Khởi nghiệp
Bí quyết đầu tư thành công của các cá mập Shark Tank
Mặc dù không có công thức cụ thể để đầu tư khởi nghiệp thành công nhưng mỗi nhà đầu tư thường rút ra cho mình một vài từ khoá quan trọng.
Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ mà Chủ Tịch HĐQT Công ty Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn (SAM) Louis Nguyễn từng làm việc đã đầu tư vào một công ty phần mềm có sản phẩm bán cho In-Q-Tel, quỹ đầu tư mạo hiểm của CIA và thu về lợi nhuận rất lớn.
Tuy nhiên, công ty này vẫn không mang lại nhiều lợi nhuận bằng công ty mà ông Louis vừa mới đầu tư gần đây. Thỏa thuận đã được ký kết với một công ty mà CEO, người sáng lập hiểu rõ lĩnh vực họ hoạt động.
Vị CEO startup đó còn hiểu biết về kỹ thuật kinh doanh, các sản phẩm cạnh tranh từ trong ra ngoài, tiếp thị. Ngoài ra, người này còn rất quan tâm đến vấn đề xã hội và môi trường, hiểu được và đang cố gắng giải quyết các vấn đề nan giải từ tác hại của các sản phẩm.
“Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều khi làm việc với những người thực sự quan tâm không chỉ về lợi nhuận mà còn về các vấn đề xã hội và môi trường”, ông Louis Nguyễn nói trong Talk show Nguy cơ.
Đối với vị “cá mập” chương trình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank), có hai khía cạnh quan trọng khi quyết định đầu tư vào một startup: khả năng hoàn vốn cao và cảm nhận về trải nghiệm với đội ngũ công ty.
Trong khi đó, nhà sáng lập TVL Group Thái Vân Linh rất tập trung vào startup giáo dục. Đối với bà, lựa chọn tốt nhất trong mùa Shark Tank năm nay là EIY, một công ty đào tạo thuyết trình trước đám đông bằng tiếng Anh. Bà nghĩ, đây là một kỹ năng hữu ích không chỉ cho người dân ở Việt Nam mà còn ở các thị trường mới nổi khác.
Theo nữ cá mập Shark Tank, không có công thức cụ thể cho đầu tư khởi nghiệp thành công nhưng bà đúc kết cho mình ba yếu tố quan trọng: con người, sản phẩm và thị trường.
Con người luôn là yếu tố đầu tiên. Điều quan trọng cần nhìn vào là năng lực, kiến thức, khả năng thích ứng linh hoạt. Theo bà Linh, hầu hết công ty thành công đều hoạt động ở một lĩnh vực với một sản phẩm và mô hình kinh doanh khác với thời điểm ban đầu.
Dù biết sản phẩm có thể được thay đổi, tuy nhiên, khi đầu tư lần đầu, bà Linh muốn chắc chắn rằng công ty đó đã xây dựng được một sản phẩm mạnh bởi họ không muốn đầu tư vào một ý tưởng còn nằm trên giấy. Đội ngũ sáng lập phải xây dựng sản phẩm và cố gắng tìm kiếm khách hàng, sau đó là thị trường có nhu cầu.
Ông Louis cũng cho rằng, mỗi người có một công thức khác nhau. Vì chuyên đầu tư vào thị trường vốn, cổ phiếu, bất động sản, cổ phiếu tư nhân và thành lập các công ty, bao gồm các công ty khởi nghiệp nên ông không thể đầu tư vào những công ty có điểm yếu hoặc vào những thị trường quá nhỏ.
Điều quan trọng với vị cá mập này khi quyết định đầu tư vào một startup là phải chắc chắn đang giải quyết một vấn đề lớn mang tính toàn cầu, xuyên biên giới…để có được lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, là vị cá mập đời đầu của chương trình Shark Tank Mỹ đã từng phát triển thành công một startup trong lĩnh vực đồ uống và thực phẩm từ giá trị chưa tới 5 triệu USD lên 5 tỷ USD sau chín năm, nhà sáng lập Harrington Enterprises Kevin Harrington tiết lộ công thức để có tỷ lệ thành công cao hơn: “thử nghiệm trước khi đầu tư”.
Nếu ai đó mang đến một sản phẩm, điều ông Kevin, một người có 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán hàng qua truyền hình, muốn làm đầu tiên chính là thực hiện một cuộc thử nghiệm kỹ thuật số với việc đưa sản phẩm lên các kênh mua sắm như HSN hoặc QVC, Amazon. Ông cho biết sẽ bỏ ra số tiền ban đầu là 5.000 - 10.000 USD trước khi đầu tư hàng triệu USD, sau khi đã xác nhận được rằng sản phẩm mang về ít rủi ro và kinh doanh hiệu quả.
“Mới đây, chúng tôi đã xây dựng sản phẩm này. Chúng tôi đã chi 5.000 đô la để truyền thông cho một sản phẩm. Đổi lại, chúng tôi có 25.000 đô la đặt hàng qua thẻ tín dụng. Tôi nghĩ rằng từ bây giờ, chúng tôi có thể đầu tư số tiền lớn hơn vào dự án này bởi vì nó đang mang về lợi nhuận rất lớn”, ông Kevin kể lại.
Tuy nhiên, các shark cho biết, bên cạnh những lựa chọn sáng suốt cũng có những lựa chọn tồi tệ và kết cục là một dự án thất bại.
Ông Louis Nguyễn từng phải trả một cái giá khá đắt khi đầu tư vào một công ty về chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Người sáng lập công ty đó rất có tài ăn nói với những ý tưởng rất hay ho và có một số doanh nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả.
Tuy nhiên, công ty của ông Louis mất tất cả số tiền đầu tư bởi vì không có biện pháp bảo vệ trong hợp đồng ký kết trong khi chưa có kinh nghiệm để phục hồi nếu bất trắc xảy ra.
“Khi kết hôn, có thể bạn sẽ không nghĩ đến việc ly hôn. Nhưng khi đầu tư, bạn vẫn nên nghĩ đến. Đừng để bị lừa bởi bìa của cuốn sách, nghĩa là sự phô trương giàu có bên ngoài chưa chắc đã là sự thật”, ông Louis nói.
Cũng rơi vào tình huống tương tự, ông Kevin từng thất bại trong một thương vụ đầu tư cho sản phẩm thể hình của một nhà sáng tác nhạc nổi tiếng người Mỹ Chubby Checker. Mặc dù sản phẩm rất đắt và cồng kềnh nhưng ông Kevin vẫn đầu tư lên tới 500 nghìn USD cho dự án này chỉ vì cái tên Chubby Checker. Kết quả là dự án thất bại.
Trong khi đó, thất bại lớn nhất của shark Linh là đầu tư vào công ty đầu tiên mà bà muốn khởi nghiệp - công ty trang phục áo cưới trực tuyến. Bài học quan trọng nhất bà rút ra là: sự quan tâm của khách hàng không tương đương với doanh thu.
Dự án đã thu hút được rất nhiều cô dâu, ngày nào đội ngũ của bà cũng nhận được rất nhiều email. Có rất nhiều khách hàng mới đến nhưng không dễ khiến họ thay đổi ý định. Bà nhận ra rằng các cô dâu không hề điên rồ, họ chỉ không biết mình muốn gì và kết quả là công ty không thể đáp ứng nhu cầu của họ.
Theo bà Linh, một nhà cung cấp dịch vụ cần phải có một sản phẩm chất lượng. Nhưng nếu sản phẩm đó không phù hợp với mong muốn của khách hàng thì công ty không thể hoạt động hiệu quả. Nếu nhu cầu liên tục thay đổi, dịch vụ đó cũng có thể không còn được cần đến.
“Vì vậy, chúng tôi đã dừng lại đúc rút kinh nghiệm để các mô hình kinh doanh tiếp theo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh đầu tiên đó cũng là một trải nghiệm giúp chúng tôi mở mang tầm mắt”, bà Linh kể lại thất bại đầu đời trong con đường trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Lời khuyên của shark dành cho startup
Cũng có chung quan điểm với ông louis Nguyễn về khẩu vị đầu tư vào những startup có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu, xuyên biên giới, ông Kevin cho biết muốn hợp tác với những người giỏi nhất trên khắp thế giới sau khi đã dành thời gian và tiền bạc để tìm kiếm những đối tác thành công tại thị trường Mỹ.
Rút ra từ mô hình kinh doanh của mình hơn 40 năm qua, ông Kevin khẳng định, nếu thứ gì đó thành công ở Mỹ, ví dụ như sản phẩm nhà bếp hay sản phẩm thể dục thể thao thì sẽ thành công ở hầu hết quốc gia khác trên thế giới.
Shark Linh cho rằng để hiện thực hoá việc tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp thực sự cần một nền tảng vững chắc bởi vì ở mỗi quốc gia mục tiêu sẽ có những điều mới cần phải học, ví dụ như ngôn ngữ, văn hóa và đặc biệt là phải điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị trường.
“ Nếu bạn không vững vàng ở quê nhà, bạn không có cơ sở vững chắc, không có doanh thu và lợi nhuận để thực sự phát triển ở nước ngoài, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tất cả các rủi ro khác. Các bạn phải trở thành doanh nghiệp số 1, số 2 hay số 3 ở thị trường Việt Nam trước đã vì đối với hầu hết lĩnh vực, bạn sẽ thành người chiến thắng khi ở top 3”, bà Linh lưu ý.
Tự nhận mình không phải là chuyên gia khi nói về hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam và Việt Nam cũng không phải là một trong những thị trường lớn nhất mà mình đầu tư, ông Kevin khẳng định muốn thay đổi điều này.
Một trong lời khuyên của ông cho các nhà khởi nghiệp Việt là đừng quên những nền tảng huy động vốn từ cộng đồng vì việc gọi vốn trên thị trường rất khó khăn.
Shark Linh cũng cho rằng gọi vốn cộng đồng là một cách tốt để biết được liệu mọi người có trả tiền cho sản phẩm hay không trước khi quyết định tiếp tục phát triển công ty hay dành thời gian nghĩ ra một ý tưởng khác.
Tuy nhiên, ông Louis Nguyễn lưu ý, hình thức gọi vốn cộng đồng cũng tồn tại một vài yếu tố rủi ro cho nhà đầu tư, đặc biệt là vấn đề pháp lý, tùy vào từng thị trường mà các nhà đầu tư và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ.
Dành một từ khoá để khuyến khích các nhà khởi nghiệp của Việt Nam để vững bước trên con đường trở thành những doanh nhân vĩ đại, shark Kevin nhấn mạnh tầm quan trọng của “đội ngũ xuất sắc”.
Chính ông cũng đã từng gặp khó về quản trị khi công ty phát triển lên vì trước đó đã quá đề cao cái tôi mà không đánh giá cao kỹ năng của người khác, không đầu tư để quy nạp những người tài ở các lĩnh vực khác nhau như tài chính, marketing…
Còn shark Linh lại nhấn mạnh từ khoá “lạc quan”. Cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, trở ngại. Mỗi người có thể sẽ bị cuộc đời xô đẩy và đánh gục. Người có thể lạc quan, đứng dậy, phủi tay và làm lại từ đầu, tìm thấy hy vọng trong tuyệt vọng thì sẽ thành công.
Shark Louis bổ sung, “sự chính trực” là điều luôn quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Nó liên quan đến sự minh bạch, đến công tác quản trị, đến việc tôn trọng các cổ đông và các giá trị để sản phẩm trở nên trung thực và thể hiện một thông điệp rõ ràng.
“Với tư cách là một nhà đầu tư, nếu bạn bắt gặp một người có sự chính trực, bạn sẽ đánh giá người đó cao hơn nữa. Bạn chắc chắn muốn làm việc với một đội ngũ quản lý có sự chính trực, quan tâm đến việc mình đang làm, làm theo những gì họ nói, và luôn trung thực”, ông Louis Nguyễn nói.
Cá mập Shark Tank mổ xẻ công thức định giá startup
Khẩu vị dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 4
Chuyển đổi số đang trở thành từ khóa "nóng" tại Shark Tank Việt Nam mùa 4, nhất là trong bối cảnh giai đoạn nền kinh tế có những biến động do ảnh hưởng của đại dịch.
Các 'cá mập' làm gì trong đại dịch?
Các "cá mập" trong nước là những nhà đầu tư năng nổ nhất trong các cuộc 'đi săn' khi liên tiếp rót vốn vào các startup trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Khẩu vị nhà đầu tư "cá mập" đã thay đổi
Các nhà đầu tư chấp nhận xuống tiền mua những bất động sản có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn nhưng có khả năng gia tăng giá trị trong tương lai gần.
Nhà đầu tư cá mập quan tâm điều gì trong 'hồ sơ' của một startup?
Có nhiều yếu tố quan trọng giúp tạo nên một bộ hồ sơ đẹp nhất để doanh nghiệp khởi nghiệp lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư như con người, sản phẩm, thị trường… Thế nhưng thứ tự quan trọng của các yếu tố còn tuỳ vào góc nhìn của các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái.
Aqua City của Novaland được gỡ vướng
Sau hơn hai năm đình trệ xây dựng do vướng vấn đề pháp lý, dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland phát triển tại Đồng Nai đã thoát bế tắc.
Để không phải hối tiếc trong sự nghiệp sau tuổi 35
Việc chủ động phát triển bản thân, xây dựng và duy trì các mối quan hệ cùng thái độ cởi mở với thay đổi là những yếu tố quan trọng.
Hạnh phúc trong giáo dục: Xu hướng toàn cầu và ứng dụng tại Việt Nam
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội lớn hay thách thức vượt tầm doanh nghiệp Việt?
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC cùng thúc đẩy pin lưu trữ
VinFast Energy, Schneider Electric và ESEC hợp tác thúc đẩy giải pháp pin lưu trữ và quản lý năng lượng, hướng đến một tương lai bền vững.
WinMart cùng 11 thương hiệu 'tung' ưu đãi khủng mừng sinh nhật 10 tuổi
WinMart kỷ niệm 10 năm với đại sứ WINNIE, ưu đãi hấp dẫn từ 11 thương hiệu lớn trong Tuần lễ thương hiệu diễn ra từ ngày 21/11 đến 4/12.
Sức hút của môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.