Bí mật phía sau đơn phá sản của hãng thời trang Forever 21

Duy Đỗ - 14:06, 30/09/2019

TheLEADERNhững nỗ lực thay đổi của Forever 21 đã khiến thương hiệu này đánh mất bản sắc trong bối cảnh mua sắm trực tuyến phát triển mạnh mẽ, thu hút lượng lớn khách hàng.

Bí mật phía sau đơn phá sản của hãng thời trang Forever 21
Những cửa hàng Forever 21 trống khách do ảnh hưởng của mua sắm trực tuyến.

Hãng thời trang cho giới trẻ Forever 21 (F21) phát đi thông báo cho biết đã đệ đơn xin phá sản theo quy định của nước Mỹ, đóng cửa một số cửa hàng trong chuỗi hơn 800 cửa hàng đang hoạt động.

F21 cho biết việc cửa hàng nào bị đóng sẽ còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán với chủ mặt bằng.

“Chúng tôi kỳ vọng phần lớn số cửa hàng sẽ vẫn mở cửa hoạt động như bình thường và chúng tôi không muốn rời bỏ bất kỳ thị trường chủ đạo nào tại Mỹ”, F21 cho hay trong thông báo.

Việc đệ đơn xin phá sản sẽ giúp hãng bán lẻ này chấm dứt hợp đồng thuê và đóng cửa hàng với chi phí thấp hơn.

Thông báo cũng cho biết doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước tích cực nhằm tái tổ chức doanh nghiệp, “để chúng tôi có thể có lợi nhuận trở lại và tập trung cung cấp những phong cách, thời trang đầy kinh ngạc được yêu thích trong trong nhiều năm tới”.

Thông tin về khả năng phá sản của chuỗi thời trang này đã xuất hiện từ tháng trước khi dòng tiền mặt cạn kiện và khả năng cải tổ mịt mờ.

Theo hồ sơ của F21 nộp lên tòa án, tài sản và nợ phải trả có giá trị trong khoảng 1 - 10 tỷ USD.

Nhà bán lẻ thời trang cho biết đã nhận được khoản tài trợ 275 triệu USD từ những nhà cho vay hiện tại cùng JPMorgan Chase Bank và 75 triệu USD vốn mới từ TPG Sixth Street Partners và một số quỹ liên kết.

Với các khoản tiền này, Forever 21 dự định sẽ vận hành kinh doanh như bình thường và tập trung vào những phần cốt lõi mang lại lợi nhuận. Công ty có kế hoạch đóng cửa hầu hết các địa điểm quốc tế ở châu Á và châu Âu nhưng sẽ tiếp tục hoạt động ở Mexico và Mỹ Latinh, theo Reuters.

Được thành lập năm 1984 trong một cửa hàng nhỏ tại Los Angeles bởi đôi vợ chồng người Hàn Quốc nhập cư, Forever 21 đã có những bước phát triển thần tốc trong thập niên đầu thế kỷ này và đạt được mức doanh thu kỷ lục vào năm 2015.

Những cửa hàng khổng lồ được mở ra tại những khu vực trung tâm, thách thức các đối thủ khác trong ngành thời trang như Zara hay H&M.

Vài năm trở lại đây, trong khi không ít hãng bán lẻ thu hẹp mạng lưới thì F21 vẫn tiếp tục mở thêm. Các hãng thời trang bán lẻ vấp phải nhiều khó khăn do chu kỳ thời trang rút ngắn cùng sự lên ngôi của mua hàng trực tuyến.

Bí mật phía sau đơn phá sản của hãng thời trang Forever 21
F21 rơi vào cái bẫy phát triển quá lớn của chính mình. Ảnh: CNBC

Điều này đẩy F21 vào cái bẫy phát triển quá lớn của chính mình.

Greg Portell, đối tác trưởng phụ trách hoạt động bán lẻ và tiêu dùng toàn cầu của hãng tư vấn A.T. Kearney nhận định sự kết hợp giữa mô hình thời trang nhanh cùng tốc độ mở cửa hàng nhanh chóng khiến các hãng đối mặt rủi ro khi gia tăng nguy cơ bắt nhầm xu hướng hay bỏ lỡ chu kỳ, CNN dẫn lời.

Từ chuỗi bán lẻ sở hữu hơn 800 cửa hàng trên toàn thế giói, F21 dường như đánh mất dần bản sắc riêng và không thể cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ trực tuyến.

LA Times dẫn ý kiến của Giám đốc phân tích Marshal Cohen từ công ty tư vấn NPD Group cũng cho rằng việc phát triển chuỗi cửa hàng quá lớn sẽ trở nên khó khăn trong thế giới phẳng và trong bối cảnh ngành thời trang nhanh có xu hướng chững lại.

Ông Roger Beahm, Giám đốc trung tâm về đổi mới bán lẻ tại Đại học Wake Forest cho rằng F21 đánh mất tầm nhìn đã giúp họ phát triển như ngày nay. Thương hiệu này cố gắng thay đổi bằng cách mở rộng thương hiệu nhưng cuối cùng lại pha loãng bản chất vốn có.

F21 đã mất một lượng khách hàng trẻ đáng kể khi họ có xu hướng chuyển sang những nhà bán lẻ khác, đặc biệt là các cửa hàng trực tuyến.

Việc chuyển sang bán quần áo và các mặt hàng khác dành cho nhiều đối tượng hơn đã khiến F21 phải nhận tác dụng ngược khi nỗ lực này làm giảm uy tín và sự yêu thích giới trẻ với hãng khi F21 từng được coi là biểu tượng thời trang của giới trẻ.

Forever 21 là hãng bán lẻ mới nhất sụp đổ khi mua sắm trực tuyến lên ngôi khiến lượng khách tới các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ giảm đáng kể. Khối nợ lớn cùng với chi phí mặt bằng cao cũng là gánh nặng lớn đối với các hãng bán lẻ truyền thống này.