hơn nữa. 

Việc không công khai các kênh tố cáo như vậy với các bên liên quan bên ngoài làm hạn chế khả năng phát hiện các trường hợp vi phạm chính sách chống tham nhũng, cho dù doanh nghiệp có duy trì các chính sách đó.

TRAC Việt Nam 2018 cho rằng, có nhiều lý do để giải thích kết quả này. Trong đó, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi năm 2012) đưa ra các yêu cầu về công khai, minh bạch đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, luật lại không yêu cầu các doanh nghiệp công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. 

Trong thực tế, một số doanh nghiệp mà chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tự nguyện công khai thông tin về các chương trình phòng, chống doanh nghiệp. Do các chương trình phòng, chống tham nhũng này đã được công khai trên trang điện tử của công ty mẹ, các công ty con chỉ cần triển khai và công bố các chương trình phòng, chống tham nhũng của công ty mẹ trên trang điện tử ở Việt Nam. 

Các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng có thể có chương trình phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên do công ty mẹ không yêu cầu nên không công bố trên các trang điện tử ở Việt Nam.

Ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không có chương trình phòng chống tham nhũng phù hợp với các thông lệ tốt của quốc tế. Tuy nhiên, một vài công ty niêm yết cũng đã xây dựng được các chương trình phòng, chống tham nhũng để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ví dụ, Vinamilk đưa ra chính sách phòng, chống tham nhũng trong năm 2009 khi chuẩn bị niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.

Mặc dù không thể đánh giá được thực tế thực hiện thông qua việc công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên, mức độ công khai được xem là chỉ số quan trọng về cam kết và nỗ lực của doanh nghiệp để đấu tranh với tham nhũng, TRAC Việt Nam 2018 nhận định.

Danh sách các công ty được đánh giá trong Báo cáo TRAC Việt Nam 2018

Doanh nghiệp nhà nước "ngại" công khai thông tin chống tham nhũng 2
Doanh nghiệp nhà nước "ngại" công khai thông tin chống tham nhũng 3
Doanh nghiệp nhà nước "ngại" công khai thông tin chống tham nhũng 4