Nhân tài người Việt trên toàn cầu hợp lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Đặng Hoa - 08:16, 19/07/2021

TheLEADERNgười Việt ở nước ngoài đang góp sức để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Nhân tài người Việt trên toàn cầu hợp lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Đồng sáng lập startup Rens Original - hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu

Đảm nhiệm vai trò điều phối trong hội thảo "Kết nối và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", ông Trần Trí Dũng, Quản lý chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) hào hứng cho biết, chưa bao giờ ông điều phối một chương trình có số lượng diễn giả nhiều và có mặt ở đa dạng quốc gia như vậy.

Dù ở những địa điểm khác nhau, từ Pháp, Phần Lan đến TP.HCM và Hà Nội nhưng các startup, nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư và cả lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đều có chung một mục tiêu là kết nối và tạo không gian để kiều bào góp sức thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, ước tính có khoảng 50 hội trí thức và mạng lưới trí thức người Việt đã thành lập tại các nước, có hơn 500.000 chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc ở các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty kỹ thuật và công nghệ cao tại các nước và nhiều tổ chức quốc tế trong hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn.

Nhiều người trẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài là thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba, các du học sinh Việt Nam đã bước đầu thành đạt trong kinh doanh, thành công tại các trung tâm khởi nghiệp lớn của thế giới. "Đó là nguồn lực rất lớn có thể đóng góp vào sự phát triển đất nước", ông Hiệu nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng, việc đưa startup Việt ra thế giới tiếp cận với các hệ sinh thái phát triển cũng như việc thu hút các chuyên gia, trí thức, kiều bào người Việt ở nước ngoài chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là đặc biệt quan trọng.

Trong phát biểu tại "Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest 2018" tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ lúc đó đã nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải đi ra thế giới, chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”.

Phát huy nguồn lực kiều bào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) trong sự kiện Techfest 2018

Người tài Việt trên toàn cầu đang trở về với một niềm tin lớn

Thực tế cho thấy, những người tài học tập và phát triển ở nước ngoài đã và đang tìm về khởi nghiệp ở Việt Nam bởi những thế mạnh và tiềm năng lớn của một nơi mà hệ sinh thái khởi nghiệp đang ở những bước đầu phát triển mạnh mẽ.

Từ bỏ công việc đáng mơ ước tại Google cách đây 10 năm, TS. Cao Anh Tuấn và năm tiến sĩ người Việt khác từ các trường đại học hàng đầu của Mỹ đã quay trở lại phòng nghiên cứu và phát triển công nghệ giải mã gen bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Năm 2017, đội ngũ của anh sáng lập công ty. Đến cuối năm 2019, startup Genetica có mặt ở Việt Nam với khát vọng mang hệ gen của người Việt nói riêng, người châu Á nói chung vào bản đồ gen thế giới và thành lập một trung tâm giải mã gen hàng đầu châu Á tại Việt Nam.

Đến năm 2021, dịch vụ của Genetica đã hiện diện ở Mỹ, Singapore và Việt Nam. Các bằng sáng chế đã được đăng ký và có thể triển khai ở hàng chục quốc gia. Hiện đội ngũ Genetica đã sẵn sàng để tiến xa hơn ở thị trường Đông Nam Á và New Zealand - nơi có lượng lớn người dân châu Á sinh sống.

Anh Tuấn cho biết, một trong ba yếu tố quan trọng hàng đầu anh nhận ra khi về Việt Nam khởi nghiệp là những người cố vấn (mentor) để có thể tư vấn giúp startup vượt qua khó khăn, giúp định hướng để không chọn nhầm hướng và lỡ cơ hội.

Một trong những người cố vấn cho anh Tuấn vào thời điểm mới thành lập công ty mà anh nhớ mãi là Lê Diệp Kiều Trang, đồng sáng lập quỹ Alabaster.

“Còn nhớ năm 2017-18, tôi đã qua nhà chị Trang để hỏi vì chị Trang và chồng là anh Sonny đã xây được Misfit sau đó bán được 260 triệu USD, là trường hợp người Việt ở nước ngoài thành công. 

Chị đã đưa cho tôi nhiều gợi ý, chia sẻ hay từ những thành công và trải nghiệm. Tôi lắng nghe và chọn lọc để phát triển công ty”, anh Tuấn chia sẻ.

Dù ở trong nước hay ở Mỹ, Kiều Trang luôn được giới start up Việt Nam ưu ái gọi là “cô gái vàng”. 

Sau thành công của Misfit Wearables, cô từng giữ vị trí giám đốc quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook rồi sau đó là Tổng giám đốc Go-Viet trong một thời gian khá ngắn trước khi quay lại con đường startup với việc thành lập quỹ đầu tư của gia đình mang tên Alabaster chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ.

