ADB: 2 điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm

Hương Lan - 13:28, 25/09/2019

TheLEADERNền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,8% và 6,7% với mức lạm phát 3,0% và 3,5% tương ứng trong năm 2019 và 2020, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam Eric Sidgwick trả lời tại họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế khu vực châu Á và Việt Nam, cho biết nền kinh tế 9 tháng đầu 2019 có 2 điểm sáng.

Thứ nhất là tiêu dùng nội địa. “Điều này đã xuất hiện vài năm và đặc biệt có vai trò ngày càng mạnh hơn trong thời gian gần đây”, ông đánh giá.

Thứ hai là xuất khẩu của các công ty trong nước.

Theo ông Eric Sidgwick, nền kinh tế Việt Nam đang có sự chuyển biến về cơ cấu rất mạnh, từ phụ thuộc vào nước ngoài sang phụ thuộc vào thị trường trong nước, từ chỗ phụ thuộc doanh nghiệp FDI sang vai trò lớn hơn của doanh nghiệp nội địa.

Trong báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2019”, ADB đánh giá tiêu dùng nội địa tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực. Tiêu dùng cá nhân sẽ tiếp tục tăng nhờ lạm phát thấp, nhiều công ăn việc làm, kinh tế tăng trưởng cao mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ.

Những nỗ lực không ngừng của chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân.

ADB: 2 điểm sáng của kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm
Đại diện ADB tại buổi công bố báo cáo.

Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7% sau khi đã bứt phá mạnh với tỉ lệ 7,1% trong năm ngoái.

ADB lưu ý rằng mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có chậm lại trong nửa đầu năm 2019 song Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng vững vàng trong năm nay và năm sau, bất chấp môi trường bên ngoài suy yếu.

Các dự báo lạm phát được điều chỉnh giảm từ 3,5% xuống còn 3,0% trong năm 2019 và từ 3,8% xuống còn 3,5% cho năm 2020.

Nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI.

Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được ký kết cũng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư. Do đó, các dòng vốn FDI sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới.

Xét theo ngành kinh tế, triển vọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tích cực, song nông nghiệp sẽ bị chậm lại.

Dự báo thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2% GDP trong năm nay, và 1,8% GDP trong năm 2020.

Thu nhập từ xuất khẩu sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đây, thêm nữa nhập khẩu cũng giảm tốc độ chậm hơn so với dự kiến do tiêu dùng nội địa và đầu tư vẫn ở mức cao, đặc biệt với khả năng một số doanh nghiệp sản xuất có thể di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Kiều hối có thể bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu, tiếp tục làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm sút.

Rủi ro đối với những dự báo trên là đáng kể. Rủi ro lớn nhất từ bên ngoài sẽ là xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm.

Nếu như xung đột thương mại – chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan – biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam.