Ai chịu thiệt trong 'trò chơi vương quyền' giữa Lazada, Shopee và Tiki?

Quỳnh Như - 10:41, 27/05/2018

TheLEADERTiki tiếp tục trượt dốc trong cuộc đua giành thị phần trên thị trường thương mại điện tử với các ông lớn ngoại như Lazada, Shopee...

Ai chịu thiệt trong 'trò chơi vương quyền' giữa Lazada, Shopee và Tiki?
Tiki lỗ ngày càng lớn

Lỗ vẫn tiếp tục đốt tiền

Dự đoán từ Frost & Sullivan cho thấy, năm 2016, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam trị giá 1,7 tỷ USD, năm 2030 sẽ nâng lên tầm 3,7 tỷ USD. Còn theo Bain Digital, năm 2017, Việt Nam có 35 triệu người sử dụng internet, tăng 63%, đứng thứ hai Đông Nam Á . Số liệu của Nielsen thể hiện, người Việt trung bình mỗi tuần lướt internet 24,7 giờ, nhiều thứ 3 Đông Nam Á.

Hiện tại, dân số Việt Nam ước vào khoảng 96 triệu người, tức là các ông lớn trong ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tới 2/3 thị trường để khai thác.

Tháng 8/2016, Shopee, sàn thương mại bán lẻ thuộc tập đoàn SEA chính thức đổ bộ vào Việt Nam. Hơn 1 năm sau đó (tháng 10/2017), SEA đã IPO trên sàn chứng khoán New York, đây là công ty công nghệ internet đầu tiên trong khu vực chào bán cổ phiếu trên NYSE.

Trong thời gian đầu Shopee vào thị trường Việt, họ hành động đúng kiểu “nhà giàu mới nổi”, như miễn phí giao hàng, miễn phí thu hộ, miễn phí hoa hồng cho các chủ shop trên Shopee… Để không bị Shopee dành giật thị phần, cả Lazada lẫn Tiki đều phải “liều mình bồi quân tử”.

Giá sản phẩm có thể thấp hơn giá gốc, khuyến mãi quanh năm cho cả người mua lẫn người bán trên sàn, tăng kinh phí cho các chương trình PR – Makerting, tăng chi phí nhân sự, tăng chi phí logistic… là một trong nhiều nguyên nhân khiến khoảng lỗ của Tiki trở nên nghiêm trọng.

Tiki tiếp tục gặp khó khăn với kết quả kinh doanh bết bát trong 2 năm qua. Theo báo cáo tài chính VNG vừa công bố, năm 2017 Tiki lỗ hơn 282 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn điều lệ. Trong khi đó, năm 2016 Tiki cũng lỗ hơn 40 tỷ đồng.

Dù cả Lazada lẫn Shopee chưa từng công bố các khoản lỗ của mình, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia, khoản lỗ của Lazada lẫn Shopee thậm chí còn có thể cao hơn Tiki. Vì theo thống kê từ iPrice, lượng truy cập, tính đến tháng 4/2017 của Lazada là 50,5 triệu người, của Shopee là 19 triệu người, Tiki ít hơn với 18 triệu người.

SEA vừa công bố báo cáo tài chính sơ bộ 3 tháng đầu năm 2018, họ lỗ 215,6 triệu USD, so với 73,1 triệu USD năm 2017, gấp 3 lần. 

Mặc dù mới được J.D đầu tư 44 triệu USD nhưng nếu xét về nguồn lực tài chính, có vẻ Tiki không được dồi dào bằng 2 đối thủ Lazada và Shopee. Lazada sắp nhận thêm 2 tỷ USD từ Alibaba để đủ mục tiêu đầu tư 4 tỷ USD trong 2 năm, trong khi đó công ty mẹ của Shopee cũng đã được Tencent bơm thêm 100 triệu USD vào cuối năm ngoái. 

Có thể nói, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang là chiến trường của “trò chơi vương quyền” giữa 3 ông lớn đến từ Trung Quốc: Alibaba, J.D và Tencent. Sau khi có 15% cổ phần từ J.D, có vẻ Tencent và J.D quyết định bắt tay để chống Alibaba.

Ai chịu thiệt trong 'trò chơi vương quyền' giữa Lazada, Shopee và Tiki?
Hậu thuẫn phía sau Lazada chính là ông lớn Alibaba

Quan hệ giữa J.D và Tencent là loại quan hệ "vừa là thù, vừa là bạn", Tencent ngoài chuyện dùng Shopee để đấu trực diện của Alibaba, họ cũng từng thông qua VNG rót tiền vào Tiki.

Ngoài việc đấu với 2 ông lớn đến từ nước ngoài, Tiki còn phải đấu với những đối thủ nội địa khác như Adayroi, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim...