Theo đồng sáng lập Alabaster, nếu nhìn vào chỉ số phát triển con người, Việt Nam đứng hàng 118. Tuy nhiên, nếu nhìn vào xếp hạng của OECD về nền giáo dục trên khía cạnh toán, khoa học và đọc hiểu thì Việt Nam xếp hạng 12, đội tuyển Việt Nam thi Olympic toán quốc tế lúc nào cũng trong top 10.

“Vậy nguồn lực rõ ràng mà chúng ta có là nguồn lực về con người, đặc biệt là trong lĩnh vực toán và khoa học kỹ thuật. Khi đầu tư ở Việt Nam, vốn và công nghệ được mang từ nước ngoài về, còn con người thì chúng tôi đặt niềm tin vào con người Việt Nam”, Kiều Trang nhấn mạnh.

Cách đây một năm, Alabaster đem công nghệ in 3D của startup Avero về Việt Nam và mở nhà máy in 3D đầu tiên trên thế giới. 

Kiều Trang nhận ra rằng, tự động hóa và AI đã cho ngành công nghiệp sản xuất sự đột phá lớn hơn rất nhiều so với ngành truyền thống. Việt Nam có thể tận dụng được AI và thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất từ trước đến nay.

Phát huy nguồn lực kiều bào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp 2
Lê Diệp Kiều Trang, đồng sáng lập quỹ Alabaster

Một startup khác được Alabaster đầu tư là Harrison hoạt động trong lĩnh vực y khoa được sáng lập bởi hai anh em người Việt sau khi tốt nghiệp tại Úc với sản phẩm đầu tiên là công cụ sử dụng AI để chuẩn đoán hình ảnh X-quang lồng ngực mang tên Annalise.ai.

Trong khi các sản phẩm tương tự trên thị trường chỉ chuẩn đoán được 21 loại bệnh, Annalise.ai của startup này có thể chuẩn đoán được 124 loại bệnh. Sản phẩm này được công nhận và cho lưu hành ở các bệnh viện tại Australia, New Zealand, châu Âu và đang chờ được sử dụng tại Mỹ.

Theo Kiều Trang, Việt Nam là một trong số ít quốc gia hội tụ cả hai nguồn lực lao động cùng lúc: nguồn lực có trình độ kỹ thuật và lao động cơ bản dồi dào. Trong khi đó, Indonesia có nguồn lao động dồi dào nhưng nguồn lực kỹ thuật thì ít ỏi, còn Singapore thì ngược lại.

Từng là kỹ sư của Google và sau đó trở thành kỹ sư thứ 100 của công ty khởi nghiệp Airbnb có trụ sở ở thung lũng Silicon (Mỹ), anh Phạm Kim Cương dành rất nhiều thời gian và tâm huyết đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ.

Anh tìm ra cách để giúp cho nhiều người “khởi nghiệp” trong lĩnh vực dịch vụ homestay và du lịch với mô hình cohost. Từ đó công ty Cohost AI được anh sáng lập tại Mỹ và có trụ sở chính tại Việt Nam. Năm 2019, anh quyết định chuyển hết về Việt Nam sau khi nhận đầu tư từ hai quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo anh Cương, bối cảnh Covid-19 cho thấy, các doanh nghiệp trong nền kinh tế chia sẻ có khả năng chuyển mình và hồi phục nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch thường chỉ mất hai tháng sau mỗi đỉnh dịch để hồi phục.

Veque Homestay là một nền tảng đặt phòng tập trung đa dạng homestay và căn hộ dịch vụ do nhóm năm bạn trẻ Việt sáng lập. 

Anh Cương cho biết, trước thời điểm dịch, startup này kinh doanh rất có lãi, đạt doanh số đáng mơ ước. Dịch bệnh xảy ra khiến doanh số giảm về 0 nhưng nhóm không đầu hàng mà họp lại hàng ngày để tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh để vượt qua đại dịch. Kết quả là đến tháng 4/2021 đã bắt đầu mở rộng và đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng/tháng trước khi đợt dịch thứ tư xảy ra.

Anh Cương cho biết, sau những chia sẻ về kế hoạch tương lai, Veque và Cohost đã tìm được nhiều điểm chung. Anh đã quyết định đầu tư vào Veque để cùng phát triển một doanh nghiệp trong ngành kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Phát huy nguồn lực kiều bào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp 3
Nhà sáng lập Cohost Phạm Kim Cương (trái), cựu kỹ sư phần mềm của Google và Airbnb

Ở một châu lục khác, Trần Bảo Khánh, đồng sáng lập của thương hiệu giày cà phê Rens Original có trụ sở tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) từng có thời gian làm việc trong ngành thời trang, thương mại điện tử với rất nhiều kinh nghiệm với vai trò cựu giám đốc điều hành và nhà sáng lập của FactoryFinder. 

Đây là startup với mô hình giúp các hãng thời trang nhỏ của châu Âu làm việc với các nhà máy chất lượng cao, thân thiện môi trường ở Việt Nam và Trung Quốc.

Cuối 2017, anh Khánh và đồng sáng lập Rens Original Chu Hoàng Sơn tạo một sản phẩm thời trang thân thiện môi trường nhưng cũng rất chất, có các tính năng phù hợp với giới trẻ. Đó là tiền thân của những đôi giày mang thương hiệu Rens.

Chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên Kickstarter của Rens năm 2019 với sản phẩm giày cà phê chống thấm nước, được làm từ 300gr bã cà phê và 6 chai nhựa, đã thu về hơn nửa triệu USD tiền đầu tư từ hơn 5.000 khách hàng trên toàn thế giới. 

Rens Original trở thành hiện tượng gọi vốn cộng đồng ngành thời trang thành công nhất Bắc Âu. Với những thành công này, anh Khánh ghi tên mình vào danh sách Forbes 30 Under 30 năm 2020 của cả Việt Nam và châu Âu.

Sau đợt sản xuất đầu tiên, đồng sáng lập Rens quyết định chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Với anh Khánh, đó là một quyết định khá táo bạo trong thời điểm dịch bệnh. Dù vậy, đội ngũ Rens vẫn rất tự tin vì trong 10 năm qua, công nghệ và chất lượng sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành da giày và quần áo của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt trội với công nghệ mới và nguồn nguyên vật liệu dồi dào.

“Theo kết quả Rens thấy, chất lượng sản phẩm sản xuất ở Việt Nam vượt trội hơn nhiều so với khi sản xuất giày ở Trung Quốc”, anh Khánh cho biết.

Không chỉ vậy, anh cho rằng nhờ vào các chính sách kịp thời và quyết đoán mà Việt Nam may mắn là một trong những nước an toàn trong việc sản xuất giữa tâm dịch. Điều đó góp phần quan trọng trong sự thành công trong sản xuất hiện nay. 

Dù Việt Nam đang ở đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay nhưng anh Khánh vẫn tin vào công tác quản lý và các quyết sách của Chính phủ.

3 yếu tố để phát huy nguồn lực người Việt ở nước ngoài

Dù nhiều kiều bào, đặc biệt là các startup, đang trở về tìm kiếm cơ hội cũng như góp sức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nhưng theo các startup và cả các chuyên gia, vẫn còn nhiều thách thức cần xoá bỏ.

Lê Diệp Kiều Trang cho biết, chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển chưa có sự đồng bộ. Ví dụ khi Arevo được cấp phép vào khu công nghệ cao TP. HCM, theo luật công nghệ cao, Arevo hoàn toàn đủ điều kiện.

Arevo đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của Quyết định 66/2014 với hoạt động là 'dịch vụ in 3D từ sợi carbon'. Tuy nhiên, bên hải quan nói rằng 'dịch vụ in 3D từ sợi carbon' không phải là 'sản xuất sản phẩm in 3D từ sợi carbon'. Mà nếu không có chữ "sản xuất" thì các thủ tục mua bán xuất khẩu sẽ không thực hiện được.

Giải pháp thay thế được đưa ra là xây dựng một nhà máy khác tại khu chế xuất Linh Trung hoạt động như một công ty chế xuất bình thường và không nhận được những ưu đãi là công ty công nghệ cao.

Kiều Trang cho rằng, các chính sách ưu đãi cần được đồng bộ và đầy đủ hơn. Đặc biệt, với các công ty công nghệ, tốc độ vô cùng quan trọng. Chỉ cần trễ nửa năm đến một năm thì công nghệ sẽ lỗi thời, các công ty khác sẽ đuổi kịp.

Phát huy nguồn lực kiều bào phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp 4
Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Trần Văn Tùng (trái) và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu ký biên bản hợp tác và phát động chương trình “Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu”.

Theo ông Ngô Hướng Nam, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, để kết nối người tài về phát triển đất nước thì cần ba yếu tố: chính sách, các cơ quan tổ chức cụ thể đứng ra thực hiện và các chương trình cụ thể để kết nối.

Mới đây, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Văn phòng Đề án 844 phối hợp cùng đối tác chuyên môn là Swiss EP cùng Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã khởi động chương trình Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Trong chương trình, các chuyên gia người Việt ở nước ngoài sẽ hỗ trợ các startup Việt Nam giải quyết các vấn đề, khó khăn mà startup đang gặp phải dưới dạng hình thức cố vấn 1-1. Chương trình dự kiến có sự tham gia của các chuyên gia người Việt về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Silicon Valley (Mỹ), Đức, Vương Quốc Anh, Nhật Bản,... trên nhiều lĩnh vực như Fintech, Edtech, Agritech,... Từ đó, hình thành mạng lưới chuyên gia cố vấn người Việt ở nước ngoài hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.