Leader talk
Blockchain và tiền điện tử tăng nhiệt ở Đông Nam Á
Sự gia tăng vượt bậc trong việc áp dụng tiền điện tử đã khiến khu vực Trung Á và Đông Nam Á trở thành thị trường tiền điện tử lớn thứ tư thế giới.
Cũng không có gì phải ngạc nhiên với sự bùng nổ này. Theo phân tích của Chainalysis, thị phần tiền điện tử của khu vực Trung Á và Đông Nam Á (CSAO) trên toàn cầu đã tăng từ 2% trong tháng 7/2020 lên mức 14% vào tháng 6/2021. Với giá trị giao dịch hơn 572,5 tỷ USD trong giai đoạn này, thị trường CSAO ghi nhận mức tăng trưởng 706% chỉ sau một năm.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào ngày 24/9/2021 đã tuyên bố, tất cả giao dịch tài chính liên quan đến tiền điện tử ở nước này đều bất hợp pháp. Cơ quan này cảnh báo tiền điện tử đe doạ nghiêm trọng đến an toàn tài sản của người dân. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho một sự ngưng trệ trong quá trình phát triển tiền điện tử ở Đông Nam Á, hay là lý do chính đáng để lạc quan trước lệnh cấm của Trung Quốc?
"Chúng ta sẽ thấy làn sóng di cư ngày càng rõ nét của giới kinh doanh tiền điện tử Trung Quốc. Tôi tin rằng điều đó sẽ khiến tiền điện tử trở nên phổ biến ở Đông Nam Á và nhanh chóng khiến thị trường này trở thành một điểm nóng", bà Lily Z. King, Giám đốc vận hành một nền tảng quản lý tài sản và lưu ký tiền điện tử có trụ sở tại Singapore chia sẻ trên Forkast.
Lily Z. King nhận định, lệnh cấm của Trung Quốc sẽ khiến giới đầu tư nước này ngày càng e dè, dẫn đến sự chuyển hoá sức mạnh tiền điện tử từ Trung Quốc sang các thị trường khác, đặc biệt là Đông Nam Á.
“Trước những ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng Covid-19, dòng chảy mới về vốn và công nghệ có thể mang lại một lực đẩy quan trọng cho nền kinh tế số của Đông Nam Á. Về dài hạn, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà phát triển tiền điện tử Trung Quốc nói riêng cũng như phong trào tiền điện tử trên toàn cầu nói chung”, bà Lily S. King nhận định.
Nếu luận điểm đó chính xác thì những xu hướng tiền điện tử/blockchain nào hiện nay có khả năng tăng tốc luôn thay vì phải đổi mới để trở lại đường đua?
Báo cáo của Chainalysis chỉ ra sự tăng trưởng rõ rệt trong hoạt động tài chính phi tập trung (DeFi) không chỉ ở Đông Nam Á mà cả Trung Á và Châu Đại Dương.
Từ tháng 5/2020, hoạt động tài chính phi tập trung đã tăng vọt, đạt trên 50% trong tất cả khối lượng giao dịch vào tháng 2/2021. Hoạt động này chủ yếu được thực hiện trên các nền tảng như Uniswap, Instadapp và dydx thông qua các giao thức như Compound, Curve, AAVE và 1inch.
Nhưng đằng sau những phân tích này, điều gì sẽ giúp giải thích về các tác động có thể có từ lệnh cấm của Trung Quốc?
Singapore được biết đến như một quốc gia tiên phong trong việc áp dụng tiền điện tử và blockchain. Dẫn số liệu từ CoinMarketCap năm 2019, một bài báo trên Hacker Noon chỉ ra, có 634 công ty được thành lập tại Singapore liên quan đến tiền điện tử, tổng giá trị đạt 8,3 tỷ USD.
Chưa dừng lại ở đó, vào cuối năm 2020, một chương trình có giá trị hàng triệu đô la đã được Singapore khởi động, góp phần tăng thêm sức mạnh cho hệ sinh thái blockchain của nước này.
Cơ quan Phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA) cho biết, sự hỗ trợ này rất cần thiết trong bối cảnh sự thiếu hụt những hình mẫu thành công quy mô lớn ngoài lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đang cản trở tiến trình đưa blockchain vào ứng dụng một cách chính thống.
"Sự non trẻ của nó đồng nghĩa với việc thiếu hụt các mô hình kinh doanh được mã hóa trên môi trường đáng tin cậy của blockchain. Ngành công nghiệp này sẽ mang lại những giải pháp blockchain độc lập và chuyên biệt hơn là các chuỗi khối tương thích”, IMDA nói.
Cơ quan này cũng lưu ý rằng, hiện vẫn thiếu hụt sự hỗ trợ dành cho các startup đang tìm kiếm những đối tác có cùng chí hướng. Trong khi đó, báo cáo Hệ sinh thái blockchain Singapore 2020 được công bố vào cuối năm ngoái chỉ ra, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý danh tính để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Đáng chú ý, các quy định rất rõ ràng của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã trở thành động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiền điện tử bỏ qua lệnh cấm của Trung Quốc để đẩy mạnh triển khai hoạt động ở Singapore. Trên thực tế, đảo quốc này đã trở thành nơi đặt trụ sở của nhiều công ty tiền điện tử của Trung Quốc, bao gồm sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới - Binance.
“Singapore có các quy định rất rõ ràng cho hoạt động của các loại tiền điện tử khác nhau như token thanh toán, chứng khoán, lưu ký, quản lý quỹ tiền điện tử… Điều này đương nhiên hấp dẫn bất kỳ công ty tiền điện tử nào, cho dù từ Trung Quốc hay quốc gia khác, trong việc xem xét việc thiết lập văn phòng ở đây”, Chia Hock Lai, đồng Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Singapore cho biết.
Xét về yếu tố nhân khẩu của sáu nền kinh tế hàng đầu khu vực bao gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể thấy, một nửa trong tổng số khoảng 580 triệu người dân đang ở độ tuổi dưới 35.
Về tỷ lệ người dân sử dụng tiền điện tử, trái ngược với việc ứng dụng trong kinh doanh ở Đông Nam Á, thì Việt Nam không chỉ đứng đầu bảng xếp hạng khu vực mà còn trên thế giới khi xét về khối lượng giao dịch trên các nền tảng ngang hàng (P2P).
Báo cáo toàn cầu 2021 của Chainalysis đã chỉ ra: “Nhiều người sử dụng các sàn giao dịch tiền điện tử P2P làm cơ sở chuyển đổi chính của họ sang tiền điện tử, thường là vì họ không có quyền truy cập vào các sàn giao dịch tập trung”.
Bên cạnh đó, việc cờ bạc bị coi là hoạt động bất hợp pháp ở Việt Nam cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với các hoạt động tương tự thông qua tài sản tiền điện tử.
Đông Nam Á có khoảng 290 triệu người chưa có tài khoản ngân hàng, chủ yếu ở Indonesia, Philippines và Việt Nam. Đây là một yếu tố góp phần thúc đẩy hình thức P2P mà trong đó, ví tiền điện tử Novi của Facebook (nay đã đổi tên thành Meta) được dự đoán sẽ phát triển rất mạnh trong khu vực.
Lấy ví dụ, số liệu năm 2019 của Ngân hàng Trung ương Philippines cho thấy, 71% người trưởng thành ở nước này không có tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, trái ngược với giới trẻ Mỹ đang rời xa Facebook thì số lượng người dùng Facebook có tuổi đời từ 18-24 ở Philippines chiếm tới 33%. Hồ sơ người dùng được Metamask hỗ trợ. Metamask là ví tiền điện tử được sử dụng như tiện ích mở rộng trên các trình duyệt Chrome, Firefox và Brave.
Đến đầu tháng 9/2021, Metamask đã cán mốc 10 triệu người dùng tích cực hàng tháng, trong đó, Philippines chiếm 1/5, nhờ vào sự thành công của Axie Infinity – một trò chơi trực tuyến từ thế giới DeFi dựa trên NFT cho phép người chơi kiếm tiền. Tựa game này do một startup Việt mang tên Sky Mavis phát triển.
Dẫn thông tin từ cha đẻ của Axie Infinity, Business Insider cho biết, Philippines là quốc gia có lượng người chơi đông đảo nhất, chiếm tới 40%.
“Động lực lớn nhất cho tiền điện tử trong vài năm tới sẽ không phải là DeFi, cũng sẽ không mở rộng ra các sàn giao dịch tập trung, mà sẽ là GameFi (các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính)”, Brian Lu, đối tác tại Headline Asia và Infinity Ventures Crypto, nhận định trên Forkast. Headline Asia và Infinity Ventures Crypto là những công ty đã đầu tư vào các dự án tiền điện tử ở Đông Nam Á.
Theo chuyên gia này, “GameFi sẽ thúc đẩy việc áp dụng tiền điện tử ở Đông Nam Á và Nam Á. Blockchain và lĩnh vực chơi để kiếm tiền sẽ thu hút người chơi hiện không dùng tiền điện tử và [biến] họ thành người dùng tiền điện tử một khi họ nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn hoặc bổ sung vào nguồn thu nhập của mình chỉ bằng việc ngồi chơi game vài tiếng đồng hồ mỗi ngày”.
Sự đa dạng trong việc áp dụng tiền điện tử, cho dù là các doanh nghiệp thành công dựa trên tiền điện tử hay các game thủ chơi để kiếm tiền, đã chứng minh được tiềm năng lớn của lĩnh vực này ở Đông Nam Á.
Dù là một quốc gia đang dẫn đầu về ứng dụng blockchain thì các chương trình được Singapore đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua cũng cho thấy sự cấp thiết của việc phối hợp hành động giữa các bên liên quan để vươn mình thành quốc gia hàng đầu thế giới về ứng dụng công nghệ phi tập trung trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc cũng đang nỗ lực trở thành nước dẫn đầu về chuỗi khối (dù không ngừng đàn áp các loại tiền điện tử).
Cho dù được ứng dụng để phục vụ nhu cầu của những người dân không có tài khoản ngân hàng hay hỗ trợ trong lĩnh vực y tế thì cơ hội trong lĩnh vực tiền điện tử và blockchain vẫn đang chờ đón những “người chơi” sẵn sàng nắm bắt.
(Bạn đọc có thể xem bài viết tiếng Anh của tác giả tại đây: https://e.theleader.vn/the-rise-of-the-use-of-blockchain-and-crypto-in-southeast-asia-1635393795663.htm).
(*) Anndy Lian (Singapore) là một nhà chiến lược kinh doanh ở châu Á. Ông đã cung cấp dịch vụ tư vấn trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho các chính phủ và công ty niêm yết trong và ngoài nước. Ông là người có kinh nghiệm với blockchain từ giai đoạn rất sớm và cũng đồng thời là doanh nhân, tác giả sách, nhà đầu tư, thành viên hội đồng quản trị và diễn giả chính của các hội thảo lớn ở trong nước và khu vực.
Ông hiện là Cố vấn trưởng kỹ thuật số tại Cơ quan Năng suất Mông Cổ, một quốc gia đang đi rất nhanh trên hành trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện ông còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch BigONE Exchange châu Á.
Nguy và cơ trong cuộc chơi công nghệ mới của ngành giải trí
Việt Nam có quỹ đầu tư 10 triệu USD cho startup blockchain
Alpha Moon Captial là quỹ đầu tư có quy mô 10 triệu USD, chuyên rót vốn vào các dự án trong hệ sinh thái blockchain tại Việt Nam.
Startup game blockchain huy động 1,7 triệu USD
Sau khi gây quỹ thành công, Heroverse được kỳ vọng nối tiếp những bước tiến của Axie Infinity trên thị trường NFT Game.
Ứng dụng blockchain trong tái định hình ngành công nghiệp tài chính
Việc áp dụng công nghệ blockchain sẽ giúp xử lý nhiều giao dịch hơn với chi phí thấp hơn.
Nhu cầu tuyển dụng nhân sự trí tuệ nhân tạo, blockchain tăng mạnh
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong nhu cầu tuyển dụng nửa đầu 2019, tăng 46% so với năm 2017.
Kinh tế số quốc gia lấy quản trị số làm gốc
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.