Bí quyết của Quảng Ninh trong cải cách hành chính

Quỳnh Chi - 18:36, 27/06/2021

TheLEADERNhững nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở là chìa khoá để Quảng Ninh đạt quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020.

Bí quyết của Quảng Ninh trong cải cách hành chính
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng giúp Quảng Ninh thúc đẩy các chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công

Theo kết quả công bố của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020. 

Quảng Ninh đã xuất sắc đoạt vị trí quán quân 4 năm liên tiếp chỉ số PAR-INDEX và 2 năm liên tiếp chỉ số SIPAS.

Trong đó, chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh đạt 91,04 điểm trên thang điểm 100, tăng 0,95 điểm so với năm 2019, cao hơn 0,53% so với đơn vị xếp vị trí thứ hai là Hải Phòng và là một trong hai địa phương nằm trong nhóm A (trên 90 điểm).

Điểm nổi bật trong chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Đáng chú ý nhất là chỉ số thành phần “tác động của CCHC đến người dân, doanh nghiệp” và chỉ số thành phần “cải cách thủ tục hành chính các tỉnh, thành phố” vươn lên vị trí cao nhất toàn quốc.

Ngoài ra, các chỉ số thành phần “công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính các tỉnh, thành phố” và “cải cách tài chính công các tỉnh, thành phố” cũng vươn lên trong nhóm đầu cả nước.

Không chỉ vậy, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục tăng lên khi chỉ số SIPAS lần thứ hai xướng tên Quảng Ninh ở vị trí cao nhất, với điểm số 95,76%, tăng 0,5% điểm so với năm 2019.

Bí quyết của Quảng Ninh trong cải cách hành chính
Quảng Ninh đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PAR INDEX năm 2020.

Ở chỉ số này, các nội dung đánh giá tỷ lệ hài lòng về tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả giải quyết; tiếp nhận, giải quyết góp ý, kiến nghị, kiến nghị đều đạt điểm số từ 92,69% đến 98,34%. 

Các chỉ số quan trọng phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính, như: việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của tỉnh Quảng Ninh đều ở mức thấp.

Niềm tin của người dân, doanh nghiệp tăng cao

Mỗi năm, siêu thị Go! Hạ Long có khoảng hơn 20 chương trình khuyến mãi, chưa kể phát sinh nhiều thủ tục hành chính cần giải quyết tại cơ quan chức năng, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm hay những khi siêu thị có chương trình khuyến mãi lớn.

Chị Nguyễn Ngọc Mai, thư ký giám đốc siêu thị Go! Hạ Long cho biết, chị thường phải chuẩn bị hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mãi để gửi Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh. Để giải quyết những thủ tục này, chị chỉ mất từ 5 - 10 phút sử dụng cổng dịch vụ trực tuyến là hoàn thành. Qua đó, chị đã tiết kiệm rất nhiều chi phí cũng như thời gian đi lại.

Chị cũng cho biết, nếu thông tin gặp sai sót trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cán bộ của Sở Công thương sẽ gửi thông báo để bổ sung, chỉnh sửa. Mọi khâu giải quyết đều rất thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2020 đối với ông Đặng Văn Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và thương mại nụ cười Hạ Long và nhiều doanh nghiệp khác là một năm đặc biệt khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên ông cho biết, trong thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành đã tiếp nhận và giải quyết các góp ý, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và có giải pháp hỗ trợ rất kịp thời.

Không những vậy, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, doanh nghiệp của ông Quảng vẫn tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, dễ dàng thông qua môi trường mạng; thời gian giải quyết rất nhanh chóng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Cùng với giải quyết thủ tục hành chính, ông Quảng thấy rằng tỉnh Quảng Ninh cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp được nắm bắt, tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực...

Thực tế cho thấy, từ năm 2020 đến nay trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã tăng cường đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tăng tỷ lệ người dùng. 

Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia 555 thủ tục. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân.

Chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Đến nay, trung bình các thủ tục hành chính đưa vào trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; 74% thủ tục hành chính được giải quyết theo quy trình "5 tại chỗ" ở cấp tỉnh và có 90-100% ở cấp huyện.

Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.

Quảng Ninh cũng tích cực chủ động vào cuộc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Điển hình đã ban hành bốn gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng, duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú vịnh Hạ Long, bảo tàng Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử trong năm 2020 và 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính. Điển hình nhất, có 73/92 kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết liên quan đến việc hỗ trợ về thuế, phí, đầu tư, vốn, nguồn lao động, hoạt động du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu, đất đai, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm, xây dựng...

Bí quyết của Quảng Ninh trong cải cách hành chính 2
Tỉnh Quảng Ninh nhận cúp quán quân PCI 2020. Ảnh: Minh Hà

Những nỗ lực về cải cách hành chính đã giúp Quảng Ninh tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Điều này đã đóng góp quan trọng vào hoàn thành "mục tiêu kép": vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp với chính quyền tỉnh.

Những câu chuyện cụ thể trên là một số minh chững cho những nỗ lực mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh để đạt kết quả tốt trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – yếu tố nền tảng để thúc đẩy các chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công khác. 

Bên cạnh đó, việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện chủ động, quyết liệt. Nhiều mô hình mới đột phá được mạnh dạn thí điểm đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ.

Kết quả Quảng Ninh đạt được hôm nay là trái ngọt của sự đồng tâm, nhất quán từ tư duy cho đến hành động.

Trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần đầu tiên bốn chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI được đưa vào thành một chỉ tiêu phấn đấu thực hiện, như một sự cam kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Quảng Ninh đã chứng tỏ được chất lượng cũng như vị thế của mình thông qua bảng xếp hạng bốn chỉ số này cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương trong những năm qua.