Căn bệnh của các CEO và bài thuốc giải độc của Dr. Home Nguyen

Kim Yến - 08:15, 16/04/2019

TheLEADERKhi làm việc trong thời gian dài với cảm giác như tội lỗi, sợ hãi, thèm khát, ham muốn, giận dữ hay hãnh diện, CEO và những người giàu tham vọng sẽ đổ bệnh, tâm lý bất an.

Dr. Home Nguyen là nhà lãnh đạo chánh niệm, cố vấn và huấn luyện viên cho các giám đốc điều hành, doanh nhân và nhà giáo dục cấp cao. Ông đã huấn luyện các giám đốc điều hành cấp trung và cấp cao của các công ty Fortune 200, bao gồm Google, Amazon, LinkedIn, Fox Entertainment và nhiều công ty mới khởi nghiệp. 

Ông đã giảng dạy và tạo điều kiện cho các khóa học về đào tạo tự nhận thức, động lực nhóm giữa các cá nhân, lãnh đạo và phát triển người lớn tại Trường Kinh doanh Đại học Columbia, Trường Luật và Đại học Sư phạm và Trường Quản lý Yale - Hoa Kỳ.

Căn bệnh lớn nhất của các CEO và bài thuốc giải độc tố của Dr. Home Nguyen
Dr. Home Nguyen, nhà sáng lập Viện MindKind (Hoa Kỳ).

Nhân chuyến trở về làm việc tại quê hương, nhà sáng lập Viện MindKind (Hoa Kỳ) dành cho TheLEADER cuộc trò chuyện thú vị về lãnh đạo chánh niệm và trí tuệ thực tế, để có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc sống cá nhân và những người xung quanh, bằng cách trở nên chân thực, kiên cường và nhân ái hơn, với nhiều mô thức chữa lành và đi sâu vào thân - tâm.

THAY ĐỔI TỪ TÂM CAN CHO ĐẾN THẾ GIỚI QUAN

Trong thế giới kinh doanh đầy áp lực và lúc nào cũng phải tiến về phía trước, cách huấn luyện của Mindkind có gì khác biệt, để có thể tạo nên sự thay đổi từ bên trong của nhà lãnh đạo, từ đó tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ và lâu dài?

Dr. Home Nguyen: Thực trạng và lối tư duy hiện tại trong thế giới kinh doanh giờ là luôn thúc đẩy và lôi kéo mạnh hơn, rồi tăng trưởng, tăng trưởng nữa và mãi, đã nhanh càng phải nhanh hơn cho đến khi tất cả kiệt sức và những người lãnh đạo bị hủy hoại từ chính những hệ thống họ làm nên.

Rất nhiều người lãnh đạo trong kinh doanh đang luôn tìm cách thay đổi yếu tố bên ngoài, nhưng sự thật là yếu tố ngoại cảnh không ở trong tầm kiểm soát của họ. Họ càng cố khắc phục những vấn đề bên ngoài thì họ càng tạo ra nhiều vấn đề cho chính họ. Có lẽ một ai đó có thể sai khiến và bắt người khác phải cư xử một cách nào đó, nhưng cuối cùng cách này sẽ luôn gậy ông đập lưng ông và trở thành một giải pháp không hay ho cho bất kì ai.

Cách duy nhất để có thể thay đổi thật sự và lâu dài là phải có đủ dũng cảm để nhìn vào bên trong và làm công việc cam go - việc chuyển hóa chính mình từ bên trong. Tất cả nền văn minh từ cổ chí kim đã luôn có lời động viên “Biết chính mình”, như tiếng Việt mình là “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Đây là lời khuyên rất thâm thúy, nhưng tất nhiên nói dễ hơn làm. Câu hỏi là làm thế nào để thực sự biết chính mình? Để biết người khác sâu sắc hơn?

Đây là điều mà Viện MindKind cam kết để giúp những nhà lãnh đạo phát triển sâu hơn về việc hiểu chính mình. Chúng tôi tích hợp tâm lý và thần kinh học phương Tây với triết lý phương Đông cũng như những truyền thống về thiền học và quán tưởng thân - tâm.

Cách tiếp cận của MindKind với việc khai vấn lãnh đạo khác với những tổ chức phát triển lãnh đạo thông thường khác là chúng tôi không chỉ tập trung vào những mảng chiến thuật hay chiến lược mà đi rất sâu vào sự hiện thân, vào cảm xúc, các mối quan hệ giữa người với người và cả tâm lý lẫn tâm linh. Làm công việc này sẽ dẫn tới thay đổi từ bên trong tâm can cho tới thế giới quan.

Thế giới sẽ không ngừng phức tạp hóa, và chúng ta phải phát triển khả năng hoạt động không chỉ ở mức độ bề mặt mà phải đi tới những tầng sâu hơn về tâm thức và tâm hồn.

Từng huấn luyện các CEO cấp trung và cao của Google, Amazon, LinkedIn... anh có thể cho biết " căn bệnh" phổ biến nhất với các CEO hiện nay là gì? Làm thế nào để vượt qua nỗi cô đơn, sợ hãi, và những áp lực liên tục, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ?

Dr. Home Nguyen: Trong trải nghiệm và quan sát của tôi thì “căn bệnh” hay “phiền muộn” lớn nhất cho CEO và những người giàu tham vọng và thành công trong chuẩn mực thông thường là sự “nghiện ngập” với những cảm giác như tội lỗi, sợ hãi hay thèm khát và ham muốn hay giận dữ và hãnh diện.

Khi làm việc từ những mức độ và trạng thái như vậy trong thời gian dài, con người ta sẽ đổ bệnh, tâm lý bất an và đời sống tâm linh càng nghèo nàn. Họ không biết khi nào là đủ và thế nào là đủ. Họ không ngừng so sánh bản thân với người khác, lại tạo ra nhiều ác cảm và thèm muốn để làm nhiều thứ hơn. Họ không biết khi nào nên chậm lại hay dừng lại, khi nào nên nghỉ ngơi, khi nào nên hít một hơi thở và khi nào nên buông bỏ và ra đi.

Tệ hơn nữa là việc chúng ta nghiện ngập công nghệ như điện thoại và các mạng xã hội làm cho ta luôn bị lôi kéo vào thế giới ảo kể cả khi ta không có đủ dung lượng để xử lý chúng. Họ làm việc mạnh hơn, thúc đẩy nhiều hơn, chạy theo những thành công và sự công nhận từ bên ngoài.

Trớ trêu thay, khi mà họ có được nó, họ vẫn cảm thấy không thỏa mãn và hài lòng, mà thậm chí còn cảm thấy kiệt quệ và trống rỗng ở bên trong. Tệ hơn nữa, sự đau đớn này họ không giữ cho riêng mình mà còn lan truyền cho những người xung quanh. Đây là lí do tại sao những việc độc hại như ăn hiếp bắt nạt ở công sở hay việc kiệt sức có thể tàn phá con người và cuối cùng là cả công ty đó.

Cách tiếp cận của Mindkind để phát triển lãnh đạo và huấn luyện là không thông thường và không chính thống, mà căn cứ vào các thực hành tâm trí và cơ thể. Đây có phải là một hướng khai vấn rất mới mẻ và toàn diện so với các xu hướng hiện nay?

Dr. Home Nguyen: Muốn thế, người khai vấn phải không sợ hãi, trung thực và truyền cảm hứng, có tầm nhìn và thực tế, giữ khách hàng của mình với sự tôn trọng và chăm sóc tối đa.

Là một người vừa nghiên cứu và thực hành, tôi rất tò mò về điều gì tạo nên một người lãnh đạo có chánh niệm và làm cách nào để họ có thể lãnh đạo bằng sự uyên thâm và thành công bởi tình yêu thương. Sự uyên thâm đối với tôi nghĩa là khả năng hiểu biết sâu sắc qua trải nghiệm - trải qua và nghiệm lại. Tình yêu thương ở đây không phải là tình yêu lãng mạn mà là khả năng thấu cảm, lòng trắc ẩn và nhân ái.

