Phát triển bền vững

Người đam mê sưu tầm và bảo tồn cây dược liệu quý

Thanh Bình - Hà Vũ Thứ sáu, 15/11/2019 - 08:05

Để trả “món nợ” cho người dân Tây Nguyên, ông Năm Khoa phát triển các vườn dược liệu để tạo thêm công ăn việc làm ổn định.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch Viện nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn (thường được gọi là ông Năm Khoa).

Sâm quý Việt Nam

Từ những năm Việt Nam rộng cửa giao lưu với quốc tế thì người dân cũng dần quen với các loại thực phẩm chức năng cao cấp dưới dạng các loại sâm của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ. Các nước này vừa có nguồn nguyên liệu phong phú, vừa bảo tổn được nguồn gen quý hiếm chọn lọc qua quá trình phát triển, hoặc có công nghệ chế biến, tách lọc hiện đại tạo ra các sản phẩm phong phú cho thị trường thế giới. 

Và cũng từ đó người ta mới giật mình nhớ lại Việt Nam cũng đã có các loại sâm quý, thậm chí rất hiếm mà đỉnh cao là sâm Ngọc Linh (núi Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) lại chưa được bảo vệ nghiêm nhặt, đến nỗi có lúc tưởng chừng như nguồn dược liệu quý trời ban này bị mất giống hoàn toàn.

Nhưng để có củ sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất saponin tốt nhất phải mất sáu năm, mà quy trình trồng hoàn chỉnh thì ngành dược liệu Việt Nam vẫn còn đang thăm dò, thử nghiệm. Nhưng chỉ riêng yếu tố độ cao thôi, phải từ 2.000 mét so với mực nước biển trở lên thì sâm mới cho chất lượng vượt trội, bán đắt hơn sâm Triều Tiên thì biết trồng nó gian nan cở nào.

Ở độ cao thấp hơn, từ 900 đến 1.500 mét, như huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum cũng đã có tiếng với hồng đẳng sâm - loại dược liệu được coi là “nhân sâm của người nghèo” nhờ mức giá vừa phải mà lại có giá trị thay thế nhân sâm trong điều trị bệnh, nên người dân địa phương khai thác lâu nay. Do diện tích rừng đang bị thu hẹp, nguồn dược liệu này cũng dần cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước thực trạng đó, hơn mười năm nay, một nhóm nhà đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh đã quyết định “bỏ phố lên rừng” đầu tư cho việc bảo tồn, phát triển và chế biến loại dược liệu này. Tiếp đó, nhóm tiếp tục phát triển nhiều dược liệu ở vùng Tây Nguyên như: sâm Hàn Quốc, nấm lim xanh… và nhiều loại dược liệu quý khác vì cho rằng đây mới là hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phát huy được tiềm năng dược liệu của đất nước.

Chế biến để nâng cao giá trị dược liệu

Đồng bào người dân tộc Xê-Đăng, Ba Na đang trồng loại sâm này khá nhiều nhưng chưa có phương pháp chế biến hiệu quả, chủ yếu là bán thô hoặc ngâm rượu, sấy khô đóng gói, rồi bán rẻ cho thương lái. 

Trong khi đó, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh trong mười năm trở lại đây. Không ít người nghĩ rằng thực phẩm chức năng là cuộc chơi của những nước giàu. Việt Nam chỉ nên xuất khẩu nguyên liệu thô qua cho nước ngoài họ làm, rồi nhập lại thành phẩm. 

Nhưng nhóm nhà đầu tư của ông Đỗ Hoàng Hải, người sáng lập kiêm Chủ tịch Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Saigon (thường được gọi là ông Năm Khoa) không nghĩ như vậy.

Người đam mê sưu tầm và bảo tồn cây dược liệu quý
sâm Ngọc Linh.

Từng giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và là Đại biểu Quốc hội khoá IX, nhưng ông Năm Khoa lại có nhiều trải nghiệm trong hoạt động kinh doanh. Người cựu tù Chuồng Cọp Côn Đảo năm nào không từ chối bất cứ cơ hội nào để làm giàu kiến thức cho mình, rồi mang những hành trang đó xông pha thực tế, truyền lại những kinh nghiệm ông có được cho người dân địa phương, chỉ vẽ làm ăn để giúp họ vượt qua nỗi cơ cực, thoát nghèo và góp phần làm giàu cho đất nước.

