Cần tái khởi động hoạt động kinh tế và có phương án sống chung với dịch

Quỳnh Chi - 08:40, 21/04/2020

TheLEADERTheo GS.TS Nguyễn Đức Khương, đến lúc này, chúng ta đã cần phương án sống chung với dịch, chuẩn bị tạo đà bứt phá cho kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 kết thúc.

Cần tái khởi động hoạt động kinh tế và có phương án sống chung với dịch
GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ,Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu trường kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch dịch Covid-19, trong năm ngày liên tiếp tính đến 6h sáng ngày 21/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Tổng số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam hiện vẫn là 268 trường hợp, trong đó có 214 bệnh nhân đã được chữa khỏi.

Việt Nam đang ở trong một giai đoạn cách ly thứ hai, theo ba nhóm địa phương gồm các tỉnh thành nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh thành kéo dài cách ly đến hết ngày 22/4 và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng lây nhiễm chưa được kiểm soát. Các tỉnh, thành được phép quyết định biện pháp giãn cách đối với địa phương mình. 

Xoay quanh câu chuyện này, TheLEADER đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu trường kinh doanh IPAG (Pháp), Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). 

Ông đánh giá như thế nào về các quyết định liên quan đến cách ly xã hội trong thời gian qua của Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Trong ứng phó với bệnh dịch thì quan trọng nhất là khả năng dự báo, xác định được nơi nào có dịch. Tiếp đến là đưa ra các giải pháp kiềm chế sự lây lan, điều trị cho những người bị nhiễm. Cuối cùng là đẩy mạnh nghiên cứu bệnh lý, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thuốc và vắc xin.

Chiến lược tiếp cận của Chính phủ với Covid-19 bao hàm sự tiên liệu, hành động sớm để phòng chống và quyết liệt ngăn chặn sự lây lan. Những điều chỉnh về chính sách nhịp nhàng vừa qua phản ánh khả năng dự báo tình hình thực tiễn trong và ngoài nước rất tốt.

Khi dịch bệnh được kiểm soát tương đối và hệ thống y tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho một giả thuyết dịch có thể bùng phát trở lại thì việc nới lỏng cách ly xã hội có thể thực hiện được. Việc nơi lỏng cách ly theo xếp hạng nhóm nguy cơ sẽ giúp khoanh vùng, hạn chế việc lây nhiễm sang các khu vực khác.

Vì dịch bệnh và tác động của nó hoàn toàn có thể kéo dài, khởi động trở lại hoạt động kinh tế xã hội trong các khu vực nguy cơ thấp với những điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn là cần thiết để đảm bảo phúc lợi và lợi ích lâu dài của toàn dân.

Ngay cả khi Covid-19 chấm dứt sớm thì hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều do các nước khác vẫn phải xoay sở với dịch, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đến lúc này, chúng ta đã cần phương án sống chung với dịch, chuẩn bị tạo đà bứt phá cho kinh tế Việt Nam khi dịch Covid-19 kết thúc.

So với cách làm của các nước trên thế giới, theo ông, đây có phải là giải pháp tối ưu với Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu kế hoạch “trở lại bình thường”. Ngày 15/4, Thủ tướng Đức đã đưa ra kế hoạch đưa nước này dần dần trở lại quỹ đạo sinh hoạt bình thường kể từ 20/4, sau thời gian phong toả và cách ly cộng đồng với một một danh sách các bước, bao gồm đeo mặt nạ bắt buộc ở nơi công cộng, giới hạn các cuộc tụ họp và truy tìm chuỗi lây nhiễm nhanh chóng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông báo ngày 11/4 về một kế hoạch tương tự cho nước Pháp, theo đó Pháp xúc tiến đưa hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường từ ngày 11/5 với tinh thần “hành động và sống cùng virus”. Những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao và dễ tổn thương sẽ phải tiếp tục cách ly sau 11/5, mở rộng số lượng xét nghiệm cho tất cả những người có triệu chứng, cung cấp đầy đủ khẩu trang cho những ngành nghề có nguy cơ cao, và cho những người dân có mong muốn.

Những gì Việt Nam đã làm được trong thời gian qua phần nào chứng minh được Việt Nam có khả năng làm chủ được tình hình, sự tự chủ và năng lực ứng phó của các địa phương đã được tôi luyện và nâng cao. Các giải pháp mà quốc tế bắt đầu chuẩn bị thực hiện để trở lại bình thường thì nước ta đã thực hiện quyết liệt ngay từ đầu dịch. Người dân cũng hưởng ứng, chủ động và thực hiện tốt các khuyến nghị của Chính phủ và các cơ quan y tế. 

Tuy nhiên, một sự cẩn trọng vẫn không thừa khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp. Quan trọng hơn cả là ở thời điểm hiện tại chúng ta không biết mức độ miễn nhiễm bao nhiêu, trong khi đó chúng ta có một nền kinh tế rất mở và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Đâu là những yếu tố quyết định đến sự khác biệt trong việc đưa ra chiến lược của Chính phủ các nước trong mùa dịch này?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Sự khác biệt trong chiến lược ở các nước phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết là về tình hình bệnh dịch hiện tại của các quốc gia đó (đã bùng dịch hay vẫn đang trong tầm kiểm soát); khả năng ứng phó của hệ thống y tế dựa trên năng lực huy động nguồn lực vật chất (trang thiết bị y tế, số bệnh viện và cơ sở y tế, số lượng giường bệnh, máy thở…); và con người (đội ngũ bác sỹ, y tá và các lực lượng khác). 

Tiếp đến là mức độ đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và thực hiện các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát dịch. Trong một số trường hợp, đóng cửa biên giới hoặc ngừng sản xuất có thể gây ra thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế và uy tín của quốc gia đó.

Làm thế nào để khuyến khích hoạt động cục bộ trong các tỉnh một cách hiệu quả trong mùa dịch này, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Covid-19 đưa đến những thay đổi, định hình mới trong hoạt động kinh tế - xã hội, ở cả phạm vi quốc gia và toàn cầu. Ví dụ, vấn đề toàn cầu hoá và chống biến đổi khí hậu sẽ cần những tư duy và suy nghĩ mới. Đương nhiên các quốc gia phải tìm cách xây dựng một mô hình tăng trưởng bền vững hơn, ít phụ thuộc bên ngoài hơn, và có khả năng chống chịu cao.

Các địa phương nằm trong tổng thể gắn kết của cả nước nên cũng đi theo xu hướng chung là phải có những thay đổi thích ứng phù hợp, việc này chỉ là sớm hay muộn.

Nơi nào thuộc diện nới lỏng cách ly xã hội có thể bắt tay vào điều chỉnh sớm hơn. Quan trọng nhất là đánh giá lại khả năng ứng phó y tế tại địa phương mình và xây dựng các tài liệu hướng dẫn an toàn cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh trong điều kiện dịch chưa chấm dứt. 

Tiếp đến là tập trung vào phát triển năng lực nội tại, gắn kết và đảm bảo “an toàn” giữa các nguồn cung ứng nguyên vật liệu với sản xuất và chuỗi thương mại, và hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đối số phục vụ cho làm việc từ xa đối với một số bộ phận.

Với đặc thù của Việt Nam, bằng cách nào để vừa có thể đảm bảo an toàn, vừa tránh ảnh hưởng nặng nề về kinh tế (thậm chí là tính đến hồi phục) trong thời gian tới, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, kể cả khi Việt Nam đã hết dịch?

GS.TS Nguyễn Đức Khương: Mục tiêu kép này đưa đến lựa chọn kiên trì “ưu tiên chống dịch” như mục tiêu hàng đầu và bắt đầu đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, với việc thực thi nghiêm túc những hướng dẫn đảm bảo an toàn như giữ gìn vệ sinh rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và tránh các hoạt động cộng đồng tập trung đông người, ít nhất cho đến khi dịch kết thúc ở Việt Nam. 

Công tác quản lý xuất nhập cảnh cũng rất quan trọng trong điều kiện hội nhập và một khi giao thông hàng không quốc tế được mở dần dần trở lại.

Xin cảm ơn ông!