Thông qua quá trình học và nghiên cứu ở Đại học Columbia, ban Sư phạm cho Giáo viên, tôi học được rằng rất nhiều nhà lãnh đạo và tổ chức của họ đang phải đối mặt với một khối lượng căng thẳng và lo lắng khổng lồ. Thậm chí khi họ có thể đang làm chủ một công ty rất thành công, rất nhiều người tự dưng đổ bệnh hoặc gặp vấn đề về gia đình và các mối quan hệ. Hầu hết tất cả đều có cảm giác bị cô lập, nhiều nỗi lo âu và đôi khi là trầm cảm mà không hay biết.

Từ trải nghiệm của bản thân, qua nghiên cứu và làm công tác huấn luyện với hàng trăm bậc lãnh đạo, tôi bắt đầu hiểu rằng chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA (viết tắt tiếng Anh là Volatility - biến động, Uncertainty - bất ổn, Complexity - phức tạp và Ambiguity - mơ hồ).

Việc công nghệ thay đổi chóng mặt đặc biệt là trí thông minh nhân tạo, cũng như biến đổi khí hậu, sự bất ổn về chính trị và kinh tế hay là khủng hoảng người tị nạn trên thế giới đều đang tạo ra một sự lo âu chung. Là loài người nói chung, chúng ta càng ngày càng phải chạy nhanh hơn với tốc độ chóng mặt, và nghiên cứu đều đang cho thấy là chúng ta đều đang trải qua “bệnh dịch” của sự cô lập, đơn độc và trầm cảm.

Đây cũng là trải nghiệm của tôi.

Tôi để ý rằng rất nhiều người lãnh đạo đi lên càng cao trong vị trí lãnh đạo của mình thì càng trở nên cô độc. Rất nhiều trường hợp khi một công ty phát triển quá nhanh và người lãnh đạo dẫn trở nên giàu có hơn với sự thành công thì cái tôi của họ càng lớn lên.

Khi một người lãnh đạo bị dẫn dắt bởi cái tôi, họ càng trở nên thèm muốn thành công và sợ thất bại và rồi nảy sinh nhiều chứng bệnh trong cơ thể tới tâm lý. Nếu không có tâm trí sáng suốt, kim chỉ nam về đạo đức và phẩm hạnh của họ sẽ bị thỏa hiệp, dần dần dẫn tới việc họ đưa ra những quyết định yếu kém và những lựa chọn không phù hợp với đạo lý.

Tất cả những vấn đề này làm cho tôi bắt đầu Viện MindKind, một trong vài công ty nhỏ mà đẹp về lĩnh vực khai vấn và tư vấn lãnh đạo, tập trung vào việc nâng tầm tâm thức và phát triển những bậc lãnh đạo có chung giá trị cốt lõi là sự uyên thâm và lòng trắc ẩn.

Chúng tôi hướng tới một thế giới khi tất cả những nhà lãnh đạo có thể vượt lên nỗi sợ hãi hay thèm muốn, vượt lên cơn giận dữ hay lòng kiêu hãnh để có thể đưa ra những quyết định mạnh mẽ và sáng suốt từ tầng tâm thức cao hơn, như từ lòng dũng cảm, thiện chí, lý trí và thậm chí còn cao hơn như tình yêu thương, hòa hợp và hân hoan.

Tôi tin rằng chúng ta có thể điều hành một công ty thành công dựa trên nền tảng của tình yêu thương, hòa hợp và hân hoan. Thử hình dung nếu chúng ta hành động từ những tâm thức có sức mạnh hơn như vậy thì những công ty, tổ chức và cả xã hội sẽ trở nên như thế nào?

Theo anh, thế nào là một nhà lãnh đạo Thiền? Để khai mở và dẫn dắt đội ngũ của mình, nhà lãnh đạo cần phát triển chánh niệm và trí tuệ của mình ra sao? Lãnh đạo bằng tình yêu thương có trở nên một triết lý kinh doanh của thời 4.0, khi trí tuệ nhân tạo đang là thách thức quá lớn với phẩm chất người trong thời đại máy?

Căn bệnh của các CEO và bài thuốc giải độc của Dr. Home Nguyen 1

Dr. Home Nguyen: Tôi nghĩ có ba yếu tố giúp một người lãnh đạo có thể bắt đầu việc thực hành thiền của mình.

Đầu tiên, người lãnh đạo phải sẵn sàng để hạ mình khiêm nhường mà vẫn là một người chịu và dám học. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết mọi người không bắt đầu quá trình tự nhìn vào bên trong cho đến khi họ gặp một khủng hoảng nào đó từ bên trong hoặc ngoài. Từ bệnh tật nảy sinh cho tới sự nghiệp bế tắc hoặc chệch hướng và những đau thương trong mối quan hệ cá nhân như ly dị hay một người thân qua đời, tất cả những điều này có thể châm ngòi cho người lãnh đạo bắt đầu tự hỏi về bản chất của sự tồn tại của chính mình.

Là người lãnh đạo hướng đến chánh niệm có nghĩa là mình sẵn sàng dành thời gian và công sức để nhận thức chính mình rõ hơn và trở nên thức tỉnh hơn về những sự thật của vạn vật bên trong của mình. Mình sẵn lòng để nhìn sâu hơn vào những tiềm năng về cơ thể, tâm lý hay tư duy của chính mình. Quan trọng hơn nữa là mình quan tâm và muốn tìm hiểu mối liên hệ của mình với một thế giới lớn hơn xung quanh mình. Như lời nhà thơ Mary Oliver, mình muốn hiểu “chỗ đứng của mình trong gia đình của vạn vật”.

Người lãnh đạo như vậy muốn tìm hiểu về bản chất làm người, về sự khổ đau của việc là người cũng như cách để vượt qua nó. Cô ấy hoặc anh ấy sẵn lòng khám phá những nguyên tắc của tự nhiên.

Ví dụ, nguyên tắc quả báo có nghĩa là gieo nhân nào ăn quả nấy. Hoặc là nguyên tắc vô thường, rằng mọi thứ đến và đi. Hay là nguyên tắc tương thuộc, có nghĩa là tất cả chúng ta đều tương thuộc lẫn nhau một cách rất cơ bản và sâu sắc.

Điều này có nghĩa là khi mình làm tổn thương người khác, mình cũng đang làm tổn thương chính mình. Hiểu những điều này không chỉ là lý thuyết suông mà phải qua trải nghiệm thực tiễn, thực hành và tự trau dồi bản thân.

TỰ CHỮA LÀNH THÂN - TÂM

Từ giai đoạn khởi nghiệp năm 1987 cho tới trưởng thành, anh đã sáng lập ba công ty khác nhau và đã trải qua cả thành công vang dội cũng như thất bại đắng cay… Động lực nào lớn nhất khiến anh quyết định chuyển hướng hoàn toàn, khởi nghiệp với Viện MindKind?

Dr. Home Nguyen: Qua kinh nghiệm vừa là doanh nhân vừa là nhà sáng lập, tôi đã vật lộn với nỗi đau và những thử thách không chỉ của việc vun đắp và duy trì chính bản thân mình dưới tư cách một người lãnh đạo mà còn việc làm thế nào để cho cả tổ chức cũng như nhân viên đi lên từ giai đoạn sống còn cho tới lúc thăng hoa phát đạt.

Năm 22 tuổi, tôi bỏ học đại học ở Mỹ để bắt đầu một công ty kịch gọi là Club O Nooles, đoàn kịch người Mỹ gốc Việt đầu tiên. Chúng tôi dùng hình thức sáng tạo và kể chuyện để giúp người Việt tị nạn ở Mỹ có thể đối mặt và xử lý những tổn thương sau chiến tranh và sau trải nghiệm làm người tị nạn. Tôi bắt đầu công ty qua chính từ trải nghiệm của mình là một người tị nạn vượt biển những năm 80. Tôi nhìn thấy và hiểu sự khổ đau của những người bạn tị nạn của mình và muốn đóng góp một điều gì đó.

