Bàn kế kéo chất xám hiện thực hoá giấc mơ Huế

Quỳnh Chi - 09:42, 27/04/2021

TheLEADERTrải qua một thời gian dài người Huế rời quê hương nhiều nhưng lãnh đạo địa phương này xác định đây là lúc cần tụ lại để phát triển và hiện thực hoá giấc mơ Huế.

Bàn kế kéo chất xám hiện thực hoá giấc mơ Huế
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Năm 2019, nỗ lực của chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế đã được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Người dân Huế kỳ vọng bước sang năm 2020 sẽ có những bước phát triển lớn hơn nữa nhưng sự việc không được như mong muốn do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. 

Dịch còn chưa qua thì vào cuối năm ngoái, Thừa Thiên Huế và miền Trung lại phải đương đầuvới lũ chồng lũ, bão chồng bão gây tổn thất rất lớn về người và tài sản. 

Bước sang năm 2021 là năm khởi động kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2026, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết địa phương này xem đây là năm bù đắp cho những gì chưa đạt được trong năm 2020 và tạo bước đột phá cho 5 năm tới. 

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2019 định hướng cụ thể để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 

Các chiến lược phát triển trọng điểm gồm: lấy văn hoá và giáo dục là nền tảng; du lịch làmũi nhọn; công nghệ thông tin là đột phá; y tế là quan trọng; nông nghiệp là bền vững.Cố đô Huế, tương tự các cố đô khác trên thế giới, có những thăng hoa sang trọngtrong quá khứ và muốn được đẹp đẽ trong hiện tại lẫn tương lai, cũng như trong suy nghĩ của người Huế, người xa Huế. 

Theo ông Thọ, với trọng trách bảo tồn di sản, Thừa Thiên Huế chỉ phù hợp phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy giá trị di sản theo hướng chuyển tiếp, tiếp nối quá khứ với tương lai, truyền thống với hiện đại, tiếp nối giữa trầm ngâm an phận với sôi nổi khởi nghiệp. 

Trong hành trình hiện thực hoá giấc mơ Huế, những nhân tài người Huế được đánh giá là đóng vai trò rất quan trọng. 

"Trước đây do thời cuộc người Huế đi xa nhiều. Nhưng tôi nghĩ đó còn là một niềmtự hào rằng người Huế chúng ta tài giỏi, có thể sống thích ứng và thành công ở bất kỳ nơi đâu. Trải qua một thời gian dài chúng ta “tán”, đã đến lúc chúng ta phải tụ lại", ông Thọ nói tại chương trình Gặp gỡ Huế - hành trình vun đắp giấc mơ Huế.

Chủ động “luân chuyển chất xám”

Nhà giáo dục – ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh nhìn nhận, Huế từng được nhắc đến nhiều vì vấn đề chảy máu chất xám nhưng gần đây dường như đang có xu hướng đi rồi sẽ quay về. 

Bàn kế kéo chất xám về hiện thực hoá giấc mơ Huế
Nhà giáo dục – ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh

Bà nhấn mạnh: “Trong thời đại khoa học này, chúng ta không nhất thiết suy nghĩ về là phải về luôn mà nên là đi đi về về. Miễn là đầu óc và trái tim không quên Huế, muốn làm gì cho Huế chứ không nhất thiết phải ở Huế thường xuyên. Một người ở Pháp nhớ về đất nước còn tốt hơn một thanh niên ở Huế chăm chăm bỏ đi dù mình không nhất thiết phải đi”. 

Theo đó, khi tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất một dự án hay, chỉ cần mời chuyên gia, doanh nhân có ý tưởng, sáng kiến, năng lực và tài chính đến với Huế, trở về Huế cùng làm cũng nhưcó những chính sách riêng để giữ chân dự án, sáng kiến, tình yêu và động lực đóng góp của họ. Tư duy này sẽ thiết thực hơn so với việc bắt người tài về sống ở Huế. 

Như PGS.TS Phan Phước Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đại học Văn Lang đã chia sẻ, từ năm 2018 đến nay, ông vẫn liên tục đi đi về về với Huế. Những cuộc gặp gỡ với nhóm trí thức Huế và lãnh đạo tỉnh mới đây nhất cũng được ông xem là dịp để có thể trả chút nợ cho quê hương. 

