Ai có trách nhiệm bảo vệ quyền của cổ đông?

Lam Giang - 10:16, 02/10/2019

TheLEADERViệc bảo vệ các quyền cổ đông là vấn đề cốt lõi trong quản trị công ty và là một nhân tố quan trọng để mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư.

Ai có trách nhiệm bảo vệ quyền của cổ đông?
Cổ đông thiểu số có thể khiếu nại tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông.

Việc bảo vệ các quyền này có thể được thực hiện từ bên trong (tức là thông qua các quy định quản trị nội bộ và các đảm bảo bởi Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác) và từ bên ngoài (tức là thông qua các tổ chức bên ngoài).

Các quyền cơ bản của cổ đông bao gồm:

- Quyền được đảm bảo đăng ký quyền sở hữu,

- Quyền chuyển nhượng cổ phần,

- Quyền tiếp cận các thông tin về công ty một cách kịp thời và thường xuyên,

- Quyền tham gia và biểu quyết tại Đại hội cổ đông,

- Quyền bầu và bãi miễn các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT),

- Quyền hưởng lợi nhuận của công ty.

Cổ đông sẽ được bảo vệ và bảo đảm quyền lợi dưới các quy định hay cơ quan nhà nước sau:

Thứ nhất, bảo đảm bởi Luật doanh nghiệp: Luật Doanh nghiệp có những bảo đảm nhất định cho việc thực hiện và bảo vệ các quyền của cổ đông. Một số mang tính thủ tục và có liên quan đến việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Một số khác được phản ánh trong các nghĩa vụ của các cấp quản lý và các cán bộ điều hành của công ty (HĐQT, Ban giám đốc).

Thứ hai, bảo vệ bởi hệ thống luật pháp: Ở Việt Nam, các tòa án thương mại, tòa án dân sự được trao quyền để bảo vệ quyền lợi của cổ đông trước pháp luật.

Thứ ba, bảo vệ bởi Ủy ban chứng khoán nhà nước: Thông qua các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban chứng khoán nhà nước được quy định trong Luật Chứng khoán, Ủy ban chứng khoán nhà nước góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thông qua các hoạt động giám sát, thanh tra, thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

Thứ tư, các tổ chức phi chính phủ: Cổ đông có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ các hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp hoặc các tổ chức phi chính phủ khác có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông.

Thứ năm, điều lệ công ty và quy chế nội bộ: Căn cứ trên Luật Doanh nghiệp và các quy định liên quan về quản trị công ty, công ty niêm yết xây dựng điều lệ công ty và quy chế quản trị nhằm đảm bảo các cổ đông có thể thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật và các cổ đông phải được đối xử công bằng.

Thứ sáu, hoạt động của cổ đông và hành động tập thể: Việc bảo vệ các quyền của cổ đông được thực hiện bắt đầu từ hành vi tích cực của doanh nghiệp, hệ thống khuôn khổ pháp lý với các thủ tục phù hợp nhằm đảm bảo việc thực thi có hiệu quả. Các cổ đông đóng một vai trò quan trọng trong quy trình này vì họ có quyền góp ý, thông qua, biểu quyết khi xây dựng khuôn khổ pháp lý của doanh nghiệp và có quyền khiếu kiện khi quyền lợi bị vi phạm.

Cuối cùng, thỏa ước cổ đông: Thỏa ước cổ đông là cách thức phổ biến để thực thi hành động tập thể giữa các cổ đông, thỏa ước này giúp các cổ đông thiểu số sử dụng các quyền của mình hiệu quả hơn.

Nếu các cổ đông thiểu số trong một số trường hợp không được đối xử bình đẳng, quyền lợi bị vi phạm hoặc nhận thấy sự lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp vì lợi ích cá nhân hoặc nhóm người có liên quan, người nội bộ hay cổ đông lớn thì có thể khiếu nại trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông của công ty.

Trong trường hợp không được giải quyết thì có thể gửi yêu cầu khiếu nại lên các cơ quan quản lý cấp nhà nước để có xử lý như Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng nếu phát hiện việc sai phạm hay lạm dụng quyền hành của thành viên HĐQT hay ban giám đốc thì có thể khởi kiện theo quy định tại điều 161 Luật doanh nghiệp 2014.

Cổ đông phải được cung cấp đầy đủ thông tin và có quyền tham gia phê chuẩn các quyết định liên quan tới những thay đổi cơ bản của công ty, ví dụ: 1) Sửa đổi các quy định hay điều lệ của công ty hay các văn bản quản trị tương đương của công ty; 2) Cho phép phát hành thêm cổ phiếu; 3) Các giao dịch bất thường, bao gồm việc chuyển nhượng tất cả hay một phần lớn tài sản của công ty, dẫn đến việc bán công ty.