Áp lực dòng tiền của Vinaconex khi trở thành công ty bất động sản

Trần Anh - 17:00, 29/06/2020

TheLEADERTừ một công ty lớn trong ngành xây dựng có vốn nhà nước, sau khi trở thành công ty tư nhân, Vinaconex đang chuyển sang vai trò chủ đầu tư bất động sản nhưng chịu áp lực lớn về dòng tiền.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2020 của Vinaconex, một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm đó là dòng tiền kinh doanh của công ty âm liên tục những năm qua.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty mẹ âm 1.123 tỷ năm 2019; còn theo báo cáo hợp nhất thì dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.493 tỷ vào năm 2019.

Chia sẻ về điều này, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cho biết sở dĩ dòng tiền âm là do những năm gần đây, Vinaconex tiến hành nhiều hoạt động đầu tư và cần có thời gian để hoàn vốn và thu lợi nhuận.

Hiện tại, ngoài việc đang triển khai các dự án bất động sản ở Hà Nội, Vinaconex đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, làm chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản cả 3 miền Bắc, Trung, Nam (Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, TPHCM..)

Chẳng hạn, Vinaconex đấu thầu dự án tại Phú Yên giá trị 600 tỷ đồng, trả tiền ngay; mua khu đất tại Quảng Nam và nhiều dự án bất động sản tại Móng Cái (Quảng Ninh). Người đứng đầu Vinaconex cũng cho biết nhiều dự án chuẩn bị đầu tư cần chi lượng tiền để tư vấn, đánh giá thị trường.

Công ty đang tăng cường đầu tư để tăng trưởng và tham gia nhiều dự án tại Việt Nam. Hiện nay, Vinaconex đang có suất tham gia 5 gói thầu BOT tại các dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. Các dự án phát triển sân bay, Vinaconex cũng mong muốn tham dự.

Lý giải về việc tăng vốn của công ty, ông Thanh cũng nhằm tăng vị thế của Vinaconex, nâng vị thế để tham gia vào các dự án đầu tư công lớn. "Các công ty vốn nhỏ không có vé vào cửa".

Từ một công ty lớn trong ngành xây dựng, từ sau khi về tay nhóm cổ đông mới và trở thành công ty tư nhân, Vinaconex đang chuyển sang vai trò chủ đầu tư bất động sản.

Chủ tịch của Vinaconex đánh giá công ty có nguồn vốn hợp lý, có tiền gửi tại các ngân hàng để lấy lãi, đầu tư tài chính. Mặc dù vậy, lượng tiền đó là không đủ để công ty triển khai và tham gia vào các dự án mới, vì vậy công ty quyết định tăng vốn điều lệ.

Tại Đại hội, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành 66,3 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu trên tương đương 15% vốn, tức là cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được quyền mua 3 cổ phiếu mới. Dự kiến số tiền thu về là 994 tỷ đồng.

Số tiền này sẽ được dùng để triển khai dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng condotel resort ven biển Tuy Hòa (Phú Yên), làm vốn đối ứng cho công ty tham gia vào các dự án BOT...

Bên cạnh đó, để có tiền theo đuổi các dự án bất động sản mới, Vinaconex cũng tính tới việc xử lý dứt điểm dự án Splendora trong năm 2020. Dự kiến, Vinaconex sẽ chuyển nhượng hoàn toàn dự án lại cho Sovico, hoặc nhận lại chuyển nhượng từ Sovico nếu đơn vị này đồng ý bán.

Năm 2018, một thành viên của Sovico là Công ty Địa ốc Phú Long đã chi 680 tỷ đồng để mua 50% cổ phần của dự án này từ Công ty POSCO E&C của Hàn Quốc

Theo ông Thanh, nếu việc tái cấu trúc vốn tại An Khánh JVC thành công công ty sẽ dồn lực vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp ở các khu vực Hòa Lạc, Sơn Tây.