Tôi dẫn dắt công ty này trong vòng tám năm với rất nhiều thành công. Chúng tôi trở thành đoàn kịch người Mỹ gốc Việt đầu tiên đi khắp nước với một tác phẩm bộ ba tên là “Tiếng cười từ những Đứa Trẻ của Chiến Tranh”.

Tuy nhiên, ở tuổi 30, đi cùng với những thành công về sự nghiệp là những cơn lo âu căng thẳng đến mức tôi bắt đầu có những triệu chứng thần kinh cơ thể như viêm dạ dày, đau nửa đầu và mất ngủ. Tôi đã thử các loại thuốc tây khác nhau nhưng chỉ giúp được tạm thời phần nào. Những cơn đau dần đến mức không chịu được.

Tôi vẫn nhớ một khoảnh khắc, là đạo diễn đứng dưới cánh gà chuẩn bị trước một buổi biểu diễn lớn. Đột nhiên có một cô diễn viên đến hỏi tôi “Tôi phải nói với anh một chuyện ngay lúc này”. Cô ấy trông có vẻ nghiêm trọng, nhưng lúc đó tôi gạt đi vì giờ diễn đến nơi rồi làm gì còn thời gian. Cô ấy chạy lên chặn đường tôi ra sân khấu, vừa cương quyết vừa khẩn khoản nên tôi mới bảo cô ấy nói nhanh lên.

“Tôi đến làm việc ở đây vì tôi thấy đây là một công việc rất đẹp vào cao thượng, và anh là một người lãnh đạo có nhiều tài năng, sức sáng tạo và sức hút. Tuy nhiên, tôi phải nói với anh một điều rất quan trọng: tôi không cảm thấy tình thương yêu khi làm việc với anh”.

Giây phút đấy tôi chỉ bực mình và nghĩ bụng “Tình thương yêu thì liên quan quái gì đến những thứ mình đang làm? Diễn đến nơi rồi”. Điều trớ trêu sau đó tôi mới nhận ra là ban đầu tôi bắt đầu nhóm kịch để giúp chữa lành chính mình và những người cùng hoàn cảnh - từ tình yêu thương - vậy mà giờ sau những thành công tôi lại khiến cho những người làm việc cùng với mình không cảm thấy tình yêu thương!

Dần dần sau đó, tôi thấy những thiếu sót trong việc lãnh đạo của chính mình khi tôi có khả năng sai khiến người khác qua nỗi sợ, cơn giận hay thậm chí là niềm kiêu hãnh, nhưng tôi thực sự không biết cách động viên người khác từ một vị thế của sự dũng cảm, chấp nhận và yêu thương. Cho dù tôi có thể thành công về những yếu tố bên ngoài, trong thâm tâm tôi không cảm thấy thỏa mãn và hài lòng.

Sau khi rời khỏi vị trí đạo diễn nghệ thuật của đoàn kịch, tôi muốn đi tìm một cách để xử lý những nỗi đau bên trong của mình. May mắn thay, tôi được khám phá tới nhiều mô thức chữa lành và đi sâu vào các mô thức chữa lành thân - tâm, bao gồm tâm lý trị liệu phương Tây và các hướng Thiền học phương Đông, đặc biệt là thiền Vipassana.

Năm 2010, tôi quay trở lại với việc học để học xong bằng cử nhân, rồi thạc sĩ và luôn một mạch tới tiến sĩ trong ngành giáo dục, đặc biệt là Lãnh đạo Tổ chức và Giáo dục Người lớn. Luận án tiến sĩ của tôi tập trung vào cách các nhà lãnh đạo của các tổ chức có thể phát triển chánh niệm (khả năng nhận thức hiện tại) và lý do tại sao họ lại có nỗ lực để phát triển điều này, cũng như khả năng nhận diện bản thân và trí tuệ cảm xúc sâu sắc sơn. Tôi cũng rất quan tâm tới cách họ tích hợp những mảng phát triển bản thân này trong cách họ lãnh đạo và tạo ảnh hưởng để những người khác cũng phát triển năng lực chánh niệm của họ.

