Bao giờ mới hết cảnh 'lời doanh nghiệp ăn, lỗ Nhà nước chịu'?

Quỳnh Chi - 08:47, 20/07/2018

TheLEADERTrong giai đoạn 2011 - 2016 tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không giảm, vẫn còn 23/91 tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ với tổng lỗ lũy kế hơn 17 nghìn tỷ đồng.

Bao giờ mới hết cảnh 'lời doanh nghiệp ăn, lỗ Nhà nước chịu'?
Tình trạng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vẫn kéo dài

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế làm lãng phí và gây thất thoát nguồn lực Nhà nước.

Tại hội thảo Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước do CIEM tổ chức, ông Phạm Đức Chung, Trưởng ban phát triển và cải cách doanh nghiệp CIEM cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2016 tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước thua lỗ không giảm; báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy vẫn còn tới 23 tập đoàn, tổng công ty hoạt động thua lỗ với tổng lỗ lũy kế trên 17 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROA) cũng giảm 30%.

Đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực để xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả nhưng phục hồi vẫn còn chậm.

Giám sát lỏng lẻo khiến doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng
Ông Phạm Đức Chung

Lý giải thực trạng này, ông Chung cho rằng, phạm vi giám sát của cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu chưa rõ; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp nhà nước. 

"Một số bộ, UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp, quản lý hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng chưa có cơ chế đánh giá và công bố công khai hiệu quả, trách nhiệm quản lý của chính các cơ quan đại diện này dẫn đến việc không tạo được áp lực cho các đơn vị này là phải quản lý vốn Nhà nước tốt hơn, hiệu quả hơn cũng như khó xác định trách nhiệm đối với các vụ việc thua lỗ, dự án kém hiệu quả", ông Chung nhìn nhận. 

Theo đại diện của CIEM, trên thực tế đã có nhiều quy định về thẩm quyền, đối tượng giám sát nhưng thiếu thống nhất về nội hàm/khái niệm/phạm vi hoạt động giám sát chủ sở hữu. Bên cạnh đó là sự chồng lấn giữa giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước.

Đặc biệt, không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp đầy đủ, hiệu quả và toàn diện; nội dung giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực tham gia phối hợp của các cơ quan liên quan.

Giám sát lỏng lẻo

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay, hệ thống giám sát hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn quá nhiều vấn đề; mặc dù đã có các quy định pháp luật và báo cáo đầy đủ về giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này nhưng các khái niệm và phạm vi hoạt động không rõ ràng, thống nhất; dẫn đến hệ luỵ là việc giám sát được chia cho nhiều bộ, ngành và thực hiện các công việc "na ná" nhau. 

Giám sát lỏng lẻo khiến doanh nghiệp nhà nước thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng 1
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Vị chuyên gia này cho rằng các quy định này chỉ mới dừng lại ở lý thuyết; những yêu cầu được chuyển từ cấp trên đưa xuống cấp dưới theo kiểu "thầy đọc trò chép" nhưng không biết thực hành; nhiều yêu cầu và quy định ghi trong luật nhưng hệ thống quản lý không làm được.

Bà Lan thẳng thắn nhìn nhận, sau hàng chục năm tiếp cận kinh nghiệm của chính các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới về giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, Việt Nam dường như vẫn là một "học trò dốt" không thể học hỏi và áp dụng được vào thực tiễn.

Trong bối cảnh thua lỗ không có xu hướng thuyên giảm, bà Lan nhận định, quản lý rủi ro chưa được quan tâm, thậm chí bị "bỏ quên" tại các doanh nghiệp Nhà nước bởi lẽ các doanh nghiệp này vẫn đang làm việc theo tư duy lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu. 

Từ góc độ là một cổ đông của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo), một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An (Agrimex) cho biế, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, sai phạm, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp tại nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Lấy dẫn chứng ngay tại đơn vị mà ông là cổ đông, một bộ máy quản lý cồng kềnh đã khiến cho chi phí quản lý doanh nghiệp còn lớn hơn cả chi phí sản xuất trong khi nhiều vị trí trong hội đồng quản trị, đại diện vốn nhà nước không thực quyền, làm việc không hiệu quả; tăng thêm nhiều chi phí không cần thiết như chi phí quảng cáo. Chính những điều này theo ông Hiền là đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ về hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2016 và 2017. 

Do đó, lãnh đạo Agrimex cho rằng, để doanh nghiệp phát huy hiệu quả bền vững, cần quyết liệt thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; đối với các lĩnh vực, ngành nghề không cần nhà nước kiểm soát thì nên đưa tỷ lệ Nhà nước sở hữu xuống dưới 35% vốn điều lệ doanh nghiệp;

Bên cạnh đó, cần ngăn chặn kịp thời những bất cập, yếu kém, sai phạm trong công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thông qua thanh tra, giám sát. 

Để công tác giám sát hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước được hiệu quả, các chuyên gia kinh tế nhận định, cần thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước để tránh được một bộ máy cồng kềnh giám sát; giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng phải để doanh nghiệp phải tự do kinh doanh, sáng tạo; tăng cường vai trò giám sát thực sự của các cơ quan dân cử như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông...

Đặc biệt, cần minh bqch về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cần trao quyền giám sát cho ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không thực hiện quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng không được áp đặt quy chuẩn của viên chức, công chức vào ủy ban này; sẵn sàng sa thải những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ và thậm chí là có nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ thay vì phải thông qua nhiều cuộc họp và qua nhiều lần xét duyệt.