"Tôi cho rằng, một người biết lo bằng một kho biết làm. Chúng ta cứ ở Sài Gòn suy nghĩ rồi cống hiến. Tôi cũng từng về Huế nhưng lúc đó còn buồn quá chưa ở được", ông Hiền nói. 

Bà Ninh kiến nghị, tỉnh nhà nên có một nhóm chuyên gia cùng nhau động não để thấy rằng ngoài việc kéo chấm xám bằng thu nhập và lương bổng còn cần tạo điều kiện về tài chính ở mức độ phù hợp cho các dự án nghiên cứu ở dạng công tư hợp doanh, hỗ trợ họ triển khai ý tưởng, dự án... 

"Điều quan trọng nhất là các bộ máy nhà nước cũng phải yêu Huế chứ không chỉ khoanh tay quan liêu đứng nhìn. Chúng ta nên thành lập nhóm những người yêu Huế để biết chúng tacó thể góp sức cụ thể như thế nào, bất kể chúng ta đang ở đâu”, bà Ninh nói.

Có cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên là chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không của trường Đại học Bách khoa TP.HCM đề xuất, chính quyền nên tổ chức chương trình "Gặp gỡ Huế” định kỳ hàng năm để kết nối người Huế sống tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, cũng như ở nước ngoài. 

Địa phương cần tổng hợp các ý kiến, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sau mỗi buổi gặp mặt để hiện thực hóa thành các dự án mà người ở Thừa Thiên Huế là chủ lực thực hiện với sự tham gia của người Huế và người yêu Huế ở ngoài tỉnh. 

Bàn kế kéo chất xám về hiện thực hoá giấc mơ Huế 1
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên là chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không của trường Đại học Bách khoa TP.HCM

Ngoài ra, ông Tống cho rằng, chính quyền cần phổ biến các dự án trọng tâm của Thừa Thiên Huế về giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, công nông nghiệp kỹ thuật cao để huy động người Huế ở ngoài tỉnh tham gia. 

Ông Tống cho rằng rất cần thiết thành lập ban chuyên trách về người Huế và người yêu Huế ngoài tỉnh trực thuộc văn phòng UBND tỉnh. Ban này sẽ thu thập và tích lũy thông tin về các chuyên gia Huế ở ngoài tỉnh làm cơ sở dữ liệu cho dự án đảo ngược dòng thất thoát chất xám và mời họ tham gia các dự án phát triển Thừa Thiên Huế.

Vị giáo sư này nhấn mạnh, việc thất thoát chất xám trước rồi thu lợi chất xám sau được gọi là luân chuyển chất xám. Rất cần có chiến lược để chủ động chuẩn bị cho luân chuyển chất xám. 

Vậy nên, ông Tống cho rằng sứ mạng của dự án đảo ngược dòng thất thoát chất xám là thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua các dự án có định hướng sử dụng chuyên gia Huế nhiều kinh nghiệm ở ngoài tỉnh, tuyển dụng chuyên gia Huế ở ngoài tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi giúp họ trở về làm việc ngắn hạn hay dài hạn ở các cơ quan nhà nước hay khu vực tư nhân với nhiều chính sách đa dạng.

Theo đó, muốn trí thức Huế ở nước ngoài về làm việc với chính quyền, điều kiện kinh tế và cơ hội công ăn việc làm ở Thừa Thiên Huế cần trở nên thuận lợi hơn để những trí thức này có thể sử dụng kiến thức, tài chính và mạng lưới liên hệ mà họ có được đầu tư trở lại ở Thừa Thiên Huế và làm tăng sức thu hút nhiều trí thức.

Trên thế giới, sự trở về quê nhà nguyên thủy của những người trình độ cao sau một thời gian định cư ở các nước phát triển là hiện tượng thu lợi chất xám trở lại cho các nước đang phát triển. Nhiều con em thuộc thế hệ thứ hai của những người này cũng trở về quê hương cha ông và tạo hiện tượng thu lợi chất xám sau thời gian lâu dài thất thoát chất xám.