Trong nghiên cứu và viết của mình, tôi tập trung vào cách các nhà lãnh đạo của các tổ chức kết hợp chánh niệm và lòng trắc ẩn vào ảnh hưởng lãnh đạo của họ. Tôi được đào tạo về mát-xa Thái truyền thống, sự thân mật thiêng liêng và các phương thức chữa bệnh tâm lý và tâm linh khác nhau. Tôi cũng đã thực hành thiền Vipassana trong hơn hai mươi năm.

Khó khăn lớn nhất của anh là gì khi bắt đầu khởi nghiệp, giữa một thế giới mà các khoá huấn luyện, các trường đào tạo doanh nhân đầy phức tạp, thực giả lẫn lộn, và những triết lý kinh doanh quá coi trọng đồng tiền đang làm mất đi nhân tính con người?

Dr. Home Nguyen: Điều khó nhất tôi nghĩ là phải biết chính mình. Phải đúng và thật với chính mình và người khác trong quá trình khởi nghiệp này. Trong một thế giới có quá nhiều kích thích và cám dỗ, khi tất cả mọi người và mọi thứ đều đang gào lên đòi hỏi sự chú ý của bạn thì rất khó để chậm lại và tập trung vào điều thực sự quan trọng.

Hơn nữa, rất nhiều người, đặc biệt là trong giới kinh doanh, vẫn còn mới mẻ với khái niệm về rèn luyện để nhận diện bản thân và về tập trung vào những thay đổi bên trong. Cũng khó nữa để tìm được những sự hướng dẫn và hỗ trợ đúng đắn, nên nhiều người thậm chí còn chẳng biết bắt đầu tìm sự trợ giúp từ đâu.

Ngoài ra, việc huấn luyện và phát triển lãnh đạo chánh niệm rất khó để đong đếm hiệu quả cụ thể, nên nhiều người còn hoài nghi. Tuy nhiên là một nhà nghiên cứu tôi nghĩ rằng có khả năng hoài nghi lành mạnh, cởi mở và tò mò tìm hiểu là điều rất tốt. Nếu được cho một lời khuyên chung, tôi sẽ nói là đừng cố gắng thay đổi thế giới bên ngoài cho tới khi sẵn lòng thay đổi bên trong chính mình.

Vì sao anh quyết định dành thời gian ở Việt Nam nhiều hơn, dù công việc ở Mỹ đang rất bận rộn?

Dr. Home Nguyen: Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh, từng trải qua những ngày kinh khủng trên một chiếc thuyền ở tuổi 14, sống sót sau bao nhiêu thử thách trên biển, từng sống một năm trong trại tị nạn trước khi di cư sang Mỹ… tôi hiểu việc chữa lành vết thương từ các cuộc chiến tranh và hậu quả của nó là vô cùng cần thiết. 

Sau khi thực tập Thiền, 23 năm nay tôi không uống một viên thuốc giảm đau nào. Gốc mọi bệnh tật đều xuất phát từ trong tâm của mình. Tôi cảm thấy chánh niệm rất hiệu quả cho chính mình, và muốn trở về Việt Nam, muốn giúp mọi người cùng thực tập để chuyển hoá, có được sức mạnh thực sự và giúp người khác có thêm sức mạnh

Thời đại 4.0, 5.0, môi trường càng làm mình bận rộn hơn, phải nhận thức chính mình. Giải độc tố cho toàn công ty luôn bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất, những vấn đề về nhân sự, kinh doanh trong công ty đều từ người lãnh đạo, nếu muốn công ty tốt phải lo sức khoẻ tâm, thân, linh cho người lãnh đạo. Nếu không hiểu về tâm linh thì không thể nhìn thấy một tầm nhìn lớn, không thể có một công ty lớn.