Khi đang là Phó tổng giám đốc IMEXCO (Tổng công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư TP. Hồ Chí Minh) ông sang Thái Lan học nghề nuôi trồng thủy sản rồi về xây dựng mô hình nuôi tôm, cá tại huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); sang Úc xuống tàu học đánh bắt hải sản để xây dựng đội tàu đánh bắt ở vùng biển Vũng Tàu và Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) hay ông đưa công nghệ đông lạnh khô tôm của Nhật về cho Xí nghiệp Đông Lạnh I để xuất khẩu. 

Thấy mô hình doanh nghiệp quốc doanh làm ăn ngày càng khó khăn, ông xin cơ chế thành lập Công ty cổ phần FIDECO, công ty cổ phần đầu tiên cả nước trước khi có luật dành riêng cho hình thức doanh nghiệp này. FIDECO phát triển đa ngành: chế biến thủy hải sản xuất khẩu, lương thực, tư vấn đầu tư, du học, đăng ký ISO…

Khi ở tuổi U70 cần nghỉ ngơi, ông lại lên rừng tìm đến vùng đất Măng Đen (Kon Tum) giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bên cạnh ý tưởng xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, ông còn thấy nơi đây có lợi thế rất lớn về hồng đẳng sâm nói riêng và dược liệu nói chung. 

Vì vậy, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn (SMI) được thành lập và hình thành Trung tâm giống dược liệu ở huyện Kon Plong (Kon Tum) và Trung tâm giống ở huyện K’bang (Gia Lai), đồng thời đồng thời xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu để giữ nguồn gen quý hiếm.

“Kon Tum, Gia Lai là những tỉnh hiếm hoi trên cả nước có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm và còn có những vùng đất đỏ bazan diện tích lớn. Người ta thường gọi những vùng này là “Đà Lạt thứ hai” nhưng chúng tôi thì gọi là “Đà Lạt của trăm năm trước”, thời kỳ thành phố khi chưa bị đô thị hóa. Đây là nơi vô cùng lý tưởng để phát triển những rừng dược liệu quy mô lớn” ông Năm Khoa nói. 

“Chúng tôi thành lập những trung tâm chọn lọc các loại đặc chủng dược liệu quý từ các vườn quốc gia, các khu bảo tồn để đội ngũ khoa học từ các phòng thí nghiệm của Viện sẽ khảo nghiệm hiệu quả và phát triển thành ngân hàng mô, ngân hàng giống, cung cấp và hướng dẫn gieo trồng cho các nông trường và đồng bào dân tộc Tây Nguyên”.

Vài năm nay những khu vườn hồng đẳng sâm của huyện Kon Plong, Măng Đen của Viện SMI phát động và bảo đảm bảo tiêu sản phẩm nên các vườn sâm càng phát triển mở rộng diện tích. Sau đó, Phân viện Tây Nguyên của SMI chiết tách các hoạt chất để làm thực phẩm chức năng, nguyên liệu bào chế các loại thuốc mới, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, sắc đẹp. Tiếp theo, những lô sâm Mỹ từ Bắc Carolina, sâm Hàn Quốc cũng đã về Việt Nam để nhân giống và trồng trong các trang trại.

Gần đây, khi nấm lim xanh tại Tiên Phước (Quảng Nam) ngày càng khan hiếm và khó tìm kiếm, mức giá dược liệu này bị đẩy lên cao và xuất hiện hàng giả tràn lan trên thị trường. Phân viện liền quyết định đầu tư một chiếc máy xay gỗ lim để tạo môi trường trồng nấm lim xanh ở Tây Nguyên. Đến nay, các chế phẩm từ hồng đẳng sâm, đông trùng hạ thảo, từ sâm Hàn Quốc, yến sào… đã được Viện SMI gia công nâng cao giá trị dinh dưỡng và thương mại.

Từ Viện SMI đến Viện HDK Sài Gòn

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ với ông Năm Khoa. Ông muốn nguồn dược liệu quý của Việt Nam phải đem lại giá trị thương phẩm tốt nhất và hiệu quả nhất, thậm chí là xuất khẩu. Vì không ít lần các thương nhân Hàn Quốc, Trung Quốc và quốc tế khác đã đến mua vét các loại dược liệu số lượng lớn. 

Muốn vậy, ông phải có một cơ chế mới rộng đường phát triển hơn với nhiều chức năng sản xuất, nghiên cứu, đào tạo, thương mại và xuất nhập khẩu. Viện Khoa học và Công nghệ mới HDK Sài Gòn đã hình thành như vậy bên cạnh Viện SMI.

Sau những năm lăn lộn trong ngành, ông đã có con số thống kê cho riêng mình. Ông cho biết: sâm Ngọc Linh sáu năm tuổi có hàm lượng saponin lên tới 36 - 37%/gr, sâm Hàn tốt nhất là 16%, sâm Mỹ 8%, còn hồng đẳng sâm chỉ có tỷ lệ từ 3 đến 4% saponin. Giai đoạn đầu ông chọn hồng đẳng sâm để phát triển, bởi nó phù hợp ở độ cao vừa phải, ai trồng cũng được và chỉ hai năm là có thể thu hoạch nên vòng vốn quay nhanh. 

Điều đó không có nghĩa là ông không mơ đến sâm Ngọc Linh và nhiều giống sâm quý của thế giới, bởi khí hậu ôn đới và còn trong lành của vùng đất Gia Lai, Kon Tum chính là điều kiện tuyệt vời để tạo dược tính cho các loại sâm. Cái hạn chế không nhỏ về độ cao cũng như cơ sở vật chất đã khiến ông Năm Khoa và đội ngũ chuyên viên phải tìm kiếm một hướng đi khác cũng không kém phần vất vả.

Trước hết là xác định được quy trình chặt chẽ từ việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu quý khắp nơi ở trong nước cho đến quốc tế. Ông cũng lặn lội đến Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… hay dùng các mối quan hệ tìm kiếm các nguồn nguyên liệu quý. Điều này hết sức khó khăn vì quý là phải thuần chủng, phải bảo tồn được nguồn gen gốc, không bị lai tạp hay mất dần dược tính qua nhiều thế hệ trồng. 

Công đoạn quan trọng kế tiếp là nhân giống trong phòng thí nghiệm bằng nhiều cách như dăm cành, gieo hạt và đặc biệt là cấy mô để cho giống thuần chủng khi đưa ra trồng thực địa với các thí nghiệm thổ nhưỡng, thời tiết hay độ ẩm khác nhau. 

Các công đoạn này phải mất nhiều năm nữa mới cho được kết quả ban đầu, nhưng ông Năm Khoa tin rằng với cách làm của mình thì một ngày nào đó, các loại sâm, dược liệu quý của Việt Nam và thế giới dưới dạng thực phẩm chức năng hay thuốc chữa bệnh sẽ hiện diện nhiều hơn ở thị trường trong nước.

Ông cũng xác định chính đội ngũ chuyên gia là các kỹ sư, kỹ thuật viên, bác sĩ… mà ông tập họp được mới là những nhân tố chính giúp ông đứng chân được trên vùng đất Măng Đen này 12 năm qua.

Hơn 20 nguồn giống dược liệu quý đã được xác lập, bảo tồn trong ngân hàng giống, có loại đã đưa ra sản xuất đại trà, ra sản phẩm bán trên thị trường, nhưng không ít loại đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Bởi ông hiểu tâm lý người dùng Việt Nam thích các loại thuốc hay thực phẩm chức năng từ cây cỏ hữu cơ, mang vóc dáng thiên nhiên vì ít có phản ứng phụ và ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Nhưng họ lại ngại ngần vì định tính và định lượng của các loại Đông dược thua hẳn thuốc Tây y.

Ước mơ cải thiện đời sống người dân tộc

Với những sản phẩm dược liệu làm ra tại Viện SMI, ông Năm Khoa luôn là người thử đầu tiên. Ở tuổi gần 80, ông vẫn duy trì được nhịp làm việc tích cực. Ít ai biết ông từng bị ung thư gan. Chính những sản phẩm do ông sản xuất đã giúp ông giữ sức khỏe sau các lần phẫu thuật điều trị ung thư.

