'Bồi bổ' cho du lịch Phú Yên

Phương Linh - 12:24, 19/07/2023

TheLEADERPhú Yên có thể kết hợp trồng dược liệu với du lịch sinh thái gắn với chăm sức khỏe để vừa khai thác nguồn dược liệu quý, vừa phát triển du lịch.

Du lịch và dược liệu là hai lĩnh vực có mối tương tác tương hỗ một cách tích cực mà mỗi lĩnh vực đều có thể tạo nên sức bật đột phá khi có sự cộng tác của lĩnh vực còn lại. Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Archi Group nêu quan điểm và nhấn mạnh rằng, Phú Yên có nhiều nguồn giống dược liệu từ lâu đời, có văn hóa sử dụng dược liệu truyền thống, môi trường rừng nên là nơi sinh trưởng tốt cho các loại dược liệu, đồng thời cũng là tài nguyên du lịch lý tưởng.

Tại nhiều thị trường du lịch lớn ở Việt Nam và trên thế giới đã minh chứng sản vật địa phương và cao hơn nữa là các sản phẩm dược liệu là một trong những chất liệu tạo nên sản phẩm du lịch chất lượng. Qua đó, địa phương sẽ có thể nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút du khách đến du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu đầu người thông qua sử dụng và mua sắm, nhằm tăng vượt trội doanh thu từ du lịch.

Sự phát triển của du lịch sẽ làm kích thích nhu cầu tiêu thụ dược liệu thông qua sử dụng tại địa phương hoặc làm quà và cũng từ đó, thương hiệu của địa phương sẽ được quảng bá một cách tự nhiên rộng khắp.

Xu hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với thế giới khi nhu cầu sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh đang ngày càng trở thành một xu hướng phát triển trên toàn cầu, nhất là ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng về dược liệu quý nhưng vẫn chưa được phát triển xứng tầm. Theo số liệu thống kê, Việt Nam là nước xuất khẩu các sản phẩm dược liệu và gia vị lớn trên thế giới với doanh thu hàng năm trong những năm gần đây lên tới khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên, chỉ một lượng nhỏ được tiêu thụ nội địa, còn lại được xuất sang các nước khác, đặc biệt là xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Trong thời gian qua, hiện tượng xuất khẩu lậu nhiều dược liệu và vận chuyển, xuất khẩu dược liệu tự nhiên qua biên giới theo đường tiểu ngạch đã làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cây thuốc, suy giảm đa dạng sinh học và có thể làm biến mất nhiều loài cây thuốc quý hiếm cùng với tri thức bản địa của địa phương và quốc gia.

Hầu hết các dược liệu được khai thác nhỏ lẻ, phân tán nên chưa hình thành thị trường tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, thu mua ổn định. Do đó, việc phát triển ngành dược liệu bền vững tại mỗi địa phương là vô cùng quan trọng.

Lấy dẫn chứng tại Hàn Quốc, ông Trung cho biết, đất nước này đã quảng bá thành công sản phẩm sâm mang biểu tượng quốc gia tới hàng triệu người trên thế giới, qua đó phát triển ngành du lịch với các tour trải nghiệm tới các cơ sở trồng trọt và chế biến nhân sâm, đem lại doanh thu vô cùng lớn. Còn tại Lào Cai của Việt Nam, người dân ở đây cũng đã biết kết hợp du lịch với trải nghiệm tắm lá thuốc mà bất cứ ai đến đều không thể bỏ qua.

Ông Trung cho rằng, việc phát triển du lịch sức khỏe, du lịch chữa lành trên nền tảng tận dụng môi trường rừng, kết hợp với phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ tạo nên sản phẩm du lịch riêng có của Phú Yên.

Nhà đầu tư này cho rằng Phú Yên có thiên nhiên rừng phong phú và đặc sắc, đa phần không có vắt và gắn với các loài dược liệu quý là tài nguyên rất tốt để phát triển mô hình du lịch chữa lành. Đặc biệt, vị trí nằm giữa hai thị trường du lịch vui chơi giải trí đã phát triển là Bình Định Khánh Hòa, Phú Yên sẽ là điểm nhấn đẹp và hợp lý trong thị trường du lịch khu vực.

“Bằng việc tạo nên các “kịch bản chữa lành” 3-7 ngày, phối hợp giữa các chuyến đi chữa lành và các hoạt động thiền định, các liệu pháp chữa lành, thời gian lưu trú của khách hàng sẽ gia tăng và doanh thu đầu người sẽ đột phá,” ông Trung khẳng định.

Nếu được thực hiện một cách bài bản, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự tham gia của các doanh nghiệp uy tín, có năng lực và kinh nghiệm phát triển, các hoạt động lịch chữa lành và du lịch sức khỏe gắn với sử dụng dược liệu sẽ giúp phát triển các vùng trồng, bảo tồn và phát triển dược liệu một cách bền vững.

Tất nhiên, việc phát triển du lịch này cũng cần đi đôi với các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, trồng dược liệu phải đi đôi với phát triển rừng bền vững, tránh xâm lấn ảnh hưởng tới sự bền vững của môi trường rừng. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng trồng dược liệu và quy trình sau thu hoạt để dược liệu có chất lượng tốt, tin cậy, tạo uy tín lâu dài cho cho sự phát triển du lịch gắn với chăm sóc sức khoẻ của địa phương.

Việc phát triển dược liệu dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị của rừng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, người dân địa phương, đồng thời nếu quản lý tốt sẽ góp phần bảo tồn đa đa dạng sinh học cũng như sử dụng bền vững tài nguyên rừng.

Ông Trung cho biết Archi đang hợp tác với nhiều nhà khoa học bảo tồn các nguồn gen dược liệu quý hiếm nhằm kết hợp du lịch đem đến các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

'Bồi bổ' cho du lịch Phú Yên
Phú Yên có thể phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khoẻ. Ảnh: Hoàng Anh

Được biết, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang hoàn thiện đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp.

Đề án được xây dựng trên cơ sở Phú Yên sở hữu nhiều điều kiện khí hậu, địa hình, hệ sinh thái rất đa dạng, thuận lợi cho việc phát triển vùng dược liệu quý. Nhiều loài dược liệu là đặc hữu của Phú Yên như cam thảo đá bia, xáo tam phân, bá bệnh, mã tiền, ba gạc lá to, ba gạc lá nhỏ, vàng đắng và nhiều loài có giá trị kinh tế cao như quế, ba kích, sa nhân tím, sa nhân đỏ.

Tuy nhiên, Phú Yên chưa phát huy được tiềm năng lớn, lợi thế lớn của mình. Trong những năm qua, mặc dù việc sử dụng cây dược liệu trong chăm sóc sức khoẻ như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đã được các doanh nghiệp dược đầu tư sản xuất và bắt đầu có nhu cầu nhu cầu lớn, nhưng nguồn cung cấp sản phẩm dược liệu của Phú Yên chủ yếu dựa trên việc phát triển một số loài có thế mạnh vùng ven biển và vùng đồng bằng như dừa cạn, diệp hạ châu, tần lá dày, sâm bố chính, trinh nữ hoàng cung.

Đặc biệt, nguồn dược liệu tự nhiên của tỉnh đã và đang bị khai thác, sử dụng không bền vững khiến nguồn tài nguyên này dần bị cạn kiệt, nhiều loài không còn khả năng tái sinh. Các loài dược liệu trên đất lâm nghiệp có thế mạnh, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn ở Phú Yên đã bị suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do địa phương chưa biết tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng, đất chưa sử dụng, chưa có chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển những loài cây thuốc bản địa có sẵn ở địa phương.

Tại các khu rừng, do nhân sự bảo vệ rừng mỏng, bà con nông dân gần rừng còn khó khăn, phương thức khai thác thô sơ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn dược liệu quý, hoặc xu hướng khai thác hủy diệt làm giảm trữ lượng.

Tình trạng khai thác tràn lan, quá mức phổ biến, dẫn tới nguồn tài nguyên này ngày càng bị cạn kiệt, nhiều loài không còn khả năng phục hồi. Nhiều nơi, tình trạng người dân đổ xô vào rừng tìm cây dược liệu quý mang đi bán cho tư thương sau đó bán sang Trung Quốc ngày càng gia tăng mạnh làm nguồn dược liệu bị suy giảm nghiêm trọng.

Thực trạng này đang đặt ra vấn đề rất lớn trong việc bảo tồn, phát triển và phát huy lợi thế lớn về tự nhiên và nguồn gen quý về dược liệu tại Phú Yên. Theo đó, việc trồng dược liệu phải đi đôi với phát triển rừng bền vững.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh, một số loài dược liệu có trữ lượng còn khá lớn nhưng quá trình khai thác, sử dụng thiếu bền vững nêncần sớm giải pháp để bảo tồn, phát triển.

Việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trong lâm phần phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước cần có quy định cho phép ban quản lý liên doanh, liên kết với cácnhà đầu tư để bảo tồn và phát triển cây dược liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Phú Yên cần xây dựng và phát triển dược liệu trong tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, đất rừng, môi trường rừng, các hệ sinh thái, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giá trị sản phẩm từ rừng. Trong đó, tỉnh cần ưu tiên phát triển các chủng loại dược liệu chủ lực, đặc hữu, phù hợp các tiểu vùng.

Từng bước, Phú Yên cần xây dựng, hình thành được các vùng nguyên liệu hàng hóa, xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu dược liệu gắn các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh cần ứng dụng khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số gắn với công việc bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ, sản xuất giống, trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu

Đại diện UBND huyện Tây Hòa cũng cho rằng, tỉnh cần tăng cường mối liên kết hợp tác “bốn nhà” là nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, trong phát triển cây dược liệu, gắn với phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Việc liên kết các nhà đầu tư phát triển, bảo tồn cây dược liệu sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất; quản lý chặt các nguồn giống gốc, giống dược liệu có giá trị giá trị cao.

Bên cạnh đó, việc trồng sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, chưa có định hướng tổng thể và quy hoạch để phát triển lâu dài. Do đó, để phát triển ổn định, bền vững cấp tỉnh cần phải xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng, phát triển và chế biến sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Phú Yên cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, phát triển dược liệu; có cơ chế cụ thể để thu hút các doanh nghiệp khoa học kỹ thuật công nghệ cao đầu tư nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong bảo tồn, lai tạo, sản xuất giống cây và phát triển sản phẩm giá trị cao từ cây dược liệu.