Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại từ 8 - 13% GDP hàng năm của toàn châu Á

Phạm Sơn - 16:07, 17/08/2020

TheLEADERBiến đổi khí hậu sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho khu vực châu Á, ước tính khoảng từ 8 – 13% tổng GDP của khu vực này cho đến năm 2050.

Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại từ 8 - 13% GDP hàng năm của toàn châu Á
Các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với cường độ cao hơn nữa do tác động của biến đổi khí hậu.

Vừa qua, công ty tư vấn toàn cầu Mckinsey đã công bố bản báo cáo Rủi ro khí hậu và khả năng ứng phó ở châu Á, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm dấy lên những lo ngại về sức đề kháng cũng như khả năng phục hồi của các nền kinh tế trước các thảm họa thiên nhiên.

Báo cáo đã chỉ ra rằng tốc độ nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn bất kỳ thời kỳ nào trong quá khứ, gây ra nhiều hiệu ứng thiên nhiên tàn khốc. Suốt một thập kỷ vừa qua, châu Á đã phải đón nhận nhiều thảm họa tự nhiên như siêu bão Haiyan năm 2013 tàn phá một loạt các nước Đông Nam Á, lũ lụt lớn ở Hồ Nam làm ảnh hướng tới sinh kế của gần 8 triệu người.

Theo kịch bản xấu nhất có thể xảy ra mà các chuyên gia của McKinsey dự đoán, tới năm 2050 nền nhiệt của toàn châu Á có thể tăng trung bình hơn 2 độ, gây ra những diễn biến khó lường hơn rất nhiều.

Theo đó, khoảng 600 triệu tới 1 tỷ dân số châu Á sẽ phải sống trong những khu vực chịu ảnh hưởng của các đợt nắng nóng chết người. An ninh lương thực cũng gặp phải nhiều đe dọa sản lượng lương thực bị suy giảm do lũ lụt và hạn hán. Thiệt hại ước tính rơi vào khoảng 4,7 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Nông nghiệp, du lịch và cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở nhóm các nền kinh tế châu Á mới nổi, bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với thiệt hại lên đến 13% GDP mỗi năm cho tới năm 2050.

Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9 thế giới về rủi ro gây ra bởi biến đổi khí hậu. Nhiều dự đoán đã đưa ra viễn cảnh cho tới năm 2050, gần như toàn bộ đồng bằng Nam Bộ sẽ chìm dưới đáy biển nếu các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính không thành công.

Biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại từ 8 - 13% GDP hàng năm của toàn châu Á
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 9 thế giới về rủi ro gây ra bởi biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Niên.

Thực tế, nhóm thu nhập thấp sẽ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập kéo theo nhiều vấn nạn xã hội cũng là tác nhân gây ra tổn thương về kinh tế ở châu Á.

Giải pháp nâng cao sức chống chịu đối với biến đổi khí hậu

Các chuyên gia thực hiện báo cáo cho rằng châu Á, với thị trường của 4 tỷ dân số thế giới, có thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc cắt giảm khí thải toàn cầu.

Cụ thể, McKinsey đề xuất những giải pháp sau

Đầu tiên, các doanh nghiệp cần đặt mối quan tâm về môi trường trong các quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh, bao gồm việc thiết kế sản phẩm, thay đổi dây chuyền sản xuất cũng như chú trọng đến quá trình xử lý xả thải.

Theo nhóm chuyên gia đến từ McKinsey, tư duy đặt lợi nhuận lên trên hết đã không còn phù hợp trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.

Thứ hai, quy hoạch đô thị bền vững. Quá trình đô thị hóa là một trong những tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, đặc biệt do sự quy hoạch bừa bãi, thiếu bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng tăng nhanh.

Quy hoạch đô thị nói riêng và đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung là một bước đi dài hơi. Không chỉ cần đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tránh làm tổn hại tới tự nhiên, chính phủ cũng cần xem xét tới khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước rủi ro về các diễn biến khó lường của thời tiết.

Cuối cùng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống định lượng rủi ro. Theo McKinsey, việc lựa chọn mô hình rủi ro không phù hợp và thiếu hiệu quả có thể dẫn tới những phán đoán sai lệch, đặc biệt đối với lĩnh vực môi trường – khí hậu vốn chứa nhiều yếu tố biến động khó lường.

Đánh giá rủi ro về môi trường là công tác nền tảng để tối ưu hóa sử dụng nguồn lực cho công tác tăng cường khả năng thích ứng và sự chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đánh giá rủi ro biến đổi khí hậu cũng là một trong những trọng tâm chính được đặt ra trong Kế hoạch Quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/7 vừa qua.

Ông Jonathan Woetzel, Giám đốc Viện Toàn cầu McKinsey nhận định, các quốc gia châu Á đã có những động thái nhất định trong việc tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để những dự đoán xấu nhất không xảy ra, các chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa, bao gồm việc cải thiện những chính sách tác động đến môi trường cũng như tăng cường hợp tác quốc tế.