Cả ba nền tảng thương mại này đang có lợi thế rất lớn trong mô hình kinh doanh bán lẻ đa kênh, xu hướng mới của ngành bán lẻ và thương mại điện tử, với hệ thống cửa hàng trải khắp Việt Nam, điều mà Tiki chưa làm được. 

Sẽ lỗ đến bao giờ?

Chuyên gia thương mại điện tử Lê Thiết Bảo trong một tọa đàm do TheLEADER tổ chức cuối năm ngoái đã từng khẳng định: “Tôi chắc chắn, tất cả công ty thương mại điện tử thuần tuý đều lỗ. Một giám đốc công ty thương mại điện tử lớn từng nói với tôi rằng, đây là cuộc thi đốt tiền, ai là kẻ có tiềm lực tài chính tốt hơn, kẻ trụ lại cuối cùng sẽ là người chiến thắng. Tuy nhiên, với những diễn biến trong thời gian gần đây, tôi không thể đoán được khi nào mới đến thời điểm thị trường sẽ ngã ngũ”.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho rằng, việc các công ty thương mại điện tử ngày càng lỗ nhiều là do họ phải tăng tốc đầu tư để chiếm lĩnh thị trường. 

"Vì đang trong giai đoạn đầu tư nên chuyện lỗ nhiều hay lỗ ít rất là khó nói, còn việc khi nào họ có thể mang về lợi nhuận tôi cũng không thể dự đoán được”, ông Dũng nói. 

Về nguyên tắc chung, kinh doanh thì phải có lãi, lỗ nhiều như thế các doanh nghiệp chắc chắn sẽ chùn tay? Tuy nhiên, cuộc chiến trên mặt trận PR – Makerting vừa diễn ra ở đầu tháng 5 nhân dịp sinh nhật Lazada lại cho thấy điều ngược lại

Ngày 9/5 vừa qua là sinh nhật 6 tuổi của Lazada, để chuẩn bị cho sự kiện này, Lazada đã tung rất nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau cho khách hàng, bắt đầu từ 18/4 cho đến hết 11/05.

Cũng trong khoảng thời gian vừa kể trên, Shopee tung ra chương trình ưu đãi “Cần gì sinh nhật, Deal vẫn sốc, Giá vẫn bốc”, còn Tiki kịp ra mắt sự kiện “Mua sắm không giới hạn” với slogan “Chào hè 2018 - Ưu đãi vô hạn - Còn vui hơn cả sinh nhật”.

Nguyễn Kim, Adayroi hay Lotte cũng nhảy vào góp mặt. Nguyễn Kim có chương trình khuyến mãi “Sinh nhật người ta, mua hàng tặng quà”, Adayroi không kém cạnh với ưu đãi miễn phí chuyển hàng cùng chiến dịch “Chúc mừng sinh nhật Bạn hàng xóm”, Lotte “khiêm tốn” hơn chút khi đề nghị khách hàng nhập mã “Happy Lzd” để được giảm giá 7% nhiều sản phẩm.

Ai chịu thiệt trong 'trò chơi vương quyền' giữa Lazada, Shopee và Tiki? 1
Chương trình khuyến mãi đầy ‘cạnh khoé’ của Shopee nhân dịp sinh nhật Lazada

Hành động này của các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đã khiến cư dân mạng vô cùng thích thú, lần đầu tiên, họ mới thấy các loại chương trình makerting – quảng cáo lại đánh vào đối thủ một cách trực diện như thế!

Trong vài năm gần đây, ngành thương mại điện tử Việt Nam luôn tăng trưởng trung bình 25%, cá biệt năm 2017 còn tăng trưởng đến 35%, theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, vì xuất phát điểm ngành này của chúng ta quá thấp, nên có tăng trưởng cao hơn nữa, cũng chẳng nói lên nhiều vấn đề, chúng ta vẫn đang ở quãng đường đầu tiên của hành trình.

Để có thể tiến nhanh và tiến xa hơn, các doanh nghiệp thương mại điện tử ở Việt Nam phải vượt qua nhiều khó khăn như: hệ thống logistics của Việt Nam gần như hạn chế nhất Đông Nam Á khiến chi phí ngành thương mại điện tử đội lên rất nhiều, các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử vẫn chưa đồng đều về mặt chất lượng và kích thước – dẫn đến một bộ phận khách hàng ngại tham gia, thay đổi thói quen của người tiêu dùng của nhiều người Việt vốn quen với việc đi chợ và siêu thị hơn là mua hàng online, mở thêm cửa hàng offline theo xu hướng bán lẻ đa kênh (Lazada đang làm ở nước ngoài)….

Trong cuộc chơi này, kẻ nào trường vốn và hùng mạnh hơn sẽ là người “cười cuối cùng”.