Đối với ông Năm Khoa, vùng đất Tây Nguyên như quê hương thứ hai của mình. Ông đã từng nghẹn giọng, chùng lời trong một hội nghị khi nói về “món nợ” chưa trả được với người dân Tây Nguyên từng nuôi dấu, giúp đỡ cán bộ cách mạng thời chiến tranh. Ông có dịp quan sát thấy một số chương trình hỗ trợ đời sống người dân tộc diễn ra không hiệu quả. Họ có cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, tuy có trồng lúa nước, lúa nương, nuôi heo gà, săn bắt thú rừng… nhưng điều kiện sống vẫn nhiều bấp bênh. 

Ông quyết định phát triển các vườn dược liệu để tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho người dân nơi đây. Bởi ông đã thấy tốc độ đô thị hóa đã lan nhanh đến các tỉnh Tây Nguyên, mất đất, mất rừng sẽ đẩy họ đến một tương lai mờ mịt.

Ngoài ra, Viện SMI và HDK Sài Gòn cũng muốn tạo môi trường nghiên cứu, đào tạo cho các nhà khoa học trẻ. “Phân viện Tây Nguyên sẽ là nơi tiếp nhận nghiên cứu sinh sau đại học và sinh viên thực tập hoặc làm luận án tốt nghiệp. Chúng tôi sẽ đài thọ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho sinh viên nghèo các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh”, ông Năm Khoa cho biết.

Hiệu quả từ chiến lược phát triển nguồn dược liệu lâu dài ở khu vực Tây Nguyên còn phải chờ thời gian trả lời, song nỗ lực của những người như ông Năm Khoa rất đáng trân trọng và cần sự chung tay nhiều hơn từ cộng đồng. 

“Một vùng đất khô cằn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi như Israel vẫn có thể trở nên giàu mạnh nhờ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nhiều nhà khoa học, hẳn sẽ có được những bước phát triển vững chắc cho ngành dược liệu trong tương lai”, ông tin tưởng.

Di sản Việt trong bài toán bảo tồn và khai thác

Di sản Việt trong bài toán bảo tồn và khai thác

Phát triển bền vững -  5 năm

Quá nhiều đất ven biển quý giá được sử dụng cho các hoạt động phát triển dồn dập, dẫn đến nguy cơ biến Việt Nam trở thành điểm đến du lịch đại trà, EuroCham nhận định.

Sâm Ngọc Linh - Báu vật đại ngàn Kon Tum

Sâm Ngọc Linh - Báu vật đại ngàn Kon Tum

Ống kính -  5 năm

Được xem là quốc bảo của Việt Nam, sâm Ngọc Linh mới đây đã hiện diện tại thủ đô trong khuôn khổ triển lãm 'Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn'.

Sâm Ngọc Linh: Quốc bảo của Việt Nam và giấc mơ tỷ đô trên đỉnh núi

Sâm Ngọc Linh: Quốc bảo của Việt Nam và giấc mơ tỷ đô trên đỉnh núi

Tiêu điểm -  6 năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sâm Ngọc Linh chính là quốc bảo của Việt Nam, Kon Tum phải tính tới mục tiêu tỷ USD về sản xuất và xuất khẩu sâm Ngọc Linh trong thời gian tới

Cận cảnh các loại sâm, dược liệu quý hiếm của đại ngàn Kon Tum

Cận cảnh các loại sâm, dược liệu quý hiếm của đại ngàn Kon Tum

Ống kính -  6 năm

Triển lãm sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác vừa khai mạc tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum ngày 4/9.

Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi

Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi

Tiêu điểm -  1 giờ

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.

Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

Nhịp cầu kinh doanh -  1 giờ

Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.

Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh

Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh

Nhịp cầu kinh doanh -  1 giờ

Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.

Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững

Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững

Leader talk -  2 giờ

Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park

Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park

Bất động sản -  2 giờ

Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.

PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ

PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ

Doanh nghiệp -  2 giờ

PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.

Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện

Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện

Bất động sản -  3 giờ

Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực