ASEAN chung tay chống rác thải đại dương

Phạm Sơn - 16:02, 29/05/2021

TheLEADERĐoàn kết triển khai các biện pháp chống ô nhiễm đại dương là yếu tố cần thiết để xây dựng một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

ASEAN chung tay chống rác thải đại dương
Lượng lớn rác thải nhựa tại ASEAN đang bị thải ra đại dương.

Nhựa là vật liệu quan trọng, được con người sử dụng hàng ngày, trong mọi hoạt động đời sống, kinh tế và xã hội nhưng cũng gây ra những vấn đề sinh thái, môi trường nghiêm trọng, nếu không được sử lý đúng cách.

Mức tiêu thụ và xả thải nhựa đặc biệt cao ở những khu vực có nền kinh tế đang phát triển năng động như ASEAN. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tính riêng 6 nước có nền kinh tế lớn nhất ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Singapore đã thải ra khoảng 243 triệu tấn rác nhựa vào năm 2016.

Tỷ lệ rác thải nhựa không được thu gom tại ASEAN cũng tương đối cao với 53%. Mặt khác, tính riêng lượng rác thải được thu gom, có tới 34% không được xử lý đúng cách và xả thải bất hợp pháp ra môi trường.

Nghiên cứu hồi tháng 3 của WB cho biết, 6 tỷ USD sẽ là trung bình thiệt hại mỗi năm cho khu vực ASEAN vì rác thải nhựa bị xả thải bừa bãi.

WB dự báo, sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa tại ASEAN sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu dùng, qua đó làm tăng thêm áp lực về rác thải nhựa. Cùng với đó, dòng phế thải nhựa nhập khẩu, hoạt động tái chế nhựa bất hợp pháp cũng làm bức tranh về nhựa tại ASEAN ngày càng trở nên rắc rối và khó kiểm soát.

Khởi động kế hoạch hành động chống rác thải đại dương

Hướng tới Ngày môi trường thế giới (5/6) và Ngày đại dương thế giới (8/6), các quốc gia ASEAN chính thức thông qua kế hoạch hành động chống rác thải đại dương.

Kế hoạch được xây dựng dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan, trên cương vị Chủ tịch nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và bờ biển (AWGCME). WB đóng vai trò hỗ trợ về tài chính, hướng dẫn kỹ thuật cho thực hiện kế hoạch.

Lý giải về một kế hoạch hành động chung giữa các quốc gia ASEAN về ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa cho biết, lượng rác nhựa thải ra đại dương ở khu vực ASEAN có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2025, gây ra nhiều hệ lụy tới hoạt động hàng hải, đe dọa đa dạng sinh học và ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Kế hoạch đưa ra 14 hành động mang tính chất khu vực, dựa trên 4 trụ cột, bao gồm hỗ trợ chính sách, lập kế hoạch; nghiên cứu, đổi mới nâng cao năng lực; nâng cao ý thức cộng đồng và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân.

Xây dựng hướng dẫn đầu tư vào nhựa và tái chế, triển khai công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhựa là một số hướng tiếp cận mới của kế hoạch hành động chung này.

Được triển khai trong vòng 5 năm, kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế hiệu quả để các quốc gia ASEAN tiến hành những giải pháp riêng để quản lý rác thải nhựa, nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế, hướng tới thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Dato Lim Jock Hoi, Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh, kế hoạch hành động chung về rác thải nhựa sẽ là một trong những lộ trình cơ bản, định hướng cho tương lai của ASEAN trong việc phát triển, hợp tác với các đối tác toàn cầu và xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững.