Bộ Nông nghiệp muốn vay 360 triệu USD trồng lúa chất lượng cao

Nhật Hạ - 16:59, 09/04/2024

TheLEADERBộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự kiến vay 360 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới để triển khai đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 dự kiến được thực hiện từ năm 2026 đến 2031.

Mục tiêu của đề án nhằm thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao và sẽ được đo bằng các chỉ số tăng năng suất, sản lượng lúa gạo, thu nhập của người dân, giảm phát thải khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế.

Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư đề án hơn 470 triệu USD, tương đương gần 11.800 tỷ đồng.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn dự kiến vay Ngân hàng thế giới khoảng 360 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng); vốn đối ứng trong nước từ đầu tư công trung hạn hơn 112 triệu USD, đại diện ban quản lý các dự án nông nghiệp cho biết ở cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Cần Thơ ngày 8/4.

Diện tích lúa triển khai của dự án 949.000 ha và mỗi ha sẽ được đầu tư 325 - 794 USD.

3/4 vốn cho đề án một triệu héc ta lúa ở ĐBSCL sẽ vay từ Ngân hàng Thế giới
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Dự án được chia làm ba hợp phần gồm đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển và chuyển giao kỹ thuật và quản lý dự án.

Hợp phần một sẽ đầu tư hệ thống thuỷ lợi, hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số, hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo, hệ thống giao thông, năng lượng xanh, các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử để nâng cao chuỗi giá trị gạo carbon thấp tại 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Hợp phần hai sẽ nâng cao năng lực kỹ thuật cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.

Hợp phần này gồm nhiều lĩnh vực về nghiên cứu, phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu và carbon thấp; công nghệ cải tiến tiết kiệm nước, phương án bón phân giảm khí nhà kính; tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn và giảm chất thải.

Còn hợp phần ba sẽ cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá dự án được triển khai theo các mục tiêu, chỉ tiêu và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, đề án này của Chính phủ đòi hỏi phải có cơ chế đồng bộ không chỉ ở một triệu ha mà còn nhân rộng diện tích ra 3,8 triệu ha theo chương trình lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Trước đây, lượng lúa giống gieo bình quân của nông dân ĐBSCL rất lớn, rơi vào khoảng 100 - 150 kg/ha. Tham gia cánh đồng một triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải với việc áp dụng cơ giới hóa sạ hàng giúp giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 60 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm đổ ngã và thất thoát sau thu hoạch.

Dự án đã bắt đầu khởi công từ ngày 5/3 tại hợp tác xã Thuận Tiến, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Cần Thơ.

Theo đó, mô hình tại hợp tác xã này sẽ đáp ứng các tiêu chí gồm sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ; áp dụng bón phân chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn lần mỗi vụ; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…

Đề án 1 triệu ha lúa thu hút nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã tham gia, đồng hành như Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức.

Trước đó, để thực hiện đề án này, vào tháng 6/2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo và giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam làm đồng chủ trì nhóm công tác.